Đưa Đề án 06 đến gần dân, xây vững chắc nền móng chuyển đổi số (Bài 1)

DIỄM THƯƠNG 06:50, 23/07/2024

LTS: Việt Nam đã và đang chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát phát triển ứng dụng về dân cư, định danh cá nhân và thực hiện điện tử đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số”. Và không nằm ngoài “dòng chảy" đó, Lâm Đồng cũng đã quyết tâm triển khai, đạt nhiều kết quả nổi bật khi Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06) đang chuyển động tính cực.

Bài 1: Tiện ích 4.0

Giải quyết thủ tục hành chính qua mạng một cách nhanh chóng, giao tiếp thông minh, phát triển thương mại điện tử… là những tiện tích mà công nghệ số mang đến, làm đổi thay cuộc sống cho người dân từ thành thị đến nông thôn tại Lâm Đồng, kéo gần khoảng cách nông thôn - thành thị. Qua đó, người dân được hưởng lợi như tiết kiệm chi phí, thời gian trong quá trình thực hiện các nhu cầu, yêu cầu dịch vụ, đồng thời góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới để từng bước xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

Những người dân di cư tự do tại Đam Rông đã được cấp thẻ căn cước
Những người dân di cư tự do tại Đam Rông đã được cấp thẻ căn cước

NIỀM VUI CÔNG DÂN

Có mặt tại huyện Đam Rông, huyện vùng xa còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Lâm Đồng mới thấy được hết cách mà ứng dụng công nghệ số đã đi vào đời sống người dân, mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong phát triển kinh tế, xã hội và trợ giúp đắc lực cho cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở trong công tác quản lý nhà nước. Đó là vào sáng ngày 1/7, ngay khi Luật Căn cước mới chính thức được áp dụng, đông đảo bà con dân tộc Mông - những người di cư tự do vào Đam Rông sinh sống, chưa đủ điều kiện được cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân thì nay, khi Luật mới ban hành đã chính thức được cấp thẻ căn cước, thực hiện đầy đủ quyền công dân. 

Thống kê 10 năm trở lại đây, huyện Đam Rông đã có trên 1.300 hộ dân với trên 7.000 nhân khẩu từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, trong đó đa phần là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang. Dân di cư tự do sống thành từng nhóm rải rác trong rừng sâu, tập trung nhiều nhất tại các Tiểu khu 178, 179, 180 xã Liêng S’rônh, xã Rô Men, Phi Liêng và Đạ k’ nàng... Người di cư tự do từ vùng núi phía Bắc về đa phần không đăng ký với địa phương và không sống ổn định ở một nơi mà luôn di chuyển nên rất khó kiểm soát, những trường hợp này cũng không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, vì thế việc quản lý, cấp thẻ căn cước rất nan giải.

Là một trong những người di cư tự do trước đây, gia đình Sùng A Sáng (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông) không có giấy tờ tùy thân nên tất cả thủ tục làm giấy tờ liên quan đến tài sản của gia đình đều phải nhờ người quen đứng tên. Giờ đây, gia đình anh gồm 5 thành viên đã được cấp thẻ căn cước. A Sáng xúc động chia sẻ: "Tôi được cấp giấy tờ là công dân Việt Nam rồi, mừng quá. Hồi trước vất vả lắm, đi đâu cũng không làm được, không được chấp nhận vì không có giấy tờ...". 

Thượng úy Phạm Như Quỳnh - Phó Trưởng Công an xã Phi Liêng cho biết: Với người di cư tự do được chính quyền cấp thẻ căn cước là niềm vui to lớn. Và đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Công an tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực tháo gỡ để công tác phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia đạt kết quả như mong đợi.

Cùng với việc triển khai, ứng dụng vào thực tiễn của Đề án 06, phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và với việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 đã mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc, đúng với tinh thần vì Nhân dân phục vụ.

"Đề án 06 là việc lớn của đất nước, là việc phục vụ Nhân dân, nên cần thống nhất tư tưởng, nhận thức, hành động, thực sự làm vì nước, vì dân, tránh hình thức, "đao to búa lớn" nhưng không mang lại hiệu quả. Chúng ta cùng nâng cao nhận thức, biến thành hành động, lan tỏa trong Nhân dân”

Thủ tướng Phạm Minh Chính

• NÔNG THÔN 4.0 

Hiện nay, hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh trên địa bàn Đam Rông đều đã thành lập trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện. Cùng với sự hỗ trợ của xã, các thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, trên các trục đường chính... Ngoài ra, các địa phương cũng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân nhằm thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nên tảng điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP.

Chị Ka Lip (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông) cho hay: Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh việc chuyển đổi số gắn với xây dựng điểm mô hình thôn thông minh, lắp đặt mạng wifi miễn phí tại các nhà văn hóa thôn, phục vụ người dân tra cứu các thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giải trí. Toàn huyện đã tuyên truyền, vận động Nhân dân lắp đặt hơn 2.000 camera an ninh và trên 1.000 đèn năng lượng mặt trời tại các trục đường giao thông, xóm, ngõ. Lập bảng mã QR hướng dẫn 5 thủ tục hành chính niêm yết tại các nhà văn hóa, điểm công cộng và đầu các ngõ, xóm… để người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính tại nhà.

Còn tại xã Đạ Long, Trung tá Tạ Hữu Bình - Trưởng Công an xã cho biết: Khi triển khai Đề án 06, người dân đã có thể thực hiện trực tuyến, có thể liên kết nhiều dịch vụ cho một lần thực hiện mà không phải mất nhiều thời gian đến nhiều địa điểm để thực hiện. Tính liên kết, chia sẻ thông tin dữ liệu giúp người dân hoàn toàn chủ động trong việc thực hiện các nhu cầu của bản thân. Các kết quả của Đề án 06 đã tác động nhiều và tích cực mọi mặt đời sống xã hội của xã, huyện...

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đam Rông, 100% lãnh đạo UBND cấp huyện đến cấp xã ... sử dụng thành thạo chữ ký số và các phần mềm công nghệ thông tin dùng chung liên thông 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp xã được ký số thay thế văn bản giấy (trừ văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước và văn bản khó số hóa). 100% hạ tầng mạng nội bộ từ UBND cấp xã trở lên được chuẩn hóa, đảm bảo an toàn thông tin tối thiểu, đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng...

Chuyển biến tích cực đó được thể hiện rõ qua kết quả thực hiện 3 trụ cột chuyển đổi số. Cụ thể, về phát triển chính quyền số, tính đến thời điểm hiện nay, trên hệ thống Dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến của địa phương này đã đạt 95%; thanh toán trực tuyến đạt 73%. Đam Rông cũng đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành iOffice được triển khai đến 100% cơ quan, đơn vị khối UBND huyện và UBND các xã và kết nối liên thông với hệ thống IDOC của khối Đảng, đoàn thể. Trang thông tin điện tử huyện đã hoạt động liên tục, hiệu quả. Xây dựng và đưa vào hoạt động 8 trang thông tin điện tử của 8 xã. Duy trì và triển khai hiệu quả Bộ phận Một cửa cấp huyện, xã…

Câu chuyện thực hiện Đề án 06 tại huyện vùng xa Đam Rông đã cho thấy bức tranh toàn diện trong thực hiện Đề án 06, tiến trình chuyển đổi số tại Lâm Đồng đã thực sự đi vào thực chất, lan tỏa… mà ở đó “dân biết, dân làm, dân hưởng thụ”. 

(CÒN NỮA)