Bài cuối: Tìm kiếm sự bền vững
(LĐ online) - Công cuộc xây dựng nông thôn mới của Lâm Đồng đã tạo dựng được trong suốt chặng đường vừa qua với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Để tiếp tục thực hiện được điều đó, cần đánh giá toàn diện chương trình để xác định yếu tố bền vững cho lộ trình phát triển lâu dài.
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đã thay đổi đáng kinh ngạc |
Sau 14 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện tại toàn tỉnh có 109/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 98,2%. Trong đó, có 34 xã nông thôn mới nâng cao và 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Lâm Đồng cũng đã có 5 huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đạ Tẻh, Cát Tiên đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thành phố: Bảo Lộc, Đà Lạt hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đạ Long và Liêng S'rônh (huyện Đam Rông) là 2 xã cuối cùng của Lâm Đồng chưa "cán đích" mà theo kế hoạch đến hết tháng 9/2024 là thời gian cuối cùng, 2 xã này phải hoàn thiện hồ sơ trình lên để xét duyệt và về đích theo đúng lộ trình vào cuối năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã từng chia sẻ: Đến năm 2025, Lâm Đồng chính thức hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn ở tất cả các cấp huyện, xã, trở thành tỉnh nông thôn mới và là điểm sáng trong phong trào ở các tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Sản xuất hoa công nghệ cao tại xã Lát, huyện Lạc Dương |
Mục tiêu rõ ràng, nhiều dấu ấn cũng đã được tạo ra, để giữ vững các tiêu chí đã đạt, tạo “bàn đạp” để có thể phát triển hơn nữa lại là vấn đề không đơn giản, nhất là một số tiêu chí được xem là “mềm” như: Thu nhập, môi trường, an ninh, trật tự xã hội, tỷ lệ hộ nghèo...
Do đó, việc đạt chuẩn nông thôn mới, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Lâm Đồng mới chỉ là đích đến và công cuộc xây dựng nông thôn mới tại đây còn cả hành trình phía trước. Bởi xây dựng nông thôn mới thành những miền quê đáng sống, đời sống người dân thật sự đổi thay trên diện rộng và cả ở chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững đúng như kỳ vọng của Lâm Đồng.
Người dân ở huyện nông thôn mới Đạ Tẻh có thu nhập và đời sống ổn định nhờ trồng dâu nuôi tằm |
Vì thế, điều kiện tiên quyết và yếu tố quan trọng đầu tiên để đổi thay những xã nghèo, những xã khó khăn đã về đích nông thôn mới, phải là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo tận tâm và nhiệt huyết. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước có đến được người dân hay không bắt đầu từ chính tiếng nói, sự thuyết phục, cái tâm và cái tầm của người cán bộ, mà trực tiếp là những cán bộ cơ sở, những người gần với dân nhất.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên |
Có một điều không thể phủ nhận, trình độ của cán bộ cơ sở tại Lâm Đồng đã được nâng lên rõ rệt theo từng giai đoạn, từng nhiệm kỳ. Nói theo ngôn ngữ hành chính thuần túy, đó là đã được chuẩn hóa, đáp ứng với nhiệm vụ và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Không thể kể hết những cái tên, nhưng đội ngũ cán bộ ở các xã vốn nổi tiếng khó khăn của Lâm Đồng trước đây và hiện tại như Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông (huyện Đam Rông); Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương) đều là những người có đủ phẩm chất và trình độ để cáng đáng công việc. Không dễ để các xã nơi họ làm quản lý có được sự phát triển nhanh chóng, nhưng sự dấn thân, can đảm đối mặt với những thách thức để thay đổi cũng là điều đáng trân trọng.
Học sinh tại điểm trường Đạ M'Pô, xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông trong giờ ra chơi |
Để các xã còn nhiều khó khăn của Lâm Đồng xây dựng nông thôn mới thành công, trước hết cần phải thay đổi nhận thức của phần đông người đồng bào dân tộc thiểu số và không có con đường nào ngắn hơn bằng việc giáo dục, tạo nền móng từ trong suy nghĩ của lớp trẻ kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Có một nét chấm phá mang đầy màu sắc tươi mới, trong tổng thể bức tranh nhạt màu ở Đưng K’Nớ, đó là câu chuyện của hai bạn trẻ Rơ Ông Ka Dơh và Phi Srôn Ha Pôl. Cùng tốt nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, Rơ Ông Ka Dơh ra trường với tấm bằng cử nhân Luật, còn Phi Srôn Ha Pôl là cử nhân Kinh tế Nông lâm. Cùng với các cộng sự trẻ và tâm huyết, sản phẩm Coffee K’Nớ của Ka Dơh và Ha Pôl ra đời bằng sự đam mê cũng như nỗi niềm trăn trở về cái nghèo của của mảnh đất Đưng K’Nớ hẻo lánh phía cuối Trường Sơn Đông.
Cô gái Rơ Ông Ka Dơh cùng các cộng sự với tâm huyết mang sản phẩm Coffee K’Nớ vươn xa |
Các dòng cà phê của Tổ hợp tác Coffee K’Nớ đều được các thành viên trong tổ hợp tác chế biến bằng phương pháp thủ công, từ cách lựa chọn hạt, phơi, rang đến thành phẩm.
Mục tiêu hướng tới của Ka Dơh và Ha Pôl, đó là xây dựng Coffee K’Nớ thành một thương hiệu bản địa, chất lượng, phù hợp với mọi đối tượng được tạo ra từ những rẫy vườn cà phê sạch nhờ vào điều kiện tự nhiên và không lạm dụng thuốc hóa học. Xa hơn là việc hình thành vùng cà phê canh tác theo hướng hữu cơ để hợp nhất quy trình sản xuất cũng như tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê.
Các cơ quan, đơn vị đã và đang kề vai sát cánh, đồng hành cùng các địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới |
Quán cà phê nhỏ xinh xắn nơi đầu ngã ba của Rơ Ông Ka Dơh do chính cô tạo dựng, thiết kế mang hơi hướng hiện đại hòa trộn với những chi tiết mang đậm bản sắc văn hóa của ngươi Cil cũng là nơi trưng bày sản phẩm chính của Coffee K’Nớ đã trở thành một nét chấm phá đầy hy vọng cho sự đổi thay của mảnh đất Đưng K’Nớ.
Giáo dục cho lớp trẻ về tình yêu quê hương, về khát vọng làm giàu như ước muốn đẹp đẽ của Rơ Ông Ka Dơh và Phi Srôn Ha Pôl, chính là điều kiện đủ để Đưng K’Nớ nói riêng và các xã nông thôn mớivùng đồng bào đồng báo dân tộc thiểu số nói chung có thể đi lên bằng yếu tố nội sinh và bền vững.
Để Lâm Đồng thực sự tiến xa hơn nữa trong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, để mảnh đất Nam Tây Nguyên có thể gặt hái được quả ngọt sau nhiều năm gầy dựng và gieo trồng, chúng ta phải can đảm nhận ra những thách thức và nhìn thẳng vào khó khăn, tồn tại để tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới sao cho phía sau tấm mỗi tấm biển danh hiệu sẽ là cuộc sống yên bình, ấm no và hạnh phúc cho mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư dựa trên những nền tảng và giá trị cốt lõi nhất, thực nhất của những vùng quê nông thôn mới thực sự.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin