Đưa Đề án 06 đến gần dân, xây vững chắc nền móng chuyển đổi số (Bài cuối)

DIỄM THƯƠNG 05:52, 26/07/2024

Bài cuối: Khơi “điểm nghẽn”, tạo giá trị

Để giải quyết "điểm nghẽn" về hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng đầu tư các hệ thống thông tin cần thiết và chuyên ngành phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Đề án 06.

Quét mống mắt trong cấp thẻ căn cước
Quét mống mắt trong cấp thẻ căn cước

“CHỈ BÀN LÀM, KHÔNG BÀN LÙI”

Ngay khi triển khai Đề án 06 đã nhận diện những khó khăn, nhất là hạn chế liên quan đến pháp lý, hạ tầng số, công nghệ thông tin, vì vậy Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo để các cấp, ngành bám sát thực hiện. Từ kết quả đạt được cũng như việc nhận diện tốt “điểm nghẽn”, thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục chủ động, đổi mới tư duy, sáng tạo, quá trình thực hiện phải đánh giá số liệu cụ thể; phân tích bất cập để hóa giải khó khăn; trên cơ sở đó chuyển đổi trạng thái nhanh, thực hiện bền vững về thể chế, chính sách, hạ tầng số... 

Tại Lâm Đồng, quá trình thực hiện còn một số “điểm nghẽn” được nhận diện làm chậm lộ trình triển khai Đề án 06 trong việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 liên quan đến 5 nhóm vấn đề về pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu và nguồn lực. Trong đó, còn tình trạng “manh mún”, “cát cứ thông tin”, “chia cắt” và “co cụm dữ liệu”; “tắc nghẽn” trong quá trình tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân, doanh nghiệp; chưa có cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện DVCTT…

Nhận ra 5 “điểm nghẽn” làm chậm lộ trình triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để khơi thông “điểm nghẽn”.

Từ thực tiễn trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản, yêu cầu quyết liệt hành động theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”.

Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án 06 theo đúng phương châm: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả” và “Vướng mắc ở đâu giải quyết dứt điểm ở đó”. Với tinh thần khẩn trương khắc phục “điểm nghẽn”, các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp về Đề án 06, DVCTT, các tiện ích trên ứng dụng VNeID (định danh điện tử), chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chế độ an sinh xã hội... nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả. Từng bước chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có.

Quyết liệt giải quyết “điểm nghẽn” về hạ tầng công nghệ thông tin, tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng đầu tư các hệ thống thông tin cần thiết và chuyên ngành phục vụ công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Đề án 06; triển khai nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật Trung tâm dữ liệu của tỉnh theo hướng điện toán đám mây; tích hợp SSO (đăng nhập một lần duy nhất) đăng nhập bằng VNeID trên Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và đề nghị kết nối IOC (Trung tâm điều hành thông minh) với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Để tiếp tục thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực chất, hiệu quả và bền vững, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, đầu tư giúp Lâm Đồng hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông, đồng thời có chủ trương đầu tư, trang bị cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn các thiết bị smartphone để tiếp cận, làm quen với công nghệ thông tin, internet, tạo thuận lợi trong thực hiện các DVCTT và nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển các hệ thống, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin với giao diện trực quan, tối giản để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách dễ dàng nhất.

• TẠO GIÁ TRỊ SỐ

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố 12/12 huyện đã kiện toàn với tổng số 1.368 Tổ Công nghệ số cộng đồng với 9.287 thành viên. Tiếp tục triển khai tập huấn, đào tạo chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, Tổ Công nghệ số cộng đồng, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, huyện có Cổng/Trang thông tin điện tử tuân thủ theo quy định, 100% trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành hoạt động trên nền tảng IPv6, chứng nhận tín nhiệm mạng do Cục An toàn thông tin cung cấp. Hệ thống thư điện tử tỉnh hoạt động ổn định đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh với 6.750 hộp thư điện tử đã được khai báo và đưa vào sử dụng. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã được cấp chữ ký số, chứng thư số.

Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) kết nối với Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng quốc gia mang lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động đảm bảo an toàn thông tin trong triển khai Chính quyền điện tử. Triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ, ứng cứu các hệ thống thông tin của tỉnh theo mô hình 4 lớp, tăng cường khả năng thích ứng chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ, đe dọa mất an toàn thông tin trên môi trường mạng, sẵn sàng các giải pháp phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh. Phối hợp cùng với Trung tâm giám sát Không gian mạng Quốc gia theo dõi, xử lý 7/7 sự cố cảnh báo trên địa bàn tỉnh. Đã kiện toàn Đội ứng cứu sự cố mạng, máy tính tỉnh Lâm Đồng. 

Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ cấp độ cho 8 hệ thống thông tin dùng chung, đạt tỷ lệ 100% hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được phê duyệt cấp độ. Sở Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt hồ sơ cấp độ theo thẩm quyền cho 23 hệ thống thông tin. Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất sử dụng chung và 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo công tác quản lý. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng (https://dichvucong.lamdong.gov.vn) đã được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp. Hoàn thành việc kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu theo quy định. Đã rà soát, đối chiếu với yêu cầu, điều kiện của tỉnh và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để cung cấp 448 dịch vụ công đủ điều kiện đưa lên dịch vụ công toàn trình (đạt tỷ lệ 100%) và 727 dịch vụ công trực tuyến một phần. 

Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) phục vụ chỉ đạo điều hành tập trung trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 14 trung tâm giám sát, điều hành thông minh gồm: Trung tâm giám sát điều hành thông minh tỉnh Lâm Đồng, 3 Trung tâm giám sát điều hành thông minh các sở (Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng) và 10 Trung tâm giám sát điều hành thông minh cấp huyện.

Tuy nhiên, Lâm Đồng vẫn gặp khó khăn trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia trong kết nối, chia sẻ dữ liệu; Thiếu cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, đặc biệt là lực lượng chuyên gia tại cơ sở; Nguồn kinh phí chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, địa phương chưa có cơ sở pháp lý để xin nguồn kinh phí ổn định hàng năm cấp cho chuyển đổi số; thiếu các công cụ, cơ sở đo lường, đánh giá mức độ triển khai chuyển đổi số.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với quyết tâm, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, đồng thời thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm thúc đẩy thương mại điện tử nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mang lại nhiều thành công, thắng lợi mới ở cấp độ quốc gia và những lợi ích cụ thể, thiết thực cho địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Khi khơi thông “điểm nghẽn” trong thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần. Người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử, thanh toán điện tử gắn với các hệ sinh thái các cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. 

Với tinh thần chính của Đề án 06 là tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm.