Theo Sở Y tế Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 373 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non và trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Số ca mắc bệnh tay chân miệng đã tăng 200 ca với tỷ lệ 115,6% so với cùng kỳ năm 2023. Bệnh tay chân miệng xuất hiện tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các địa phương có số ca mắc cao là Đà Lạt (155 ca), Lâm Hà (45 ca), Đức Trọng (45 ca), Đơn Dương (33 ca), Bảo Lâm (27 ca). Ngành Y tế đã ghi nhận 4 ổ dịch bệnh tay chân miệng (1 ổ dịch tại Đạ Huoai và 3 ổ dịch tại Lâm Hà), không có trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đã có văn bản tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh về cách phòng, chống bệnh tay chân miệng, các biện pháp cách ly, giám sát, khử trùng tại nơi ở và nơi học tập, vui chơi. Theo dõi, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin