Những trăn trở phía sau danh hiệu nông thôn mới (Bài 3)

TUẤN LINH - HOÀNG SA 09:25, 27/07/2024

Bài 3: Nỗi niềm của những xã sau khi về đích nông thôn mới

(LĐ online) - Có một điều không thể phủ nhận, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp diện mạo nông thôn của Lâm Đồng ngày càng hoàn thiện, chất lượng cuộc sống người dân dần được cải thiện, nâng cao. Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới cũng đặt ra yêu cầu “người dân phải là chủ thể”, tạo dựng được sức mạnh từ yếu tố nội sinh. Nhưng đối với những xã vùng sâu, đặc biệt là những xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc đạt chuẩn nông thôn mới đồng nghĩa với người dân tại địa phương không còn được hưởng một số chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, an sinh xã hội cũng như nhiệm vụ giữ vững các tiêu chí đã đạt.

Mặc dù về đích nông thôn mới trong năm 2021, nhưng đến nay, bức tranh kinh tế của xã Đưng K'Nớ vẫn chưa được tươi sáng

TỪ CHỐI CÁC CHƯƠNG TRÌNH TỪ THIỆN

Ngỡ tưởng chuyện lạ nhưng lại hoàn toàn có thật, từ đầu năm 2024, Đảng ủy, UBND xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương), xã về đích nông thôn mới từ năm 2021 đã từ chối tất cả các chương trình từ thiện, công tác xã hội của các tập thể, cá nhân có mong muốn đến xã vùng sâu này tặng nhu yếu phẩm như mì tôm, nước mắm, bột ngọt hay dầu ăn... trừ những thời điểm mang yếu tố khách quan không mong muốn như thiên tai, lũ lụt...

Quyết định của lãnh đạo xã Đưng K’Nớ, theo quan điểm của nhiều người, là hợp lý và đúng đắn. Bởi, việc trông chờ và ỷ lại của một số bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số luôn là bài toán khó giải đối với những người làm công tác dân vận và đôi khi là cả hệ thống chính trị.

Nói như chia sẻ của ông Thân Văn Hữu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ là: “Đây là một quyết định khó khăn của xã, vẫn biết một gói mì, một chai nước mắm đôi khi cũng giúp được bà con phần nào trong cuộc sống, nhưng để nghĩ về điều xa hơn, chúng tôi muốn bà con phải tự chủ, không được trông chờ, ỷ lại bất cứ sự hỗ trợ nào. Thay đổi ý thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới là điều khó nhất đối với địa bàn của những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số như chúng tôi.

Tại một số địa phương, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lúc nông nhàn vẫn còn bị bỏ ngỏ

Có một thực tế phải thừa nhận và đáng suy ngẫm trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Lâm Đồng đó là nhận thức của một số bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền các địa phương còn gặp nhiều khó khăn và thách thức không dễ để vượt qua.

Mặt khác, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại; viêc xây dựng nông thôn mới ở những địa bàn này đôi khi còn nặng về hình thức, chạy theo thành tích, số lượng, chưa chú trọng đến chất lượng.

Bộ mặt nông thôn mới thay đổi nhiều nhưng chưa có yếu tố bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vẫn chưa được nâng cao... Chính những lý do này khiến rất nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc giữ vững các tiêu chí nông thôn mới.

KHÓ KHĂN CỦA CÁC XÃ ĐẠT CHUẨN  

Trung tâm xã Đạ R'Sal, huyện Đam Rông với diện mạo ngày càng khang trang

Để hoàn thành mục tiêu chung, trong lộ trình đến năm 2025, Lâm Đồng là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của toàn khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, 2 xã cuối cùng là Đạ Long và Liêng S'rônh của huyện Đam Rông trong 111 xã của toàn tỉnh phải về đích trong năm 2024.

Đây là mục tiêu và khát vọng tốt đẹp của Lâm Đồng. Nhưng phương châm của tỉnh Lâm Đồng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới chính là không có điểm cuối, việc "cán đích" chỉ là mốc điểm thời gian và quá trình để hoàn thành. Muốn đạt được điều đó cần làm cho người dân thay đổi ý thức, thay đổi suy nghĩ, thay đổi văn hóa, lối sống mới là chìa khóa quyết định đến sự thành công chứa đựng đầy đủ yếu tố bền vững.

Bộ mặt nông thôn của nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ thực sự thay đổi ở trục đường chính trung tâm khi mà chúng tôi có những chuyến khảo sát thực tế ở các xã như Đạ Long, Đạ M’Rông, Đạ Tông (huyện Đam Rông); Lộc Bắc, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm); Sơn Điền, Gia Bắc (huyện Di Linh); Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên); Phước Lộc, Đoàn Kết, Đạ P’Loa (huyện Đạ Huoai) hay Đưng K’Nớ của huyện Lạc Dương.

Đường quê nông thôn xanh - sạch - đẹp của xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên

Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã vừa kể trên còn khá bất ngờ khi phải mua thẻ bảo hiểm y tế, con em khi đến trường không còn được hỗ trợ tiền, gạo và miễn giảm học phí như trước đây.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTG ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2026; Quyết định số 433/QĐ-UBND ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2026, cho thấy hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân ở những vùng này sẽ không còn khi đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có nguồn kinh phí bình quân 5 tỷ đồng/năm/xã do nhà nước cấp cho các địa phương để mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân. Điều này dẫn tới thực tế số người dân tham gia bảo hiểm y tế tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới giảm, ảnh hưởng đến chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế.

Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên được đầu tư các trang thiết bị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại chỗ cho người dân

Đối với chỉ tiêu giáo dục, các trường không được hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập, kinh phí nấu ăn và các chính sách khác. Học sinh ở những trường này không được miễn, giảm 70% học phí; không được hỗ trợ 569.000 đồng, 15kg gạo/tháng theo Nghị đinh số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; học sinh mầm non không được hỗ trợ tiên ăn trưa 160.000 đồng/học sinh/tháng.

Ngoài ra, các trạm y tế thiếu một số trang thiết bị theo quy định như máy siêu âm, máy đo điện tim, máy đo đường huyết... ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh dẫn đến phần lớn các trạm y tế chỉ có thể tiếp nhận và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên do thiếu các trang thiết bị.

Nhờ các dự án trồng cao su tập trung do UBND huyện Đạ Tẻh thực hiện, đồng bào dân tộc hiểu số tại xã Mỹ Đức đã có thu nhập ổn định

Giao thông, môi trường, thu nhập và hộ nghèo là những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là tiêu chí khó đối với các xã của Lâm Đồng khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt, là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập.

Hiện nay, theo quy định mới của Chính phủ, đối với tiêu chí tăng thu nhập, trung bình thu nhập của người dân tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đạt 59 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đây là vấn đề rất khó khăn đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới như Đưng K’Nớ (Lạc Dương); Đạ Tông, Đa M’Rông (Đam Rông), bởi các xã này chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo truyền thống, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp chưa đồng bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa chỉ mới dừng lại ở mức thô sơ, dẫn đến nguồn thu nhập không đảm bảo ổn định.

Chính vì vậy, đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng rất cần chính quyền tiếp tục “tiếp sức” để giữ vững danh hiệu cũng như nâng cao đời sống cho người dân.