(LĐ online) - Chiều 10/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ để sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới.
Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng |
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ và với đầu cầu các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo bộ, ngành là thành viên Ủy ban; lãnh đạo địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.
CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT, THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ĐỀ ÁN 06
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”.
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay đang được thực hiện là thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy động lực tăng trưởng cũ, khai phá động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi… đều có quan hệ mật thiết đến chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng và là một trong những “điểm sáng”, “mô hình hay” của chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Cùng với đó, người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao việc triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến |
Thủ tướng nhấn mạnh, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Còn có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ; có những việc chúng ta nhìn thấy “nguy cơ” khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động năm 2024 và kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Đồng thời, cần nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ; xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm; chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện trong phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn; đào tạo và phát triển nhân lực; mô hình, cách làm hay của một số bộ, ngành, địa phương...
Chuyển đổi số đã mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống của người dân Lâm Đồng, ngay cả những vùng sâu, vùng xa như huyện Đam Rông |
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá những tháng cuối năm và thời gian tới. Trong đó, tập trung giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung; đẩy mạnh xây dựng, kết nối, tích hợp, chia sẻ các nền tảng số và cơ sở dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính...
LÂM ĐỒNG - CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ĐỀ ÁN 06 ĐÃ ĐI VÀO ĐỜI SỐNG
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố tại 12/12 huyện, thành với tổng số 1.368 tổ với 9.287 thành viên. Tiếp tục triển khai tập huấn, đào tạo chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nội dung tập huấn bao gồm: Giới thiệu tổng quan về chuyển đổi số; một số kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; hướng dẫn tạo tại khoản dịch vụ công, tiếp cận, sử dụng và hướng dẫn người dân nộp và tra cứu hồ sơ nộp trực tuyến; hướng dẫn thực hiện ứng dụng định danh điện tử - VneID; đưa sản phẩm lên sàn thương ại điện tử; hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng...
Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) kết nối với Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng quốc gia mang lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động đảm bảo an toàn thông tin trong triển khai Chính quyền điện tử.
Triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ, ứng cứu các hệ thống thông tin của tỉnh theo mô hình 4 lớp, tăng cường khả năng thích ứng chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất an toàn thông tin trên môi trường mạng, sẵn sàng các giải pháp phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh. Phối hợp cùng với Trung tâm Giám sát không gian mạng Quốc gia theo dõi, xử lý 7/7 sự cố cảnh báo trên địa bàn tỉnh. Đã kiện toàn Đội ứng cứu sự cố mạng, máy tính tỉnh Lâm Đồng.
100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, huyện có cổng/trang thông tin điện tử tuân thủ theo quy định, 100% trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành hoạt động trên nền tảng IPv6, chứng nhận tín nhiệm mạng do Cục An toàn thông tin cung cấp.
Hệ thống thư điện tử thoạt động ổn định đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh với 6750 hộp thư điện tử đã được khai báo và đưa vào sử dụng. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã được cấp chữ ký số, tổng số chứng thư số.
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ cấp độ cho 8 hệ thống thông tin dùng chung, đạt tỷ lệ 100% hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được phê duyệt cấp độ. Sở Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt hồ sơ cấp độ theo thẩm quyền cho 23 hệ thống thông tin. Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất sử dụng chung và 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo công tác quản lý và
Trên địa bàn tỉnh có 1.044 chứng thư số tổ chức và 4.649 chứng thư số cá nhân, 1 chứng thư số cho thiết bị dịch vụ, đến nay đã triển khai 5.694 phần mềm (hệ thống liên thông văn bản) điều hành qua môi trường mạng; duy trì hệ thống mạng CAMPUS Trung tâm Hành chính tỉnh tập trung hoạt động ổn định.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng (https://dichvucong.lamdong.gov.vn) đã được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp. Hoàn thành việc kết nối, liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu theo quy định. Đã rà soát, đối chiếu với yêu cầu, điều kiện của tỉnh và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để cung cấp 448 dịch vụ công đủ điều kiện đưa lên dịch vụ công toàn trình (đạt tỷ lệ 100%) và 727 dịch vụ công trực tuyến một phần.
Trong kỳ báo cáo, toàn tỉnh đã tiếp nhận 313.772 hồ sơ trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, số hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình 88.183/313.772 hồ sơ. 100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, 100% thủ tục hành chính được triển khai thanh toán trực tuyến đều phát sinh giao dịch; trong kỳ, tổng số giao dịch thanh toán trực tuyến thành công trên cổng quốc gia là 191.643 giao dịch.
Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) phục vụ chỉ đạo điều hành tập trung trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 14 trung tâm giám sát, điều hành thông minh gồm: Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Lâm Đồng, 3 Trung tâm Giám sát điều hành thông minh các sở (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng) và 10 Trung tâm Giám sát điều hành thông minh cấp huyện
Tuy nhiên, việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong kết nối, chia sẻ dữ liệu; thiếu cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, đặc biệt là lực lượng chuyên gia tại cơ sở; nguồn kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, địa phương chưa có cơ sở pháp lý để xin nguồn kinh phí ổn định hàng năm cấp cho chuyển đổi số; thiếu các công cụ, cơ sở đo lường, đánh giá mức độ triển khai chuyển đổi số.
Theo Ban Chỉ đạo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), tính đến tháng 7/2024, Đề án 06 được triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, toàn tỉnh đã triển khai 1.179 dịch vụ công trực tuyến. Đến 15/6 đã tiếp nhận và giải quyết 257.417/279.813 hồ sơ, đạt tỉ lệ trên 91%.
Trong 6 tháng đầu năm, tổ chức triển khai 33 mô hình điểm ứng dụng những tiện ích được phát triển từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD và định danh điện tử triển khai tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành triển khai 12 mô hình, 18 mô hình đang triển khai, 3 mô hình đang chờ giải pháp kỹ thuật và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai trong năm 2024.
Triển khai Đề án 06 tại xã Đạ Long, Đam Rông |
Quá trình triển khai thực hiện các mô hình đã mang lại lợi ích thiết thực cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, như: Hỗ trợ, giúp người dân hiểu, nắm và thực hiện một cách dễ dàng, thuận tiện trong quá trình tham gia các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, ứng dụng công nghệ tự động hóa được hỗ trợ tại Kiosk không cần cán bộ trực tiếp tiếp nhận và trả kết quả dịch vụ công liên thông, phát huy giá trị của công tác số hóa dữ liệu, lưu trữ điện tử, tái sử dụng dữ liệu số hóa.
Hỗ trợ người dân khi đến cơ sở khám chữa bệnh chỉ cần mang theo CCCD hoặc điện thoại thông minh đã có ứng dụng VNeID; hỗ trợ giúp người dân tố giác tội phạm kịp thời, tiện lợi, bảo đảm bảo mật thông tin cá nhân theo quy định.
Phục vụ đắc lực cho hoạt động của các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nói chung và nhiệm vụ của Đề án 06 nói riêng; phục vụ cho việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh, tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung trong tỉnh và kết nối tới các nền tảng tích hợp quốc gia; cảnh báo sớm các điểm yếu, nguy cơ an ninh có thể xảy ra; hỗ trợ ứng cứu và xử lý các sự cố an ninh mạng, tự động tối đa các quy trình nghiệp vụ, tối ưu nhân lực vận hành hệ thống; góp phần phòng ngừa, phát hiện dấu hiệu tội phạm, phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; phục vụ công tác quản lý, phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin