TÁC PHẨM DỰ THI VIẾT VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI :
Lấy sức dân làm lợi cho dân (Bài cuối)

THÂN THU HIỀN - VIỆT QUỲNH 06:08, 19/07/2024

Bài cuối: Nông thôn mới bền vững từ nội lực Nhân dân

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện với mục tiêu tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân để đảm bảo định hình NTM mang tính bền vững, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thành công trên vùng đất Nam Tây Nguyên.

Ban Chỉ đạo 502 tỉnh tổ chức đợt công tác dân vận tập trung tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông
Ban Chỉ đạo 502 tỉnh tổ chức đợt công tác dân vận tập trung tại xã Đạ Tông, huyện Đam Rông

HUY ĐỘNG ĐA DẠNG NGUỒN LỰC

Được thực hiện từ vài năm trở lại đây, các đợt công tác dân vận tập trung của Ban Chỉ đạo Các chương trình phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (Ban Chỉ đạo 502 tỉnh) được xem là “điểm nhấn” đặc biệt tạo nên thành công của Phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”.

Với “sứ mệnh” quan trọng là giúp đỡ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn sớm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo 502 tỉnh đã phối hợp cùng hệ thống chính trị các cấp, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, huy động mọi nguồn lực tổ chức các đợt công tác dân vận tập trung tại các xã khó khăn của tỉnh.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, Ban Chỉ đạo 502 tỉnh đã tổ chức được 6 đợt dân vận tập trung. Tổng nguồn lực vận động đầu tư cho 6 xã đạt gần 20 tỷ đồng. Trong đó, Ban Chỉ đạo 502 tỉnh đã vận động gần 3 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 45 căn nhà; trang bị cơ sở vật chất cho hội trường các thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng; tổ chức thăm, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người nghèo; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân... Đồng thời hỗ trợ sinh kế, tặng hàng trăm phần quà cho bà con đồng bào DTTS và các hộ nghèo.

Chính hiệu quả của các đợt dân vận tập trung do Ban Chỉ đạo 502 tỉnh tổ chức đã lan tỏa đến các huyện, thành trong tỉnh. “Từ thực tiễn triển khai cho thấy, thành công lớn nhất của các đợt công tác dân vận tập trung là đã phát huy được vai trò, sức dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của địa phương. Chính người dân đã đồng lòng, tự nguyện góp công sức và tiền của đối ứng cùng Ban Chỉ đạo trong từng công trình, hạng mục, phần việc để có được những kết quả ấn tượng nêu trên” - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Phúc khẳng định.

Cùng với đó, trong năm 2023, toàn tỉnh đã có 1.474 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký; trong đó, có 456 mô hình được cấp ủy các cấp công nhận, với 389 mô hình tập thể và 67 mô hình cá nhân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, nhiều mô hình có nội dung phong phú, đa dạng với cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Dấu ấn Dân vận khéo trong xây dựng NTM còn có màu áo xanh thanh niên với các phong trào hành động cách mạng; có bàn tay hội viên Hội Phụ nữ với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; có sự cần cù của những người nông dân qua Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”,... Mỗi tổ chức chính trị - xã hội tùy theo chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình đoàn viên, hội viên đã lựa chọn xây dựng những mô hình, cách làm dân vận khéo phù hợp, hiệu quả. Tất cả cùng tạo nên nguồn lực để chung sức với các địa phương giải quyết khó khăn, hạn chế trong xây dựng NTM. 

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nguồn lực huy động để xây dựng NTM tiếp tục được đa dạng hóa, cùng với vốn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn tín dụng, vốn đóng góp của người dân, vốn doanh nghiệp,... tiếp tục được huy động cho xây dựng NTM. Việc phân bổ, sử dụng nguồn vốn đảm bảo theo quy định, ưu tiên cho các xã khó khăn, các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM theo kế hoạch giao. 

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NGƯỜI DÂN

Đến nay, xây dựng NTM đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp, được người dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng sâu rộng. Từ những khái niệm, tiêu chí bước đầu như còn xa lạ, nay, cụm từ “nông thôn mới” đã hiện hữu trong câu chuyện, cuộc sống hàng ngày của người dân nông thôn, từ xứ lúa Cát Tiên đến vườn rau Đơn Dương, từ sân phơi cà phê Di Linh đến những vườn cây trái Đạ Huoai, Đạ Tẻh,... Họ vẫn đang từng ngày đắp xây quê hương mình bằng những việc làm cụ thể, khẳng định vai trò chủ thể theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. 

Phương châm này có thể thấy rõ qua việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung hướng dẫn các xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố rà soát, đăng ký xây dựng Khu dân cư tiêu biểu, Khu dân cư kiểu mẫu theo từng năm. Đồng thời tổ chức phát động, tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực tập trung phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu xây dựng Khu dân cư tiêu biểu, Khu dân cư kiểu mẫu giai đoạn 2019 - 2024.

Kết quả, năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành trong tỉnh đã tổ chức thẩm định, đánh giá công nhận và khen thưởng 151 thôn, tổ dân phố đạt Khu dân cư tiêu biểu; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thẩm định, công nhận và tặng bằng khen cho 155 thôn, tổ dân phố đạt Khu dân cư kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp còn tích cực vận động Nhân dân tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất, vật tư để xây dựng, nâng cấp đường giao thông, hệ thống kênh mương, các công trình phúc lợi. Nhiều nơi tổ chức phát động, triển khai xây dựng các mô hình mới, gắn với duy trì, nhân rộng các mô hình tổ tự quản trong cộng đồng; vận động các khu dân cư, hộ gia đình hưởng ứng tham gia xây dựng cảnh quan môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hoá... Đồng thời phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở cơ sở. Một số nơi tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM và đô thị văn minh.

Đơn cử, tại huyện Đơn Dương - địa phương đang phấn đấu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết: Trong việc thực hiện nhân rộng mô hình Khu dân cư kiểu mẫu, hàng năm, huyện hiệp thương phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn thể thành viên phụ trách đảm nhận các tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn khung. Nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư trên các lĩnh vực tiếp tục được xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của người dân. Do đó, được đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện tham gia và đóng góp. 

Xác định xây dựng NTM là quá trình có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, tinh thần “lấy sức dân làm lợi cho dân” ngày càng được khắc họa rõ nét trên từng nẻo quê, ruộng vườn. Sự đồng thuận lòng dân trên Tây Nguyên hùng vĩ vẫn đang hàng ngày được củng cố, nhằm góp phần đảm bảo NTM mang tính bền vững, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Và thành quả xây dựng NTM sẽ tiếp tục được nhân rộng, hiện hữu, nối dài...

 

Đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

"Tạo ra các điểm nhấn tập trung, thiết thực, hiệu quả"

Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hình thức thực hiện dân vận khéo trên các lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt tăng cường huy động, tập trung các nguồn lực để cùng với nội lực của bà con Nhân dân tiếp tục đầu tư, xây dựng những công trình, phần việc hỗ trợ các địa phương trong xây dựng NTM. Từ đó tạo ra điểm nhấn tập trung, thiết thực, hiệu quả cao trong Phong trào thi đua Dân vận khéo. 


 

 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Việt - Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh

"Lấy người dân làm chủ thể, lấy khu dân cư làm cơ sở"

Quan điểm của địa phương là lấy người dân làm chủ thể, lấy khu dân cư (thôn, buôn, tổ dân phố) làm cơ sở trong xây dựng NTM. Để có những cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của địa phương, hàng năm, huyện đều tổ chức tổng kết, đánh giá, xem xét. Thông qua đó, nhân rộng những mô hình hiệu quả trong việc huy động sức dân; tạo sự thi đua tích cực giữa các thôn, các xã với nhau.


 

 

Đồng chí Hoàng Mạnh Huỳnh - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông, huyện Đam Rông

"Chú trọng hỗ trợ sinh kế, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống"

Để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, địa phương đặc biệt chú trọng hỗ trợ sinh kế cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Khi người dân có thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng lên thì công cuộc xây dựng NTM tại địa phương cũng được đảm bảo bền vững.