TÁC PHẨM DỰ THI VIẾT VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI :
Lấy sức dân làm lợi cho dân (Bài 2)

THÂN THU HIỀN - VIỆT QUỲNH 06:27, 16/07/2024

Bài 2: Muôn tấm lòng thơm thảo với quê hương

Trân trọng cuộc sống đang có, những người dân nơi vùng đất Nam Tây Nguyên tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương trên hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Với sự “hào phóng” với quê hương, họ sẵn sàng hiến đất, góp công mở đường, xây dựng và hình thành nhiều công trình phúc lợi dân sinh.

Trên những con đường thênh thang rợp cỏ cây, hoa lá, người dân thôn Đức Bình 
hài lòng với cuộc sống hiện tại
Trên những con đường thênh thang rợp cỏ cây, hoa lá, người dân thôn Đức Bình hài lòng với cuộc sống hiện tại

NHỮNG CON ĐƯỜNG TỪ LÒNG DÂN

Thôn Đức Bình (xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) mùa này, 93 nóc nhà nằm lấp ló trong những mảng xanh ngát của dâu tằm, cà phê, cây ăn trái... Vườn nằm quanh nhà, nên những tuyến đường liên xóm, liên thôn được xây dựng khang trang đã giúp bà con nơi đây thuận tiện hơn không chỉ trong cuộc sống hàng ngày, mà còn trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế. Đây cũng là thành quả của sự đồng lòng, chung sức của những người con Hà Nội, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Bình... chọn vùng kinh tế mới Lâm Hà làm quê hương sau 26 năm kể từ khi thôn hình thành.

Trên con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào các trục đường liên thôn, ông Nguyễn Viết Tiến - Trưởng thôn Đức Bình chia sẻ rằng, hơn bao giờ hết, người dân nơi đây hiểu được rằng mình đóng vai trò chủ thể, là lực lượng nòng cốt và là đối tượng thụ hưởng trong quá trình xây dựng NTM. “Điều quan trọng là trong công tác tuyên truyền, vận động, chúng tôi luôn chú ý lắng nghe tâm tư, thấu hiểu nguyện vọng, mong muốn của người dân và thực hiện mọi công việc một cách minh bạch, rõ ràng. Niềm tin yêu với Đảng, với Nhà nước vững vàng, bà con sẵn sàng đóng góp, đối ứng mỗi khi được chính quyền thôn, xã vận động”, ông Tiến nói.

Minh chứng gần nhất là vào năm 2019, thôn Đức Bình huy động được nguồn kinh phí từ Nhân dân đóng góp 1,7 tỷ đồng để xây dựng 4 km đường bê tông trục chính của thôn. Bên cạnh đó, các công trình khác như xây dựng đèn chiếu sáng, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, mua cây giống... cũng được người dân nhiệt tình tham gia. Hiện, trong thôn chỉ còn khoảng 5 km đường chưa được bê tông hóa. Đến nay, bà con đã sẵn sàng nguồn vốn để đối ứng với Nhà nước nhằm hoàn thiện các nhánh đường.

Ông Phùng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: “Trước đây, khi nhắc về việc huy động sức dân trong xây dựng NTM, xã Hoài Đức được huyện Lâm Hà đánh giá là địa phương tiên phong. Bởi lẽ trong quá trình xây dựng, ngay từ khi huyện chuẩn bị triển khai thì người dân địa phương đã luôn trong tư thế sẵn sàng đóng góp ngày công, ngày của, hiến đất làm đường, công trình”.

Hay tại thị trấn Di Linh (huyện Di Linh), người dân phấn khởi trên những con đường mới tràn đầy nhựa sống. Ông Dong Dor Sinh - Bí thư Chi bộ tổ dân phố K’Ming tự hào khoe với chúng tôi rằng, để đạt được các điều kiện Đô thị loại IV vào năm 2025, riêng tổ dân phố được đầu tư xây dựng 3 tuyến đường đi qua nối vào đường vành đai Đông Bắc và đường vào khu sản xuất của người dân với tổng chiều dài 4.440 m; qua đó, tổ đã vận động người dân hiến 22.200 m2 đất đi qua 223 hộ.

Ghi nhận tại huyện Di Linh, trong những năm trở lại đây, câu chuyện hiến đất mở đường xây dựng NTM đã không còn là chuyện “lạ lẫm”. Bởi khi cán bộ tuyên truyền, Nhân dân đồng thuận, việc hiến đất đã trở thành phong trào sâu rộng lan tỏa trên địa bàn toàn huyện.

Để khơi dậy sức dân trong xây dựng NTM, năm 2023, toàn huyện được đầu tư xây dựng mới 197,65 km đường bê tông xi măng thôn, xóm. Trong đó, người dân đã đóng góp đối ứng gần 30 tỷ đồng, hiến hàng nghìn mét vuông đất, giải tỏa cây trồng trên đất, giải phóng mặt bằng, mở rộng đường giao thông thôn, xóm, xây dựng đường cờ, đường hoa, đường điện thắp sáng; đầu tư xây dựng mới 8 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; nâng cấp sửa chữa 4 nhà văn hóa thôn, 1 tổ dân phố, người dân đóng góp trên 2 tỷ đồng; chỉnh trang nhà cửa, cứng hóa sân bê tông xi măng, làm cổng, hàng rào xanh, hàng rào phủ cây xanh, cắt tỉa cây xanh…

• … ĐẾN CÁC CÔNG TRÌNH PHỤC VỤ DÂN SINH

Đường đẹp và khang trang, người dân tiếp tục “mở lòng” hiến đất chung tay xây dựng để hình thành nên những công trình dân sinh phục vụ đời sống cho bà con trong vùng.

Điển hình tại thôn Đampao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà), câu chuyện về ông Ha Nhơu hiến đất khoan giếng và đặt chân bồn nước cho hơn 100 hộ dân sử dụng cách đây gần 10 năm được nhiều người cảm kích bởi tấm lòng thơm thảo.

Thôn Đampao có 460 hộ/hơn 1.000 nhân khẩu, đời sống của bà con trước đây còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào các đợt nắng hạn, khu vực này không có nước sinh hoạt để sử dụng. Trước sự việc trên, Phòng Dân tộc huyện Lâm Hà lúc bấy giờ và UBND xã Đạ Đờn dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt tập trung. Tuy nhiên, lúc đó thôn còn gặp khó khăn trong việc chọn vị trí để khoan giếng, lắp đặt chân bồn vì không có đất.

Mặt khác vị trí lắp đặt phải thuận tiện đường đi và ở riêng một khu vực để thôn vận hành, xử lý hệ thống khi gặp sự cố. Sau thời gian khảo sát, vị trí đất nhà ông Ha Nhơu được cho là phù hợp. Hiểu những khó khăn, thiếu thốn của bà con lúc đó, gia đình ông đồng ý hiến đất để khoan giếng, đặt chân bồn, nếu quy đổi ra tiền mặt khoảng hơn 250 triệu đồng lúc bấy giờ.

“Hơn ai hết tôi hiểu được những khó khăn của bà con trong thôn. Mọi người vì mình, mình vì mọi người là câu nói mà tôi luôn tự nói với bản thân. Lúc đó tôi đã bàn bạc với vợ con và thống nhất hiến cho Nhà nước 5 mét đất mặt tiền dài 6 mét để làm công trình. Khi công trình lắp đặt xong, chạy vận hành thử được 10 ngày thì hết nước, thôn trưởng cùng với bên công trình lại vận động gia đình tôi khoan thêm một giếng dự phòng cách công trình khoảng 30 mét, nếu giếng hết nước thì vận hành giếng kia và gia đình tôi đồng ý hiến thêm 4 m2 đất chỗ khác để khoan giếng và làm hàng rào bảo vệ. Hiện toàn thôn có 2 bồn nước được đặt tại gia đình và tại nhà thờ trong thôn. Riêng bồn nước sinh hoạt tại gia đình hiện có hơn 150 hộ đang sử dụng”, ông Ha Nhơu kể lại.

Ông Nguyễn Minh Thu - Trưởng thôn Đampao cho biết: Trong những năm qua, người dân thôn đã xây dựng được 9.572 mét đường bê tông; trong đó có 1 nhà sinh hoạt cộng đồng có diện tích 135 m2, mái che rộng 200 m2, và hàng rào khuôn viên rộng 600 m2 (trong đó có 2 sân cầu lông). Bên cạnh đó, thôn vận động 2 hộ dân hiến 50 m2 đất thổ cư để xây dựng 2 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho 175 hộ dân thiếu nước sinh hoạt...

Giai đoạn 2010 - 2020, huyện Lâm Hà xây dựng và thực hiện NTM theo đúng lộ trình đăng ký. Đến cuối năm 2022, địa phương đón nhận quyết định của Chính phủ công nhận Lâm Hà đạt chuẩn huyện NTM. Chia sẻ về quá trình trên, ông Hoàng Sơn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, nguyên Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà thông tin: Xuất phát từ một thực tế, tại huyện Lâm Hà chủ yếu người dân Hà Nội đi kinh tế mới nên khi họ an cư lạc nghiệp ở đây, TP Hà Nội đã hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương trong xây dựng trường, trạm. “Bên cạnh ngoại lực, các địa phương cũng đã phát huy được nội lực từ chính quyền và người dân. Một điều dễ dàng nhận thấy là hệ thống giao thông được đồng bộ. Đó là minh chứng cụ thể cho việc huy động được người dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng thuận lợi”, ông Sơn cho hay.

Xây dựng NTM, huyện Lâm Hà xác định đây là hành trình “có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc” nên địa phương đã phát động các phong trào thi đua, xây dựng các kế hoạch nhằm phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là người dân. Trong 10 năm qua, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Hà đã đóng góp trên 88.600 ngày công, 261,549 tỷ đồng, hiến trên 15.000 m2 đất để xây dựng, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình phúc lợi xã hội khác. Đồng thời, phối hợp vận động được 14.089 triệu đồng, xây dựng, sửa chữa 117 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa…

Sôi nổi trong các phong trào thi đua xây dựng NTM, người dân các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng đang cùng nhau phác họa nên bức tranh nông thôn đổi mới, trù phú, văn minh, hiện đại. Ở đó, họ phát huy vai trò chủ thể của người dân, đồng lòng với tinh thần “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, luôn sẵn lòng đóng góp vào lợi ích chung của cộng đồng mà không chờ đợi đền bù, hỗ trợ.

(CÒN NỮA)