Khi cho đi những giọt máu hồng

THÂN THU HIỀN 01:37, 01/07/2024

Cho đến nay, anh Cao Phạm Minh Sơn (34 tuổi) - công chức địa chính xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) đã 31 lần hiến máu cứu người. “Với bệnh nhân, máu là “liều thuốc” quý giá và được tiếp nhận từ sự sẻ chia, trái tim nhân hậu của những người khỏe mạnh. Và với bản thân, mỗi lần hiến máu thành công đó cũng là lúc mình được tiếp nhận liều thuốc tinh thần cho chính mình”, anh Sơn tâm sự.

Với anh Cao Phạm Minh Sơn:
“Mỗi khi hiến máu thành công,
tôi thấy rất vui vì bản thân đã giúp ích cho những người cần máu
Với anh Cao Phạm Minh Sơn: “Mỗi khi hiến máu thành công, tôi thấy rất vui vì bản thân đã giúp ích cho những người cần máu"

Nhớ về những tháng ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Sơn bảo rằng, giọt máu mà anh hiến đầu tiên khi còn là cậu học trò lớp 12 tại Trường THPT Thăng Long (thị trấn Nam Ban). Đó cũng là lúc anh cảm nhận được niềm hạnh phúc khi biết được những giọt máu của bản thân sẽ giúp bệnh nhân có thêm niềm hi vọng được cứu sống.

“Ngày ấy, trường hợp tôi cho máu là cậu nhóc 5 tuổi ở gần nhà, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Tôi còn nhớ, lúc đó chị phụ trách y tế học đường tiếp nhận thông tin là cậu nhóc này có biểu hiện tím tái, ngất xỉu, thiếu máu và cần tìm người có nhóm máu O hỗ trợ bệnh nhân. Vừa lúc đó, tôi đang có mặt tại trường, nghe tin thì cùng chị phụ trách y tế học đường của trường trực tiếp xuống Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà để kịp thời hỗ trợ, truyền máu cho em”, anh Sơn nhớ lại. 

Anh Sơn thuộc nhóm máu O cộng, một nhóm máu mà mọi người hay bảo rằng "thiệt thòi" bởi nó chỉ cho đi mà không nhận lại, ngoài trừ người cho có cùng nhóm máu O. “Thông tin đó tôi được biết trước khi hiến máu nên lần đầu hiến bản thân cũng thấy bỡ ngỡ, lo lắng. Vừa hiến nhưng trong đầu tự nhiên đặt ra hàng chục câu hỏi như hiến xong có bị làm sao không? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không?… Nhưng khi ánh mắt của mình hướng về cậu bé, tôi biết được rằng em ấy đang rất cần nguồn máu để giành giật lại sự sống bởi chỉ cần chậm trễ một chút nữa thôi có thể khiến người bệnh mất đi cơ hội sống. Cũng may lúc đó tiếp máu kịp thời nên tình trạng của cậu bé dần ổn hơn, và được các y, bác sỹ tại Trung tâm tận tình chăm sóc, theo dõi”, anh Sơn cho hay.

Luôn tâm niệm “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, sau lần đó, anh Sơn “nuôi dưỡng” được niềm hạnh phúc lớn lao của mình, ấy là hiến máu tình nguyện cứu người. Cũng chính vì lẽ đó mà khi bước vào cánh cửa đại học, chàng sinh viên Trường Cao đẳng Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh năm ấy bắt đầu tham gia thiện nguyện, hiến máu với vai trò là Phó Bí thư Liên chi Khoa Quản lý đất đai của trường.

Năng nổ, tích cực trong công tác Đoàn, anh Sơn dần trở thành người “truyền lửa” cho phong trào thiện nguyện, hiến máu tại trường với tinh thần lan tỏa thông điệp ý nghĩa về lòng nhân ái đến cộng đồng. Càng tiếp xúc, càng thực hiện, anh Sơn càng thấy yêu và gắn bó lâu dài hơn. Minh chứng là khi ra trường và xin được một công việc phù hợp tại huyện Đức Trọng, sau đó chuyển công tác về huyện Lạc Dương. Vào khoảng năm 2016, anh Sơn bắt đầu tham gia Đội hiến máu cơ động tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Theo chia sẻ của anh Sơn, những thành viên tham gia trong Đội này luôn sẵn sàng trong mọi tình huống truyền máu đối với những trường hợp khẩn cấp, không kể ngày đêm…

Trong suốt tháng năm gắn bó với Đội, chứng kiến nhiều trường hợp được tiếp nhận máu của các thành viên, anh Sơn nói rằng đó thật sự là một niềm vui mà không sao tả được. “Mỗi lần cho máu đi là một câu chuyện mà mình sẽ chẳng bao giờ quên. Có lần vào khoảng 22 giờ, trên nhóm thông báo một trường hợp bị tai nạn rất nặng và hiện đang mất máu rất nhiều. Đúng lúc đó, ngân hàng máu sống của bệnh viện lại đang khan hiếm và cần người đến hiến máu tình nguyện để cứu sống bệnh nhân. Ngay khi nhận được thông báo từ bạn nhóm trưởng, tôi lập tức chạy lên bệnh viện để hỗ trợ kịp thời cho ca phẫu thuật”.

Sau 3 năm gắn bó với Đội hiến máu cơ động của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, năm 2019, anh Sơn chuyển công tác về xã Mê Linh làm công chức Địa chính. Song song với chuyên môn, nghiệp vụ của mình, hiện anh Sơn là thành viên Hội Chữ thập đỏ của xã. Qua đó, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Sơn không ngừng tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện đến các thôn tại địa phương; đồng thời khuyến khích gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cùng tham gia. “Mỗi khi hiến máu thành công, tôi thấy rất vui vì bản thân đã giúp ích cho những người cần máu. Với tôi, mỗi lần hiến máu thành công cũng là một liều thuốc tinh thần cho chính mình”, anh Sơn vui vẻ nói.

Ngoài hiến máu cứu người, trong những năm qua, anh Sơn được biết đến là tấm gương tiêu biểu trong việc tích cực phối hợp, tham gia cùng mạnh thường quân tổ chức chương trình phát quà cho người dân tại các vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt... như trao học bổng, bánh kẹo, sách vở, dụng cụ học tập, quần áo, giày dép mới, xe đạp...nhân dịp Tết Trung thu, Tết Cổ truyền, lễ khai giảng. 

Đơn cử trong năm 2019, anh Sơn đã tích cực vận động, phối hợp cùng các thành viên trong hội nhóm liên hệ chính quyền địa phương tổ chức chương trình “Ước mơ tháng 8” trao tặng 530 phần quà trung thu gửi các em nhỏ với kinh phí gần 155 triệu đồng tại 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số xã Mê Linh gồm: Thực Nghiệm, Buôn Chuối, Hang Hớt, Cổng Trời.

Ông Phan Văn Tĩnh - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lâm Hà cho biết: “Trong những năm qua, hiểu rõ được giá trị của máu và tính nhân văn của việc hiến máu cứu người, phong trào hiến máu tình nguyện tại huyện Lâm Hà thu hút đông đảo cán bộ và Nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là trong đoàn viên, thanh niên. Trong đó, anh Sơn là một trong những gương tiêu biểu của huyện Lâm Hà trong công tác hiến máu cứu người. Không chỉ biết đến là gương điển hình trong hiến máu tình nguyện, những năm qua, anh Minh Sơn được biết đến là người tâm huyết với công tác xã hội với những hoạt động thiện nguyện hướng về cơ sở”.