Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Tây Nguyên

NGUYỄN THÀNH 10:30, 21/07/2024

(LĐ online) - Theo dự kiến, ngày 26/7, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có buổi làm việc tại Lâm Đồng với 5 địa phương vùng Tây Nguyên.

Cánh đồng mẫu tại huyện nông thôn mới Đạ Tẻh
Cánh đồng trồng lúa nếp Quýt tại huyện nông thôn mới Đạ Tẻh

Buổi làm việc theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội khóa XV về một số cơ chế chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của vùng Tây Nguyên 7 tháng đầu năm 2024.

Ban Chỉ đạo Trung ương giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan chuẩn bị báo cáo, tài liệu phục vụ buổi làm việc; trong đó, UBND các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông có trách nhiệm chủ động trao đổi, làm việc với các bộ, cơ quan liên quan để báo cáo về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đề xuất giải pháp tháo gỡ bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Tây Nguyên là địa bàn đặc thù, có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, quốc phòng, an ninh với diện tích rộng lớn, chiếm khoảng 1/6 diện tích cả nước nhưng chỉ có khoảng 6,3 triệu người sinh sống (chiếm 6% dân số cả nước); trong đó, đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 36,5%.

Ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. 

Giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương đã giao tổng vốn đầu tư phát triển cho 5 tỉnh Tây Nguyên trên 11.731 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cả nước.

Riêng tại Lâm Đồng, tổng vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia là gần 1.132 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 1.048 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương hơn 84 tỷ đồng. 

Trong quá trình thực hiện, các tỉnh Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, thông báo kết luận và tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc tiến độ thực hiện 3 chương trình này.

Trước đó, vào tháng 2/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì hội nghị được tổ chức tại tỉnh Gia Lai, làm việc với các tỉnh Tây Nguyên để trực tiếp nắm bắt tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Sau đó, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ra những giải pháp thiết thực thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình này.