Bài 3: Nhân lên “sức mạnh mềm” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Lâm Đồng là địa phương đa sắc tộc, đa tôn giáo với 47 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm hơn 26%. Trên hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, không thể không kể đến dấu ấn và sự đóng góp của những người con dân tộc K’Ho, Mạ, Churu, đến Tày, Nùng, Mường, Thái... với những tấm gương điển hình, họ đã cùng chính quyền địa phương từng bước thực hiện mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM: Nâng cao chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân.
Ông Da Cát Hà Dương (bên phải) là "cầu nối" giữa chính quyền và Nhân dân ở xã Đạ M'rông, huyện Đam Rông |
• NHỮNG “HẠT NHÂN” KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG
Một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi về xã Đạ M’rông (huyện Đam Rông) - địa phương có đông bà con giáo dân đang sinh sống. Phấn khởi với diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy xã bảo rằng: “Bà con ở Đạ M’rông còn nghèo nhưng không vì thế mà họ trông chờ, ỷ lại. Từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cũng như phát huy vai trò của chức sắc, chức việc nhằm cân bằng đồng bào lương và giáo, Đạ M’rông hôm nay đã có nhiều khởi sắc bởi chính ý thức của người dân”.
Người góp công lớn trong công tác tuyên truyền mà Bí thư Đảng ủy xã Đạ M’rông nhắc đến là ông Da Cát Hà Dương - người có uy tín thôn Liêng Krắc 2, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Đạ Tông. Đây cũng là giáo xứ có đông giáo dân nhất huyện Đam Rông với hơn 11.000 bà con giáo dân thuộc 3 xã Đạ M’rông, Đạ Tông và Đạ Long.
Ông Hà Dương chia sẻ: “Ở đây, phần lớn bà con có trình độ dân trí thấp, nhận thức còn hạn chế nên công tác vận động gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, khi Nhà nước có chủ trương hiến đất để làm đường, bà con phản đối kịch liệt bởi họ có quan niệm “người có sinh ra, nhưng đất thì không”. Chính vì vậy mà ngày trước, chẳng kể ngày đêm, tôi cùng các đoàn thể trong thôn phải đến tận nhà để vận động, lý giải cho người ta hiểu. Mất hơn một tháng trời, mới có một nhà hiến đất, rồi hai nhà, ba nhà... Dần dần, con đường được hình thành bởi sự thấu hiểu, tình nguyện của người dân”.
Khi ý thức của người dân được hình thành, câu chuyện xây dựng NTM cũng trở nên dễ dàng hơn, nhất là trong việc xây dựng, giữ gìn cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. “Không quá khó để nhận ra, sự khó khăn, nhếch nhác trước đây của thôn Liêng Krắc 2 giờ đã được thay thế bằng diện mạo tràn đầy sức sống với những vườn dâu xanh tốt, những tuyến đường hoa rực rỡ sắc màu; điện, đường được Nhà nước trang bị đầy đủ. Bà con vô cùng phấn khởi và chăm chỉ cố gắng làm ăn”, ông Hà Dương tự hào nói. Bản thân ông cũng là người tiên phong đi đầu tại xã Đạ M’rông chuyển đổi cà phê, lúa nước kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Từ những kinh nghiệm tích lũy được, ông nhiệt tình truyền đạt lại, hỗ trợ bà con trong thôn cùng chuyển đổi để chủ động phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.
Hiện, huyện Đam Rông có 5 tôn giáo chính đang hoạt động gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm với số lượng trên 42 ngàn tín đồ; giáo dân, Phật tử, chiếm 70% dân số. Toàn huyện hiện có 39 chức sắc, 210 chức việc và 6 cơ sở thờ tự. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đam Rông Nguyễn Quốc Hương nhận định: “Với đặc thù của địa phương có đông ĐBDTTS và đồng bào có đạo, chúng tôi luôn chú trọng việc tranh thủ, phát huy vai trò các chức sắc, chức việc... trong công tác dân vận, bởi một lời nói của các chức sắc, chức việc đối với đồng bào có đạo có “sức nặng” rất lớn, tạo nên sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân. Bên cạnh đó, Đảng ủy, chính quyền các xã cũng luôn trân trọng, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với các chức sắc tôn giáo trên địa bàn”.
Tại xã Bảo Thuận (huyện Di Linh) - địa phương có đến 99% là người K’Ho, ông K’Brệp (72 tuổi) cũng được biết đến là tấm gương tiêu biểu trong việc vận động, tuyên truyền khơi dậy sức dân trong xây dựng NTM. Với quan điểm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, là người có uy tín của thôn Kala Krọt, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ KaLa, ông K’Brệp đã vận động Nhân dân trong thôn đóng góp 70 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng với chiều dài 1.500 m; đóng góp 110 triệu đồng cùng nhiều ngày công lao động để san ủi, mở rộng gần 10 km đường vào khu sản xuất; đóng góp 90 triệu đồng mua đất xây dựng hội trường thôn. Bên cạnh đó, ông tích cực vận động bà con từng bước xoá bỏ các hủ tục; duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người K’Ho như nghề đan lát, làm rượu cần, đánh cồng chiêng...
Cùng với ông Da Cát Hà Dương và ông K’Brệp, hiện, toàn tỉnh có 451 người có uy tín trong vùng ĐBDTTS. Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Trong những năm qua, lực lượng già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc, chức việc trong vùng ĐBDTTS đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương, đặc biệt là trong quá trình xây dựng NTM. Với sự hiểu biết cùng uy tín của mình, họ luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động, trở thành “cầu nối” vững chắc giữa ý Đảng - lòng dân”.
• HIỆU QUẢ TỪ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 78/142 đơn vị hành chính cấp xã; 478/1.376 thôn, tổ dân phố vùng DTTS. Là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, từ đó từng bước củng cố vững chắc niềm tin của bà con Nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, công tác dân vận trong vùng ĐBDTTS; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030...
Khi nguyện vọng chính đáng của Nhân dân được đáp ứng kịp thời, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng cao, ý thức của bà con ĐBDTTS đối với việc tham gia xây dựng NTM tại các địa phương cũng trở nên đồng thuận hơn.
Đơn cử, tại huyện Di Linh - địa phương có đông ĐBDTTS nhất tỉnh với 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong giai đoạn 2019 - 2024, việc thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng vào việc ổn định, cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống, cũng như diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS đã có nhiều khởi sắc. Qua đó hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm… được cải thiện rõ rệt, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào. Cùng với đó là các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của ĐBDTTS được quan tâm bảo tồn và phát huy.
Ông Hàng Dờng K’Chiến - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Di Linh cho biết: Khi chất lượng cuộc sống được quan tâm đầu tư phát triển, đồng bào các DTTS cũng tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể phát động. Điển hình như phong trào hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn; Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh mà tập trung là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 04 của Ban Thường vụ Huyện uỷ về xây dựng huyện Di Linh đạt huyện NTM giai đoạn 2022 - 2025, tiến tới đạt huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2025-2030... Đến nay, 85/85 thôn, tổ dân phố ĐBDTTS trên địa bàn huyện đã được công nhận thôn, tổ dân phố văn hóa.
Việc thực hiện đồng bộ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đã từng bước giúp đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân trên đầu người vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh ước đạt 44,9 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều vùng DTTS giảm 2,5% so với 2022; 76/78 xã vùng DTTS đạt chuẩn NTM...
Đặc biệt, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng ĐBDTTS đã làm thay đổi nhận thức của người dân; qua đó giảm bớt tính ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước. Góp phần quan trọng vào bức tranh phát triển kinh tế - xã hội chung của mỗi địa phương, những tấm gương điển hình “Dân vận khéo” trong vùng ĐBDTTS, vùng có đạo đã phát huy tốt vai trò chủ thể trong xây dựng NTM.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin