Tảo hôn là việc kết hôn của những người vị thành niên chưa đến tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Pháp luật Việt Nam quy định tuổi kết hôn của nam giới là đủ 20 tuổi trở lên, của nữ giới là đủ 18 tuổi trở lên. Trong tảo hôn, có thể cả chồng và vợ hoặc một trong hai người chưa đến tuổi kết hôn. Tảo hôn là tệ nạn xã hội, vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình cần được ngăn chặn, xoá bỏ.
Cán bộ y tế, Đoàn, hội cơ sở xã Đạ PLoa (Đạ Huoai) đến thăm một gia đình có con gái lấy chồng sớm |
Chúng tôi đến thăm một gia đình ở Thôn 4, xã Đạ Ploa (huyện Đạ Huoai) có trường hợp kết hôn sớm và sinh con ở tuổi vị thành niên. Đại diện gia đình, ông K’ Hoạch cho biết, ông có 5 người con (3 trai, 2 gái). Đứa con nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi được vợ ông đưa đi nhập viện điều trị bệnh phổi tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai chưa về; còn cô con gái 15 tuổi bắt chồng năm ngoái, đến nay đã sinh con được 10 tháng. Đó là trường hợp của đôi vợ chồng trẻ Ka Huyển (sinh năm 2008) học đến lớp 9 thì nghỉ học, bắt chồng là K’Bhúp (sinh năm 2001) học đến lớp 10 cũng nghỉ học về ở cùng nhà ông K’Hoạch. Cháu bé lúc sinh ra bị suy dinh dưỡng (2,3 kg) do sinh sớm được bà mẹ trẻ ở nhà bồng bế chăm con và chồng cô đi làm thuê để có thu nhập chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Bên cánh võng, em Ka Huyển năm nay đã tròn 16 tuổi đang bế con, không có lời ru buồn, chỉ thấy bà mẹ trẻ đang nghịch điện thoại trong im lặng.
Việc kết hôn sớm, ảnh hưởng rất nặng nề đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, đây cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong nhiều thế hệ qua. Ở nhóm tuổi dưới 18, phụ nữ DTTS có xu hướng kết hôn sớm hơn và có tỷ lệ tảo hôn cao hơn gấp 3 lần so với nam DTTS (nữ DTTS 15,8%, nam DTTS 5,8%). Tỷ lệ tảo hôn ở nam giới các DTTS cao 6 lần so với nam giới dân tộc Kinh và gấp 3 lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Tại Lâm Đồng, theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2015 -2020), qua kết quả điều tra, khảo sát chưa đầy đủ toàn tỉnh có 1.064 trường hợp tảo hôn (chiếm tỷ lệ 3,68%).
Tác hại của tảo hôn đối với trẻ em gái khiến cơ hội đến trường giảm, nguy cơ bị ngược đãi và các biến chứng thai sản tăng. Đó là chưa kể những hậu quả xã hội rất lớn, nguy cơ cao về chu kỳ nghèo đói từ đời này sang đời khác. Bé gái tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ, thể chất (khung xương chậu, các cơ quan, bộ phận chức năng về sinh sản) chưa phát triển đầy đủ để đảm bảo được chức năng mang thai, sinh đẻ và làm mẹ; thiếu kiến thức, hiểu biết về sức khỏe sinh sản, kiến thức chăm sóc thai và nuôi dạy con cái...
Tác hại của tảo hôn đối với nam giới tâm sinh lý chưa phát triển đầy đủ, sức khỏe, thể chất, tinh thần còn non nớt nếu kết hôn và làm cha sớm sẽ sinh con còi cọc, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giống nòi. Bé trai không có điều kiện để học tập nâng cao trình độ, kiến thức về văn hóa, kinh nghiệm sống và phát triển kinh tế gia đình...
BS Đinh Thị Ngọc Bé - Trưởng Trạm Y tế xã Đạ Ploa (Đạ Huoai) cho biết: Từ năm 2022 đến nay, tại địa bàn xã mỗi năm có 1 đến 2 trường hợp tảo hôn xảy ra ở đồng bào DTTS rải rác ở Thôn 3, Thôn 4, Thôn 5; các trường hợp kết hôn sớm đều là nữ giới ở độ tuổi từ 15 -17 tuổi. Để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, thực hiện sự chỉ đạo của Phòng Dân số -Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai, Trạm Y tế xã đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên... cùng tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Truyền thông trực tiếp, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt với hội viên phụ nữ, sinh hoạt đoàn viên định kì vào hàng tháng, tổ chức các buổi thảo luận nhóm, hay các câu lạc bộ, họp dân... Truyền thông gián tiếp phát các bản tin, bài trên loa truyền thanh xã, cấp phát tờ rơi, áp phích về Luật Hôn nhân và gia đình, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Chị Trần Thị Vân - Phó Bí thư Huyện Đoàn Đạ Huoai cho biết: Hiện nay, toàn huyện có gần 7.000 đoàn viên, thanh thiếu niên; trong đó có hơn 30% là người DTTS. Trong những năm qua, cùng với hệ thống chính trị các cấp, tổ chức Đoàn Thanh niên đã tích cực vào cuộc với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. Hàng năm, Huyện Đoàn đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về chính sách dân số và phát triển; tổ chức Hội thi Tìm hiểu pháp luật, kiến thức về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sức khoẻ sinh sản vị thành niên… Đồng thời, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, thanh thiếu niên về các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... dưới nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, các tổ chức cơ sở đoàn tăng cường các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho học sinh nghèo đến trường, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học dẫn đến nguy cơ kết hôn sớm. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động phong trào tạo sân chơi lành mạnh, quan tâm hỗ trợ việc làm cho thanh niên DTTS ổn định đời sống, phát triển kinh tế, hạn chế việc kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Từ sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền địa phương và của cả hệ thống chính trị các cấp, trong đó có tổ chức Đoàn Thanh niên, đến nay, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin