Để thu hút, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 (Bài 1)

VIẾT TRỌNG 06:30, 24/07/2024

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có Quyết định 1149, ngày 9/7/2024 ban hành Đề án thu hút, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lâm Đồng từ nay đến năm 2030 với tổng kinh phí trên 265 tỷ đồng.

Bài 1: Khi tỷ lệ tuyển dụng đạt thấp so với yêu cầu

Trong 2 kỳ thi tuyển công chức của UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức trong 2 năm năm gần đây, số lượng người trúng tuyển của mỗi kỳ thi chỉ tuyển chưa được 50% so với tổng chỉ tiêu cần tuyển. Một số chỉ tiêu tuyển sinh không có thí sinh đăng ký hoặc có thí sinh dự thi nhưng chẳng trúng tuyển.

Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến tại Bộ phận Một cửa UBND TP Đà Lạt
Tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến tại Bộ phận Một cửa UBND TP Đà Lạt

TUYỂN DỤNG ĐẠT TỶ LỆ THẤP

Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, con số chính xác cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đang làm việc trong tỉnh đến thời điểm hiện nay là 29.131 người.

Với cấp tỉnh, có tổng cộng 1.130 cán bộ, công chức (CBCC). Về trình độ có 13 người là tiến sĩ, chiếm tỷ lệ 1,15%; 386 người có trình độ thạc sĩ, chiếm tỉ lệ 34,16%; 666 người có trình độ đại học, chiếm tỉ lệ 58,94%. Trong những trường hợp còn lại, có 65 người có trình độ cao đẳng, trung cấp và trình độ khác, chiếm tỉ lệ 5,75%.

Với cấp huyện, có tổng cộng 1.103 CBCC. Về trình độ, 252 người có trình độ thạc sĩ, chiếm tỉ lệ 22,85%; 834 người có trình độ đại học, chiếm tỉ lệ 75,61%; còn lại 17 người có trình độ cao đẳng, trung cấp và trình độ khác, chiếm tỉ lệ 1,54%.

Với cấp xã phường, có tổng cộng 2.818 CBCC (trong đó có 1.498 cán  bộ và 1.320 công chức); về trình độ có 117 CBCC có trình độ thạc sĩ, chiếm tỉ lệ 4,15%; 2.328 CBCC có trình độ đại học, chiếm tỉ lệ 82,61%; có 361 người trình độ cao đẳng, trung cấp và trình độ khác chiếm tỉ lệ 12,81%; còn lại 22 người có trình độ tiểu học và trung học cơ sở, chiếm tỉ lệ 0,78%.

Với khối viên chức, toàn tỉnh có tổng cộng 24.080 viên chức (trong đó có 20.346 viên chức giáo dục, khoa học công nghệ, khoa học xã hội, văn hóa thể thao và 3.734 viên chức y tế). Về trình độ có 62 viên chức trình độ tiến sĩ, chiếm tỷ lệ 0,26%; có 1.476 viên chức trình độ thạc sĩ, chiếm tỉ lệ 6,13%; có 18.149 viên chức trình độ đại học chiếm 75,37%; còn lại là 4.342 viên chức trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, chiếm tỉ lệ 18,03%;  51 viên chức còn lại có trình độ khác, chiếm tỉ lệ 0,22%.

Riêng 3.734 viên chức ngành Y tế, về trình độ có 46 người trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, chiếm tỷ lệ 1,23%; có 412 người trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ nội trú, chiếm tỉ lệ 11,03%; có 1.615 viên chức trình độ đại học, bác sĩ, chiếm 43,25%; còn lại là 1.651 người trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, chiếm tỉ lệ 44,22%; có 10 viên chức trình độ khác, chiếm tỉ lệ 0,27%.

Trong giai đoạn 2020-2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ CBCCVC, trong đó bậc tiến sỹ và tương đương có 74 trường hợp được đào tạo; thạc sĩ và tương đương 448 trường hợp; bậc đại học có 3.082 trường hợp.

Cùng đó, trong đào tạo lý luận chính trị, trình độ cao cấp có 160 học viên được đào tạo; trình độ trung cấp có 2.734 học viên; trình độ sơ cấp có 67 học viên. Tỉnh cũng tổ chức bồi dưỡng cho 105.529 lượt CBCCVC về công tác nghiệp vụ như xây dựng Đảng, đoàn thể chính trị, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học... cũng như bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.

Để bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức nhằm góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương; từ năm 2020 đến nay, trên cơ sở biên chế được giao và nhu cầu tuyển dụng của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 2 kỳ thi tuyển công chức trong năm 2022 và năm 2023.

Tuy nhiên, tỷ lệ tuyển sinh của tỉnh trong 2 kỳ thi tuyển công chức này đạt rất thấp, chưa được 50% so với tổng chỉ tiêu muốn tuyển. Cụ thể, kỳ thi năm 2022 chỉ tuyển dụng được 99/234 chỉ tiêu, còn kỳ thi năm 2023 cũng chỉ tuyển dụng được 56/114 chỉ tiêu.

Như ngành chức năng tỉnh cho biết, có một số chỉ tiêu qua 2 kỳ thi trên không có thí sinh đăng ký hoặc có thí sinh dự thi nhưng không trúng tuyển trong các lĩnh vực (hay ngành, chuyên ngành) như Thông tin truyền thông (gồm các ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử), Xây dựng (gồm các ngành Kiến trúc, Kỹ thuật xây dựng, Quản lý xây dựng, Quy hoạch vùng và đô thị, Quản lý đô thị và công trình, Kỹ thuật xây dựng và công trình giao thông); y tế (gồm Bác sĩ, Dược sĩ, Công nghệ sinh học, Y tế công cộng), Công thương (gồm các ngành Kinh tế Công nghiệp, Thương mại), Kiểm lâm (gồm các ngành Quản lý tài nguyên rừng, Lâm sinh, Lâm nghiệp, Lâm học, Quản lý tài nguyên và môi trường), Tài nguyên môi trường (trong các ngành Quản lý đất đai, Khoa học - Môi trường, Kỹ thuật trắc địa - bản đồ).

Cùng với việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức thi tuyển công khai, ngành chức năng tỉnh cũng tổ chức 1 kỳ xét tuyển công chức trong năm 2022 và tổ chức tiếp nhận vào công chức thông qua Hội đồng kiểm tra, sát hạch; kết quả đã xét tuyển được 11 công chức là người học theo chế độ cử tuyển, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc; tiếp nhận vào công chức đối với 175 trường hợp là viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ, công chức cấp xã (đối tượng đã có quá trình công tác phù hợp với vị trí tiếp nhận).

Tỷ lệ tuyển sinh của tỉnh trong 2 kỳ thi tuyển công chức gần đây đạt thấp,
chưa được 50% so với tổng chỉ tiêu muốn tuyển
Tỷ lệ tuyển sinh của tỉnh trong 2 kỳ thi tuyển công chức gần đây đạt thấp, chưa được 50% so với tổng chỉ tiêu muốn tuyển

• CHƯA THU HÚT ĐƯỢC NGUỒN NHÂN LỰC

Có thể thấy, khó khăn lớn nhất trong tuyển dụng công chức, viên chức những năm gần đây như Sở Nội vụ Lâm Đồng cho biết, chính là tỷ lệ tuyển dụng đạt thấp so với chỉ tiêu tuyển dụng. 

Không chỉ tuyển dụng không đủ chỉ tiêu mà số lượng người được tuyển dụng cũng đang có chiều hướng giảm dần, nhất là đối với một số ngành, chuyên ngành đào tạo như  bác sĩ, công nghệ thông tin, quy hoạch đô thị, xây dựng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học...

Và mặc dù, chất lượng đội ngũ CBCCVC như tỉnh đánh giá, đã được nâng cao, từng bước được chuẩn hoá, song kết quả đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật ở các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học... còn hạn chế, thiếu cán bộ có chuyên môn sâu, chất lượng cao.

Đặc biệt, trong ngành Y tế, dù trình độ chuyên môn đã được nâng cao gần đây nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh từng tuyến chưa đồng đều, tuyến tỉnh thiếu cán bộ có trình độ tay nghề cao, chuyên sâu, các chuyên khoa như phong lao, tâm thần, pháp y; tuyến huyện thiếu cán bộ một số chuyên khoa như sản, nhi, da liễu... Một số lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao còn hạn chế, khả năng làm chủ công nghệ hiện đại và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chẩn đoán và điều trị chưa cao.

Trong ngành giáo dục - đào tạo, theo đánh giá của tỉnh, việc đạt từ chuẩn trở lên của cán bộ, quản lý giáo dục, giáo viên các cấp vẫn còn chưa cao; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên còn hạn chế; khả năng tiếp thu vận dụng các phương pháp, kỹ thuật mới để đáp ứng yêu cầu công tác còn gặp không ít khó khăn; thiếu những giáo viên trình độ cao, chuyên sâu ở những bộ môn: ngoại ngữ, công nghệ thông tin... Không ít bộ môn thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa bàn, nhất là địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

Như ngành chức năng tỉnh đánh giá, việc nghiên cứu, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách về đào tạo, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế, chưa quyết liệt; một số cơ chế, chính sách của Trung ương chậm được triển khai do các bộ, ngành liên quan chưa kịp thời hướng dẫn nên địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện.

Cùng đó, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với CBCCVC được cử đi đào tạo sau đại học; chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao vẫn chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nên chưa khuyến khích CBCCVC tham gia học tập; môi trường công tác, điều kiện, phương tiện làm việc và chế độ đãi ngộ chưa thoả đáng nên chưa thật sự thu hút được nhân tài, người có trình độ cao đến công tác tại Lâm Đồng.    

(CÒN NỮA)