Con đường giao thông liên thôn thôn Liêng Bông (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) vừa hoàn thiện và được đưa vào sử dụng đang hình thành nên bức tranh “miền quê đáng sống” ở xã vùng sâu, vùng xa với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Con đường là minh chứng cho sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Chị Kon Sơ Mi La - Trưởng thôn Liêng Bông, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương |
Gần 2.000 m2 đất được Nhân dân thôn Liêng Bông tự nguyện hiến và đóng góp hàng chục ngày công lao động để cùng Nhà nước hoàn thiện công trình đường giao thông nông thôn Liêng Bông với chiều dài gần 1 km, có tổng trị giá 11,3 tỷ đồng. Chị Kon Sơ Mi La - Trưởng thôn Liêng Bông cho hay, việc vận động người dân là đồng bào DTTS hiến đất làm đường ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, do bà con chưa hiểu rõ lợi ích của việc đầu tư nâng cấp, mở rộng con đường phục vụ đời sống và sản xuất.
Bản thân chị cùng cấp ủy, đoàn thể trong thôn đã “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con Nhân dân. Bên cạnh tuyên truyền, tổ chức gặp mặt để phổ biến chính sách về làm đường, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, gia đình chị Mi La và nhiều cán bộ, đảng viên trong thôn đã tiên phong hiến đất làm đường. Qua đó đã vận động đồng bào DTTS trên địa bàn tích cực tham gia hiến đất, phát huy vai trò chủ thể của người dân qua thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Chỉ gần 1 năm, con đường giao thông thôn Liêng Bông đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của người dân trong thôn. Con đường “sáng, xanh, sạch, đẹp” đã thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS. Theo Trưởng thôn Liêng Bông Kon Sơ Mi La, chính những lợi ích, hiệu quả thiết thực mang lại trực tiếp cho cuộc sống người dân đã thuyết phục bà con chung sức, đồng lòng tham gia hưởng ứng các chủ trương của Đảng.
Để tiếp tục nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS, Trưởng thôn Liêng Bông cho rằng cần quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng thiết yếu… Trong đó tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp công nghệ cao cho người dân để từng bước cải thiện sản xuất, thay đổi kỹ năng sản xuất làm tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nhanh nhất các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để phục vụ sản xuất, nhất là tư vấn hỗ trợ về hồ sơ thủ tục vay vốn, đề án định hướng phát triển sản xuất…
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền quan tâm ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân giảm được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân thông qua các tổ hợp tác; bước đầu cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về vật tư để duy trì hoạt động của các tổ hợp tác được thành lập.
Đặc biệt, hiện nay chủ trương về hạn chế làm nhà kính trồng rau, hoa đã tác động đến người dân vì sản xuất ngoài trời hiệu quả không cao. Vì vậy mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp có giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm tạo sinh kế cho người DTTS. Lựa chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ canh tác của người dân; chú trọng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin