(LĐ online) - Ngày 19/7, tại xã Lộc Bắc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp cùng UBND huyện Bảo Lâm tổ chức khai mạc lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mạ với sự tham dự của ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở, ông K’Lình - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, ông Trịnh Văn Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban của huyện, lãnh đạo xã Lộc Bắc cùng các nghệ nhân, 30 học viên của lớp truyền dạy.
Các học viên tham dự lớp học chụp hình với đại biểu tại lễ khai giảng |
Trong 30 ngày, các học viên sẽ được 4 nghệ nhân Ka Hiếu, Ka Chung, Ka Tim, Ka Son là những người nắm giữ cách thức nghề dệt truyền thống truyền dạy từ cách sử dụng khung dệt, giăng sợi, kỹ thuật dệt đến cách phối màu, cách tạo hình, hoa văn, họa tiết và ý nghĩa của từng hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm Mạ.
Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Nghề dệt thổ cẩm của người Mạ có từ hàng trăm năm do bao thế hệ đi trước tích lũy, chọn lọc, tích tụ kinh nghiệm sáng tạo nên, cần mẫn từng canh chỉ, nắn nót từng tạo hình, hoa văn, họa tiết mà thành. Trang phục truyền thống của đồng bào Mạ đẹp lộng lẫy, từng gây ấn tượng với cộng đồng 54 dân tộc anh em tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội). Người Mạ khác với các dân tộc khác nhờ trang phục truyền thống.
Đó là niềm tự hào, tôi mong rằng các nghệ nhân dành cả tâm huyết truyền dạy, các học viên trẻ quyết tâm học nghề để giữ lấy nghề, không cho nghề dệt bị mai một mà làm lan tỏa vẻ đẹp của trang phục truyền thống trong cuộc sống đời thường”.
Bà Ka Hương – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Bắc mong muốn các học viên trẻ thực hiện nghiêm túc nội quy lớp học, tiếp thu nghề dệt bằng trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình, tạo ra được những tấm thổ cẩm mang đầy đủ vẻ đẹp từ hoa văn đến tạo hình, họa tiết, để đưa thổ cẩm của người Mạ vượt ra khỏi buôn làng, để các dân tộc anh em cùng biết đến, bạn bè quốc tế cùng biết đến.
Sau lớp học, mong rằng các học viên không chỉ tiếp thu đầy đủ kỹ thuật của nghề dệt, mà còn biết sáng tạo nên những mẫu mã, hoa văn, kiểu dáng trang phục mang đậm phong cách văn hóa Mạ, để khi mặc lên chúng ta thấy tự hào.
Lớp truyền dạy nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó phục hồi, phát huy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mạ, thiết thực bảo tồn và phát huy vẻ đẹp trang phục truyền thống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin