(LĐ online) - Dù đã quá tuổi đến trường nhưng nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đều đặn có mặt vào các buổi tối trong tuần để tham gia lớp học xóa mù chữ do UBND huyện Lâm Hà tổ chức. Họ ở nhiều độ tuổi khác nhau, có người chưa biết đọc, có người chưa biết viết và có cả người tái mù chữ nhưng họ đều có chung một điểm đó là khát khao được học lấy con chữ với mong muốn thế hệ mình và con cháu sau này có thể "đổi đời".
CHONG ĐÈN TÌM CHỮ
6 giờ tối, sau khi kết thúc giờ dạy chính, thầy Trần Văn Phương - Giáo viên tại điểm trường Konpang thuộc Trường Tiểu học Tân Thanh 2 (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) sắp xếp bàn ghế, mở loa nhạc nhằm thu hút sự chú ý của bà con tham gia lớp học xóa mù chữ.
Lớp học nói trên được tổ chức vào các buổi tối thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần. Những người tham gia lớp học này ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 15 đến 60 tuổi, nhưng đa phần đều đã lớn tuổi, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Lớp học xóa mù chữ ở điểm trường Konpang được mở ra với mong muốn giúp bà con biết đọc, viết và tính toán |
Theo các giáo viên tham gia dạy lớp xóa mù chữ, lớp học chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số theo học nên việc tiếp thu còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, người dân chưa nói được thành thạo tiếng phổ thông nên một số phát âm còn sai so với chương trình đề ra.
Thời gian rảnh rỗi ở nhà, anh Tapôr Ya Số nhờ vợ ôn lại kiến thức đã học trên lớp xóa mù chữ |
Theo chân thầy Phương đến thăm nhà anh Tapôr Ya Số (39 tuổi, dân tộc Raglai) đang sinh sống tại xã Tân Thanh. Đây là "học sinh" mà thầy Phương và các giáo viên trong trường mất nhiều thời gian vận động mới có thể thuyết phục đến lớp. Nhưng, từ khi vào học cho đến nay, anh Ya Số tiếp thu bài khá nhanh và có ý thức tự giác học.
Trong căn nhà nhỏ, anh Ya Số chăm chỉ ôn lại bài trước khi đến lớp. Anh chia sẻ: “Đi học để biết được cái chữ. Bởi trước đây, mỗi lần đi làm giấy tờ, cần ký tá hay muốn đọc một số thông tin gì, tôi hoàn toàn không làm được. Trước mình cứ nghĩ việc học không quan trọng nên không cần phải học. Hơn nữa, ở cái tuổi này rồi mà còn đi học cũng khiến tôi bị mặc cảm. Nhưng sau khi được thầy Phương thuyết phục, tôi đã tham gia lớp học này. Ngoài học tập ở lớp, những từ ngữ, câu chữ hay cách làm toán không hiểu, tôi nhờ vợ kèm thêm tại nhà”.
Bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Thanh soi đèn đến lớp |
7h30 tối, con đường thôn tại xã Tân Thanh rộn ràng tiếng cười nói của các cô, các chú rủ nhau soi đèn pin đến lớp. Ở cái tuổi đã lên chức bà, nhưng không mặc cảm vì tuổi tác hay khả năng học con chữ chậm, bà K'ếu vẫn chăm chỉ đến lớp mỗi ngày.
Nắn nót viết từng nét chữ cái lên bảng, bà K’ếu chia sẻ: “Để biết được mỗi một chữ cái, mỗi một con số là rất vất vả, nhưng nếu không biết chữ còn vất vả và khó khăn hơn. Đến lớp vừa được biết chữ, vừa được gặp gỡ mọi người, học thêm được nhiều điều bổ ích. Nhờ các thầy cô tuyên truyền mà tôi hiểu được lợi ích của việc học nên đã quyết tâm đi học từ những ngày đầu mở lớp. Tôi cảm thấy rất vui khi biết đọc, biết viết. Tôi nghĩ mình đi học không chỉ để cho riêng mình mà còn là cách để chỉ dạy cho con cháu mình hiểu và chịu khó đi học để có một tương lai tốt đẹp hơn”.
KHÔNG NGẠI KHÓ, CHỈ SỢ BÀ CON HỌC KHÔNG TỚI NƠI TỚI CHỐN
Ngoài giờ lên lớp, thầy Phương (bên phải) dành thời gian đến nhà thăm hỏi học viên nhằm gắn kết, gắn bó tình thầy trò |
Đó là nỗi niềm của thầy Phương luôn đau đáu khi có ai hỏi về lớp học xóa mù chữ mà thầy cùng các đồng nghiệp của mình đang nỗ lực, cố gắng duy trì từng ngày.
Thay vì dành những buổi tối nghỉ ngơi bên gia đình, thầy Phương lại dành phần lớn thời gian để chăm chút bài giảng trước giờ lên lớp xóa mù chữ hoặc đến nhà người dân để động viên, khuyến khích bà con không bỏ học giữa chừng.
Lớp học xóa mù chữ tại xã Tân Thanh bắt đầu mở lớp vào tháng 10/2023 với 35 học viên, phần lớn là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn đầu, thầy Phương đã cùng với trưởng thôn đi đến từng nhà để thăm hỏi, nắm bắt tình hình và lập danh sách những người không biết đọc, không biết viết để làm cơ sở vận động bà con tới lớp. Đây được xem là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình hình thành nên lớp học này.
Nhờ biết đọc, anh Tapôr Ya Số tìm đọc sách vở để có thêm kiến thức về làm kinh tế gia đình |
Vận động bà con đến lớp đã khó, duy trì được sỉ số lại càng khó hơn. Bởi các học viên đa phần đã lớn tuổi nên hay mặc cảm vì tiếp thu bài chậm. Hơn nữa, bà con đều phải đi làm mỗi ngày để chăm lo cho cuộc sống gia đình, nhất là vào mùa vụ cà phê, nên có những học viên dù đã theo học được một thời gian nhưng do không theo kịp bài giảng, từ đó sinh ra chán nản và ngừng đến lớp.
“Ngày trước, đường chưa được đổ bê tông, những ngày mưa gió, chúng tôi lại phải mặc áo mưa, hì hục đi qua những con đường đất lầy lội để đến nhà vận động bà con. “Mưa dần thấm lâu”, bà con dần hiểu, dần có ý thức hơn trong việc học. Và, một điều bản thân tôi nhận ra là ngoài tiếp thu những con chữ, bà con còn rất hào hứng với việc học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế. Chính vì vậy, để bà con có thêm động lực đến lớp, tôi đã hứa với bà con và dự định tổ chức một chương trình hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê, trồng dâu nuôi tằm”, thầy Phương tâm tình.
Nhằm hỗ trợ các học viên học chậm hơn, giáo viên sẽ chia lớp thành các nhóm nhỏ để dễ dàng kèm cặp từng người |
Nhằm đạt chất lượng trong quá trình học tập, lớp được chia làm các nhóm nhỏ với 4 thầy cô giáo phụ trách để dạy kèm cho học viên có học lực kém hơn. Thông qua đó, tạo cho học viên có cảm giác được quan tâm, không bị mặc cảm và tiếp tục đến lớp hơn.
Ngoài dạy cho bà con biết viết, biết đọc, biết tính toán, các giáo viên còn tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực để tạo sự gần gũi, gắn kết và sự hào hứng để các học viên chăm chỉ đến lớp - thầy Phương tâm tình.
THẮP LÊN NGỌN LỬA NIỀM TIN
Khi biết đọc, các học viên chủ động hơn trong việc tìm tòi kiến thức qua sách báo |
Theo đánh giá của các giáo viên, sau một thời gian theo học, nhiều học viên có tinh thần học tập rất say mê học tập. Người biết chữ lại truyền đạt, chỉ dạy cho người chưa biết chữ, người giỏi kèm cặp cho người kém hơn. Nhờ đó, dần dần lớp học ngày càng thu hút được bà con xin theo học, nâng số lượng học viên lên 40 - 45 người.
Thầy Phương thông tin: Trên cơ sở khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các giáo viên đã soạn giảng giáo án, lựa chọn phương pháp dạy phù hợp để học viên dễ tiếp thu nhất. Điều thuận lợi là các giáo viên đều biết tiếng đồng bào nên trong quá trình dạy đôi khi sử dụng cả tiếng đồng bào để truyền đạt, giúp bà con hiểu nhanh hơn, có hiệu quả hơn.
Qua khảo sát, đến nay, phần lớn các học viên đã biết đọc, biết viết căn bản. Nhiều người đã bắt đầu tự tin khi đến xã giải quyết các thủ tục hành chính, tìm hiểu sách báo, tra tìm thông tin về thuốc phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi… từ đó, vận dụng vào lao động, sản xuất có hiệu quả.
Giáo viên luôn theo sát để chỉ học viên viết nắn nót cho từng con chữ như học sinh lứa tuổi mầm non |
Huyện Lâm Hà có dân số gần 150 nghìn người với nhiều dân tộc anh em đến từ nhiều vùng miền trong cả nước về sinh sống; trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 24%. Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, cũng như trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, nhưng do đặc điểm về lối sống, suy nghĩ, nhận thức nên tỉ lệ người mù chữ còn cao.
Từ đặc điểm đó, trong năm qua, huyện Lâm Hà tiếp tục thực hiện các giải pháp để chống mù chữ, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, huyện đều khảo sát tỉ lệ người mù chữ; để từ đó có những chỉ đạo phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là việc tổ chức các lớp xóa mù chữ.
Các học viên trao đổi, hỗ trợ nhau trong việc học |
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa mù chữ, hiện nay, huyện đã rà soát số lượng người mù chữ và chỉ đạo tổ chức các lớp xóa mù chữ. Trong quá trình tổ chức các lớp này cũng gặp khó khăn vì những người mù chữ chủ yếu nằm trong lứa tuổi lao động. Chính vì vậy, huyện đã chỉ đạo các địa phương, cả hệ thống chính trị, MTTQ và các đoàn thể vào cuộc để rà soát lại số lượng, tăng cường tuyên truyền, vận động bà con đến lớp để duy trì sĩ số.
Ghi nhận bước đầu, các lớp học xóa mù chữ đã giúp cho trình độ, nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi gia đình và của cả địa phương.
Trong không gian yên bình của làng quê mỗi đêm, tiếng giảng bài trầm bổng của thầy cô giáo, tiếng đọc chưa tròn vành rõ chữ nhưng đầy nỗ lực của những học sinh đặc biệt của lớp xóa mù chữ cứ vang vọng như muốn thắp lên niềm tin cho một ngày mai tươi sáng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin