Những trăn trở phía sau danh hiệu nông thôn mới (Bài 2)

TUẤN LINH - HOÀNG SA 09:43, 26/07/2024

Bài 2: Khi Đưng K’Nớ “cán đích” nông thôn mới

(LĐ online) - “Cán đích” nông thôn mới vào năm 2021, xã Đưng K’Nớ là niềm tự hào không chỉ của huyện Lạc Dương mà còn của cả Lâm Đồng. Thế nhưng, nếu ai đó đã từng đặt chân và biết đến sự gian khó của mảnh đất từng là “tâm nghèo” của Nam Tây Nguyên, thì để Đưng K’Nớ thực sự là xã nông thôn mối phát triển bền vững sẽ còn nhiều việc phải làm.

Đường vào trung tâm xã Đưng KNớ trước khi có dự án mở rộng đầu tư tuyến đường Trường Sơn Đông.
Đường vào trung tâm xã Đưng K'Nớ trước khi có dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông

KHÔNG CÒN LÀ “ỐC ĐẢO”

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn xã Đưng K’Nớ được hoàn thành, khai thác từ tháng 3/2015 đã nối mạch giao thông trước nay vốn cách trở giữa Đưng K’Nớ với bên ngoài.

Trước khi tuyến đường Trường Sơn Đông được đầu tư hoàn thiện, xã Đưng K’Nớ gần như là một “ốc đảo”, giao thông cách trở, điện lưới chưa có khiến cho đời sống của người dân gặp vô vàn khó khăn.

Tập quán canh tác lạc hậu, phương tiện sản xuất thô sơ, thêm vào đó là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân về sự trợ cấp của Nhà nước đã khiến cho Đưng K’Nớ luôn là xã có tỷ lệ nghèo cao nhất tỉnh, thường trực với còn số trên 50% dân số toàn xã.

Nhờ có chương trình nông thôn mới, xã Đưng KNớ đã thay đổi khá nhiều về diện mạo nông thôn.
Nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo xã Đưng K'Nớ hôm nay đã thay đổi khá nhiều

Trong hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí thực hiện trên địa bàn xã Đưng K'Nớ là gần 177 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn phân bổ cho các công trình xây dựng cơ bản là trên 98 tỷ đồng, chủ yếu tập trung đầu tư vào các hạng mục công trình thiết yếu như đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, trạm y tế, cơ sở vật chất trường học…

Số tiền này đã giúp cho Đưng K’Nớ thay đổi khá nhiều về diện mạo nông thôn. Hàng chục dự án lớn nhỏ về sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ sinh kế, an sinh xã hội cũng đã được đổ về Đưng K’Nớ trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôi mới. Nhờ đó, đã giúp người dân trong xã không còn phải lo cái đói trong những mùa giáp hạt và từng bước thoát nghèo.

Đây có lẽ cũng là thành công lớn nhất của chính quyền địa phương khi đưa Đưng K’Nớ chạm tới đích đến xã nông thôn mới.

Những người trẻ tại Đưng KNớ đã đứng ra thành lập tổ hợp tác, phát triển sản phẩm mật ong rừng với thương hiệu mật ong PơKao.
Những người trẻ tại xã Đưng K'Nớ đã đứng ra thành lập tổ hợp tác, phát triển thương hiệu mật ong PơKao

CÒN ĐÓ “NÚT THẮT” VỀ THU NHẬP VÀ HỘ NGHÈO

Ngay khi triển khai xây dựng nông thôn mới, ngoài việc là xã có xuất phát điểm thấp, địa hình đồi núi dốc, đất pha cát chiếm diện tích lớn, khí hậu khắc nghiệt khi mùa mưa kéo dài, mùa khô thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thu nhập người dân, Đưng K’Nớ còn tồn đọng rất nhiều vấn đề về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nước sạch nông thôn, hệ thống thủy lợi và đặc biệt là vấn đề giảm nghèo.

Sau 10 năm, trong những tồn đọng nêu trên, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo vẫn là một trong những vấn đề nan giải của Đưng K’Nớ. Thực tế cho thấy, nỗi lo lớn nhất của Đưng K’Nớ chính là phần lớn người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn chưa nhận thức được họ là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Người dân xã Đưng KNớ trong ngày vui của lễ hội Mừng lúa mới.
Người dân xã Đưng K'Nớ trong ngày vui của Lễ hội Mừng lúa mới

Gần như tất cả các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cây trồng, vật nuôi của xã Đưng K’Nớ đều do người Kinh hay người ở nơi khác vào mua đất, thuê đất để đầu tư sản xuất.

Và, dù đã về đích nông thôn mới, nhưng quá trình “giữ vững” của Đưng K’Nớ vẫn hết sức nan giải với nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Đặc biệt là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo vẫn “nút thắt” khó gỡ đối với Đảng bộ và chính quyền, nhân dân dân xã Đưng K’Nớ.

Ông Thân Văn Hữu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cũng đã thẳng thắn thừa nhận, rất khó để Đưng K’Nớ có được sự phát triển bền vững. Bên cạnh nguồn thu không đáng kể từ 1.000 ha cà phê chủ lực, một số diện tích nhỏ cây ngắn ngày như bắp, mì không mang lại thu nhập cao.

Nguồn thu ổn định nhất của 80% hộ dân Đưng K’Nớ vẫn là số tiền nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nguồn thu này chỉ là điều kiện cần để người dân thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo, hay đúng hơn là không còn phải lo bữa ăn hàng ngày, còn lớn hơn thì cơ cấu kinh tế của Đưng K’Nớ vẫn không có sự đột phá nào đáng kể, trong khi đó cây cà phê vốn là cây chủ lực, tuy nhiên năng suất lại rất thấp.

Nguồn thu ổn định nhất của 80% hộ dân Đưng K’Nớ vẫn là số tiền nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Nguồn thu ổn định nhất của 80% hộ dân Đưng K’Nớ vẫn là từ tiền nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng

Theo báo cáo của UBND xã Đưng K’Nớ, năm 2024, xã đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mớiđảm bảo theo quy định tại Quyết định số 318 ngày 08/3/2022; phấn đấu hoàn thành thêm 2 đến 3 tiêu chí nông thôn mới nâng cao là quy hoạch, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

Phấn đấu đến hết năm 2024, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 120 triệu đồng/ha/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4 đến 5%, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 8,5%; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; thành lập ít nhất 1 hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã.

Tuy xã luôn cố gắng phấn đấu nâng cao thu nhập của người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhưng theo ghi nhận, đời sống của ngươi dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại Đưng K’Nớ vẫn còn rất khó khăn.

Vẫn biết rằng, xây dựng nông thôn mới là một hành trình không phải là đích đến, nhưng sẽ rất khó cho lộ trình phát triển lâu dài của một xã đã về đích nông thôn mới như Đưng K’Nớ nếu không tiếp tục nhận được các nguồn hỗ trợ, đầu tư từ các chương trình của Nhà nước và hơn hết chính là sự nỗ lực "tự lực cánh sinh" của chính những người dân nơi đây.


Từ khóa:

lâm đồng

Lạc Dương