Diễn đàn Đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên hợp tác vì sự phát triển vùng

QUỲNH UYỂN 11:35, 12/07/2024

(LĐ online) - Chiều 11/7, tại Đà Lạt, Diễn đàn đổi mới sáng tạo khu vực Tây Nguyên đã tổ chức họp Ban quản lý với sự tham dự của ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đại diện lãnh đạo các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum; ông Daniel Ross - Quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam; ông Kim Wimbush - Tham tán CSIRO, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation.

Tham dự còn có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tây Nguyên; lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 5 tỉnh Tây Nguyên.

TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã khái quát tiềm năng thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên và nhấn mạnh bối cảnh biến đổi khí hậu tác động lên phát triển nông nghiệp toàn vùng, đặc biệt là cây cà phê, hồ tiêu những loại cây cần nhiều nước tưới.

Ông Daniel Ross - Quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam phát biểu: “Thông qua đổi mới sáng tạo chúng tôi đang hỗ trợ nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững. Từ năm 2014 Trung tâm nông nghiệp Úc hỗ trợ phát triển nông nghiệp Tây Nguyên. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò lấy thịt, khoai mì, hồ tiêu, cà phê. Trung tâm cũng là nơi để nông dân và các nhà tài trợ gặp gỡ để cùng xác định và giải quyết một số vấn đề lớn của ngành cà phê và trái cây. Một số thách thức có thể kể là: biến đổi khí hậu; các tiêu chuẩn và hoạt động cấp chứng nhận; mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong đó biến đổi khí hậu là ưu tiên quan trọng của cả Chính phủ Việt Nam và Úc trong bối cảnh các sự kiện khí hậu đang ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Trong đó, Tây Nguyên – Lâm Đồng đã phải đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng thứ 3 trong vòng 10 năm trở lại đây, và nước Úc của chúng tôi cũng thường xuyên đối mặt với hạn hán.

Ông Daniel Ross - Quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam phát biểu

 Bộ Nông nghiệp Úc hiện đang triển khai một dự án lớn nhằm tìm hiểu cách đổi mới sáng tạo có thể xây dựng khả năng chống chịu, khả năng phục hồi cho các cộng đồng đối mặt với hiện tượng khí hậu cực đoan. Do đó, quan hệ đối tác đổi mới sáng tạo này sẽ mở ra một cơ hội độc đáo để chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giữa hai nước chúng ta trong bối cảnh cả hai nước đều đang phải đối phó với biến đổi khí hậu. Tôi xin đảm bảo rằng mối quan hệ đồng minh, sự hợp tác và tầm nhìn chung của hai nước sẽ tiếp tục định hình một tương lai thịnh vượng, bền vững tựa như chính vùng đất đỏ bazan màu mỡ và phì nhiêu của Tây Nguyên”.

Tại cuộc họp, các thành viên của diễn đàn đã trao đổi nhiều vấn đề xung quanh tình hình sản xuất, chế biến cà phê, xuất khẩu cà phê của 5 tỉnh Tây Nguyên; các ưu tiên chiến lược ngắn hạn và dài hạn của các tỉnh trong sản xuất phát triển ngành hàng cà phê. Theo đó, cả Tây Nguyên hiện có hơn 650.000ha cà phê (90% diện tích cà phê cả nước): Đắk Lắk 230.000ha, Lâm Đồng 175.000 ha, Đắk Nông 142.000 ha, Gia Lai 110.000 ha, Kon Tum 26.000 ha.

Với diện tích cà phê chiếm gần 50% đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch tái canh, cải tạo cây cà phê đến năm 2030 nhằm tái canh cải tạo diện tích cà phê năng suất kém, già cỗi, thay thế bằng bộ giống mới cho năng suất chất lượng; xây dựng chuỗi liên kết, thu hút nhà đầu tư vào Lâm Đồng phát triển công nghiệp chế biến sâu; phát triển các sản phẩm OCOP 3 – 5 sao; sản xuất giống chất lượng; ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước; thí điểm vùng sản xuất cà phê bền vững, trồng cây che mát, chắn gió, vừa tạo mảng xanh, vừa tạo cảnh quan. Qua đó giúp người nông dân nâng cao năng lực sản xuất, giảm giá thành, tăng thu nhập.

Tỉnh Gia Lai hiện có 46.000ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện tái canh cà phê 1.500 – 2.000 ha/năm; ổn định diện tích canh tác 100.000 – 110.000 ha; hướng đến ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tiên tiến trên 100% diện tích trồng cà phê; đẩy mạnh tỷ lệ chế biến sâu lên 30% để nâng cao giá trị (hiện tại tỷ lệ chế biết đạt 6%). Phát triển vật tư nông nghiệp, phát triển giống cà phê chất lượng cao, nhà máy phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đi theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh để giảm chi phí đầu vào; thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp trong sản xuất cà phê từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, giảm chi phí sản xuất.

Gia Lai cũng thực hiện rà soát lại cơ cấu cây trồng trên diện tích đất không phù hợp, năng suất kém, chuyển đổi sang cây trồng phù hợp, cho năng suất, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Xây dựng các chuỗi liên kết, sản xuất cà phê đi theo hướng tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu, thực hiện quảng bá thương hiệu cà phê Gia Lai đến với các thị trường thế giới, chấp hành các quy định quy chuẩn của châu Âu để xuất khẩu cà phê đi các thị trường khó tính. Xây dựng các nhà máy chế biến sâu cà phê để nâng cao giá trị. Thực hiện liên kết sản xuất, sản xuất theo quy chuẩn, sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo nước tưới cho cà phê.

Tỉnh Kon Tum hiện có 40 cơ sở chế biến cà phê, 17 sản phẩm OCOP, 1 sản phẩm đạt 5 sao; thay đổi cách thức thu hoạch, chế biến, phơi cà phê trong nhà lưới nhà kính tránh ẩm mốc ảnh hưởng đến chất lượng. Việc cải tạo giống được quan tâm, phục vụ tái canh diện tích cà phê già cỗi; khôi phục phát triển lại giống cà phê Arabica. Cùng với diện tích cà phê ít nhất Tây Nguyên (26.000 ha), Kon Tum ưu tiên phát triển cây ăn quả với đề án phát triển cây ăn quả bền vững đến năm 2030, chuyển đổi diện tích khoai mì qua trồng cây ăn quả; phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Tỉnh Đắk Nông xác định cà phê là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu mũi nhọn; cây cà phê chiếm 59% diện tích cây công nghiệp; tỉnh đã quy hoạch vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao với hơn 300ha tại huyện Đắk Mil. Trong sản xuất cà phê việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón hóa học ngày càng phổ biến. Việc tái canh cây cà phê ngày càng rộng rãi, cà phê robusta chiếm 99%; các giống TR4 được áp dụng rộng rãi. Tỉnh đã tái canh hơn 50.000ha, người dân tự tái canh hơn 30.000ha; diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn hơn 60.000ha; tổng sản lượng xuất khẩu 125.000 tấn/năm sang 23 thị trường thế giới, thu 215 triệu USD.

Từ tình hình phát triển ngành hàng cà phê của các tỉnh và các chiến lược ưu tiên của mỗi tỉnh, Ban quản lý diễn đàn đổi mới sáng tạo Tây Nguyên đã hình dung một bức tranh tổng thể và đưa ra chương trình hành động để phát triển ngành hàng cà phê của toàn khu vực Tây Nguyên. Qua đó ban hành kế hoạch hành động, đưa ra những hoạt động phù hợp trong thời gian tới, để các tỉnh cùng nhau xúc tiến thực hiện vì sự phát triển của khu vực Tây Nguyên.