Trong những năm qua, chất lượng hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp và nâng cao ý thức pháp luật cho Nhân dân, cơ quan, tổ chức… Qua đó đóng góp tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp và tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Các tập thể và cá nhân thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng nhận Bằng khen của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh lần thứ VIII |
Theo luật sư Huỳnh Tho - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 58 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó 53 Văn phòng Luật và 5 Công ty Luật; 3 chi nhánh và 7 Văn phòng giao dịch. Ngoài ra, còn có 25 chi nhánh của các tổ chức hành nghề luật sư thuộc các Đoàn Luật sư tỉnh khác đăng ký hoạt động hành nghề. Trong thời gian qua, đội ngũ luật sư phát triển tương đối nhanh về số lượng, toàn tỉnh có 134 luật sư. Tuy nhiên, sự phát triển số lượng luật sư chủ yếu tập trung ở TP Đà Lạt, một số ít luật sư hành nghề tại các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn TP Bảo Lộc và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Lạc Dương. Ở một số huyện vùng sâu, vùng xa như Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên chưa có tổ chức hành nghề luật sư nên chưa đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của người dân.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề luật sư, hàng năm, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động hành nghề của luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư; tiến hành kiểm tra, thanh tra tổ chức, hoạt động của các văn phòng luật sư, công ty luật, các luật sư hoạt động hành nghề với tư cách cá nhân trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh những sai sót về tổ chức và hoạt động.
Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề cho đội ngũ luật sư. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào kỹ năng tranh tụng của luật sư khi tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính…; đưa ra các tình huống cụ thể liên quan đến Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam để các luật sư phân tích nhằm ngăn ngừa vi phạm xảy ra. Việc tăng cường giám sát đạo đức nghề nghiệp luật sư, xử lý nghiêm những trường hợp luật sư vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp kết hợp với việc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hành nghề có tác dụng động viên kịp thời các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư đóng góp tích cực vào công tác xây dựng và phát triển Đoàn Luật sư, nghề luật sư.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Nổi bật là Đoàn Luật sư tỉnh, các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong đó phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, từ năm 2019 đến nay, các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí 1.235 vụ việc chủ yếu liên quan đến các nội dung: chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng dân sự vay tài sản, hôn nhân và gia đình... Đồng thời, trong quá trình hoạt động hành nghề, ngoài các vụ án chỉ định do Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư phân công, các luật sư còn tích cực thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí trong các vụ án hình sự, dân sự... với 1.226 vụ, việc trong 5 năm qua.
Cùng với đó, các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh đã tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức trong các vụ án và các vụ, việc cung cấp dịch vụ pháp lý với trên 5.200 vụ, việc, đem lại tổng thu nhập hơn 28 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 1,8 tỷ đồng. Qua đó góp phần làm trong sáng, minh bạch đối với các vụ án hình sự, dân sự đảm bảo đúng người đúng tội và thực hiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp tuân thủ theo quy định của pháp luật. Riêng đối với các vụ án chỉ định, tuy là nghĩa vụ của luật sư nhưng các luật sư đã thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó khăn, hoàn thành tốt công việc của mình trong các vụ án chỉ định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Nhận thức rõ trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong công tác tham gia xây dựng pháp luật, Đoàn Luật sư tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức tham gia góp ý đối với các dự thảo luật và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật dưới nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức các buổi thảo luận, góp ý trực tiếp; góp ý bằng văn bản... chủ yếu theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh...
Có thể thấy, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và từng bước phát triển, tuân thủ theo quy định pháp luật, số lượng vụ, việc và chất lượng vụ án được nâng cao. Hoạt động phối hợp giải quyết các vụ án chỉ định và tư vấn pháp luật miễn phí của Đoàn Luật sư với các tổ chức hành nghề luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo tính kịp thời, đạt hiệu quả, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và phòng, chống tội phạm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin