(LĐ online) - Để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân, ngày 14/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chủ động, tập trung triển khai các phương án, giải pháp phòng ngừa sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa 2024.
Cảnh báo nguy cơ sạt lở tại đường đèo hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt |
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tập trung chủ động, tập trung triển khai các phương án, giải pháp phòng ngừa sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa 2024.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, sát với tình tình thực tế và thực sự hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh trong thời gian vừa qua. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với kết quả thực hiện công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý.
Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, rà soát mức độ an toàn chịu lực, ổn định hiện trạng của tất cả các công trình, dự án do mình làm chủ đầu tư hoặc thuộc lĩnh vực theo dõi, quản lý, lưu ý các công trình, dự án tại khu vực xung yếu, đồi dốc có nguy cao sạt lở đất, ngập lụt để thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện, tài sản và ổn định công trình.
Sạt lở đất tại xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông) vào vào rạng sáng 15/7 |
UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải; UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác kiểm tra, tuần kiểm các tuyến đường xung yếu, các cầu yếu, các đoạn đường đèo, khu vực taluy cao... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt trượt cao, nhất là các tuyến đường huyết mạch, quan trọng trên địa bàn tỉnh như: đèo Bảo Lộc, đèo Prenn, đèo Mimosa, Quốc lộ 27, 27C, 28, 28B; các tỉnh lộ và các trục đường huyện để kịp thời cảnh báo, thông tin đến người dân, du khách chủ động phòng tránh, lựa chọn hướng di chuyển phù hợp. Đồng thời, chủ động xử lý trước các vị trí có nguy cơ sạt trượt, cắt tỉa, xử lý cây xanh nguy cơ ngã đổ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia giao thông; Chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra, đảm bảo lưu thông an toàn, thông suốt.
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt và chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, sơ tán, di dời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Khi xảy ra sự cố, phải chủ động tổ chức lực lượng xử lý ngay, phát huy hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” “ba sẵn sàng”; đồng thời, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.
Lực lượng chức năng tập trung cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả vụ sạt lở ở huyện Đam Rông |
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức trực ban 24/24 trong mùa mưa bão; thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời cảnh báo, thông tin nhanh chóng đến tận thôn, buôn, người dân để chính quyền cấp cơ sở và nhân dân chủ động phòng, tránh và ứng phó với các hiện tượng mưa bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lốc xoáy... có thể xảy ra.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài khí tượng thủy văn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Lâm Đồng cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin đầy đủ, ngắn gọn đến người dân về tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai để cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả về thiên tai; đảm bảo mạng lưới thông tin, trang thiết bị để giữ thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí cán bộ tổ chức trực ban, theo dõi nắm chắc mọi tình hình, diễn biến thiên tai; khi có sự cố bất thường về mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra, phải báo cáo ngay với lãnh đạo UBND tỉnh để chỉ đạo, huy động các lực lượng hỗ trợ, ứng cứu kịp thời; báo cáo kết quả thực hiện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai theo yêu cầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin