(LĐ online) - Đến ngày 18/7, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 3.743 trường hợp mắc sốt xuất huyết tăng 2.065 ca so với cùng kỳ năm 2023.
Cán bộ y tế giám sát mật độ côn trùng lăng quăng tại nhà dân |
Số ca mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tập trung chủ yếu tại 6 huyện, thành phố chiếm 92,8% số ca bệnh của toàn tỉnh: Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm.
Trong đó, thành phố Bảo Lộc có số ca mắc SXHD cao nhất tỉnh chiếm 38,5% số ca mắc toàn tỉnh; năm 2024 ghi nhận 1.442 ca mắc, tăng 1.338 ca so cùng kỳ 2023. Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với UBND thành phố Bảo Lộc tổ chức cuộc họp để triển khai các biện pháp nhằm khống chế dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua tại Bảo Lộc vẫn chưa giảm do thành phố còn các lô đất trống xen lẫn vào các khu vực dân cư, xung quanh các khu công nghiệp, công trường đang thi công… nên chiến dịch vệ sinh môi trường chưa thực sự hiệu quả.
Ngành Y tế đang phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị và tranh thủ sự hưởng ứng, hỗ trợ của các tổ chức tôn giáo để kêu gọi người dân nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc phòng chống sốt xuất huyết; thường xuyên tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm và loại bỏ các vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch.
Truyền thông phòng chống sốt xuất huyết |
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, số ca mắc sốt xuất huyết/100.000 dân trong 2024 cao gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,7 so với trung bình số mắc/100.000 dân giai đoạn 2018 -2022. Hiện toàn tỉnh ghi nhận 17 ca mắc SXHD nặng tập trung tại nhóm 30 - 49 tuổi (chiếm 47%); trong đó, thành phố Bảo Lộc có số ca SXHD nặng cao nhất (6 ca), trong năm 2024 đã ghi nhận 1 ca tử vong tại Bảo Lộc.
Phun hóa chất xử lý ổ dịch sốt xuất huyết |
Tại 11/12 huyện, thành phố trong tỉnh đều có ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết (trừ huyện Lạc Dương), trong đó tỷ lệ xử lý ổ dịch bằng phun hóa chất cao tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Hiện trên địa bàn tỉnh có 947 ổ dịch sốt xuất huyết, 100% ổ dịch phát hiện đều được xử lý. Trong đó, 396 ổ dịch được xử lý bằng hình thức phun hóa chất kết hợp diệt lăng quăng (chiếm 41,8%) và 551 ổ dịch được xử lý bằng hình thức diệt lăng quăng (chiếm 58,2%).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin