KỶ NIỆM 30 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BẢO LỘC (11/7/1994 - 11/7/2024):
Khát vọng về một thành phố phát triển bền vững (Kỳ cuối)

ThS. NGUYỄN VÂN HẬU 07:58, 03/07/2024

Kỳ cuối: Đô thị Bảo Lộc - Chiến lược phát triển và thành tựu sau 30 năm

(LĐ online) - Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội để địa phương thúc đẩy kinh tế - xã hội tăng trưởng và phát triển về mọi mặt. 30 năm qua, thị xã Bảo Lộc - nay là thành phố Bảo Lộc đã tận dụng mọi lợi thế, hoạch định chiến lược phát triển có kế hoạch, lộ trình, áp dụng nhiều giải pháp khắc phục những khó khăn, thách thức để phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Kiến trúc, cảnh quan phường Lộc Tiến hiện nay theo quy hoạch 1954 và sau 30 năm xây dựng, phát triển. Ảnh tư liệu
Kiến trúc, cảnh quan phường Lộc Tiến hiện nay theo quy hoạch 1954 và sau 30 năm xây dựng, phát triển. Ảnh tư liệu

QUY HOẠCH LÀ “ĐƯỜNG BĂNG” CHO KINH TẾ ĐÔ THỊ CẤT CÁNH

Xét từ góc độ kinh tế học đô thị, thì đô thị là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương của Đảng và nhà nước ta cũng xác định lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng. Vì vậy, sứ mệnh đô thị Bảo Lộc không chỉ đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của người dân sở tại, mà còn phải thỏa mãn các nhu cầu của Nhân dân trong vùng và của khách trong nước, quốc tế đến địa phương. 

Từ nhận thức đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được cấp ủy và chính quyền Bảo Lộc đặc biệt quan tâm, đó là hoạch định chiến lược phát triển có kế hoạch, có lộ trình, tìm mọi giải pháp khắc phục những khó khăn, thách thức để phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Bước vào thực hiện Nghị định 65, chính quyền thị xã xúc tiến ngay việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 1996 - 2010, được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt năm 1997 (Quyết định 1787QĐ/UB). Đồ án Quy hoạch tổng thể xây dựng, định hướng phát triển không gian đô thị đến năm 2015 cũng lập xong, được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện năm 1997, định kỳ rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển.

Sau nỗ lực giai đoạn đầu và 2 kỳ kế hoạch 5 năm, thị xã Bảo Lộc được nâng cấp lên đô thị loại III vào tháng 3/2009 và trở thành thành phố theo Nghị quyết số 19 NQ/CP ngày 8/4/2010. Hiện nay, Quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 đã được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định 1194/QĐ-UBND ngày 16/6/2023), tạo tiền đề và “đường băng” cho kinh tế đô thị tiếp tục cất cánh vươn cao, bay xa. 

• NHỮNG ĐIỂM SÁNG PHÁT TRIỂN 

Thành phố Bảo Lộc năm 2024 - Trung tâm KT-XH khu vực phía nam tỉnh Lâm Đồng đạt nhiều thành tựu sau 30 xây dựng, phát triển - Ảnh tư liệu
Đô thị Bảo Lộc ngày nay trở thành trung tâm kinh tế - xã hội khu vực phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Ảnh tư liệu

30 năm qua, với vai trò trung tâm kinh tế - xã hội khu vực phía Nam tỉnh Lâm Đồng, thành phố Bảo Lộc đã không ngừng vươn lên. Tổng sản phẩm địa phương liên tục giữ mức tăng trưởng cao, ổn định, chỉ số tăng bình quân cả thời kỳ từ 1996 đến 2020 đạt 11,2%/năm (cao nhất là giai đoạn 1996 - 2000 tăng 15,6%/năm); năm 2023 tăng 6,5%.

Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,8 lần so với năm 1994, năm 2023 đạt 200 triệu USD, chiếm 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. 

Với đà tăng trưởng “nóng”, thu ngân sách nhà nước cũng tăng mạnh; năm 1994 tổng thu 23,43 tỷ đồng, đến năm 2013 tăng lên 566,26 tỷ và năm 2023 đạt 3.271 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 (24,5%) tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh Lâm Đồng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện. Chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên. 99,8% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 98% dân số dùng nước hợp vệ sinh (56% hộ được dùng nước sạch). Thu gom, xử lý rác thải đô thị đạt 92%. Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân trên 93%. Hộ nghèo theo chuẩn mới đến năm 2020 còn 0,66%, số hộ nghèo năm 2023 còn 122 hộ (cận nghèo 437 hộ). Số hộ khá, giàu tăng lên. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
 
Những thành tựu trên là điểm sáng của sự phát triển, góp phần làm thay da đổi thịt diện mạo đô thị, khẳng định vị thế Bảo Lộc là trung tâm kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh và cả nước.

• KỲ VỌNG VƯỢT QUA THÁCH THỨC ĐỂ PHÁT TRIỂN

Một góc TP Bảo Lộc 2024 - vùng bình nguyên bao la nơi bác sĩ A.Yersin phát hiện hơn 120 năm trước nay là đô thị sầm uất. Ảnh Đình Quýt
Một góc thành phố Bảo Lộc ngày nay. Ảnh: Võ Đình Quýt

Cùng với sự phát triển là những thách thức đang đặt ra với thành phố cần được nhận diện, khắc phục hiệu quả, tránh tác động tiêu cực, kìm hãm đà tăng trưởng.

Trong chiến lược dài hạn, sau đại dịch Covid-19, kinh tế đô thị Bảo Lộc sa sút, phục hồi chậm, năm 2023 chỉ đạt mức tăng 6,5%. Bản sắc đô thị và mô hình tăng trưởng mờ nhạt, chưa phát huy hiệu quả. Quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất có độ trễ lớn, chưa đáp ứng yêu cầu “đi trước một bước” để theo kịp tốc độ đô thị hóa, gây khó cho công tác quản lý nhà nước.

Bộc lộ rõ nhất ở nhiều nơi, không chỉ riêng Bảo Lộc thời gian qua, người dân tự quy hoạch, tự lập "dự án" đầu tư xây dựng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường, vùng chuyên canh nông nghiệp... Thực tế đó đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của chính quyền các cấp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm thế nào giảm thiểu lãng phí xã hội khi buộc phải dùng biện pháp hành chính để xử lý, duy trì kỷ cương, pháp luật? 

Thách thức trong ngắn hạn từ tăng trưởng “nóng” đã gây áp lực lớn, quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị Bảo Lộc, nhất là hạ tầng giao thông, cấp, thoát nước, xử lý chất thải sinh hoạt, thiết chế văn hóa cơ sở ...

Hệ thống biển báo, khẩu hiệu, bảng quảng cáo ngoài trời...lắp đặt sai quy chuẩn, gây mất mỹ quan và an toàn giao thông. Ảnh Vân Hậu
Hệ thống biển báo, khẩu hiệu, bảng quảng cáo ngoài trời... lắp đặt sai quy chuẩn, gây mất mỹ quan và an toàn giao thông. Ảnh: Vân Hậu

Phạm vi bao phủ cấp nước sạch còn thấp; khối lượng rác thải, nước thải phát sinh tăng nhanh (hiện tỷ lệ thu gom xử lý nước thải chỉ đạt 5%); hệ thống thoát nước đô thị kém; không có nhà vệ sinh công cộng; đường đô thị và vỉa hè ngày càng xuống cấp và trở nên chật hẹp, cộng với việc thiếu nơi đổ ô tô công cộng buộc chính quyền phải đặt biển cấm theo ngày chẳn, lẻ trên nhiều tuyến phố; nhiều biển báo sai quy chuẩn gây ảnh hưởng mỹ quan, gây khó khăn, bức xúc, bất tiện cho người dân sở tại và dân nơi khác đến Bảo Lộc...

Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vừa thiếu, vừa phân bố không đều trên địa bàn nên chưa tạo thuận lợi để người dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường thể lực, sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, lành mạnh hóa lối sống mọi lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên.

Những thách thức, hạn chế nói trên do nhiều nguyên nhân; trong đó, chủ yếu là do thiếu nguồn lực phát triển, phân bổ ngân sách chưa hợp lý, chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa chưa mạnh... Tư duy chiến lược phát triển của cán bộ lãnh đạo còn hạn chế đã ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức thực hiện quy hoạch. Vì vậy, cần sớm cụ thể hóa quy định bảo vệ cán bộ có tâm, có tầm, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đồng thời, sớm loại những cán bộ có biểu hiện thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, vô cảm, suy giảm lòng nhiệt huyết vì dân.

Tuần Văn hóa Trà BLao - Tơ lụa Bảo Lộc (năm 2019) được TP.Bảo Lộc tổ chức 2 năm 1 lần nay chỉ còn là ký ức. Ảnh tư liệu
Tuần lễ Văn hóa Trà và Tơ lụa Bảo Lộc được tổ chức độc lập lần cuối vào năm 2019. Ảnh tư liệu

Kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển đô thị Bảo Lộc là dịp để nhìn lại một chặng đường từ khởi nguồn, rút ra những bài học hướng về tương lai tốt đẹp. Đó không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền mà còn là của mỗi người dân, bởi vì, Nhân dân đem lại giá trị nhân văn và mọi sự tăng trưởng, phát triển xã hội để thế hệ sau kế thừa.

Nhân dân kỳ vọng thành phố Bảo Lộc vượt qua thách thức, không ngừng tiến lên, hướng tới mục tiêu quy hoạch và tầm nhìn, đạt đô thị loại II vào năm 2025, đô thị loại I vào năm 2040; xây dựng đô thị thông minh, đáng sống, phát triển bền vững, giàu bản sắc, hội nhập quốc tế; xứng đáng là đô thị hạt nhân, trung tâm kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm Tây nguyên, duyên hải Trung bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, “trở thành thành phố phát triển ngang tầm với các nước xung quanh ta”, như lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhắn nhủ.