TÁC PHẨM DỰ THI VIẾT VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI :
Thế hệ nông dân thời đại mới: Xứng đáng là “chủ thể” của nông thôn mới (Bài 2)

NHẬT QUỲNH 02:57, 09/07/2024

Bài 2: Khẳng định vai trò “chủ thể” trong xây dựng nông thôn mới

Thực tế triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Lâm Đồng cho thấy, nông dân luôn tích cực tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn. Nhiều nông dân đã chủ động hiến đất, đóng góp tiền của, sức lao động trong xây dựng kết cấu hạ tầng; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh một cách mạnh mẽ. Không những vậy, họ còn tích cực gìn giữ nếp sống văn hóa, thuần phong mỹ tục và có nhiều đóng góp quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.

Các hoạt động văn hóa góp phần gắn kết cộng đồng
Các hoạt động văn hóa góp phần gắn kết cộng đồng

TÍCH CỰC THAM GIA XÂY DỰNG NTM

Trên hành trình tìm hiểu những đổi thay mà chương trình xây dựng NTM mang lại, chúng tôi đã ghé thăm Đạ Pal - một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đạ Tẻh. Đạ Pal hôm nay đã khác, “khoác lên mình” diện mạo mới, rạng rỡ và tràn đầy sức sống. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả chính quyền và Nhân dân nơi đây trong công cuộc xây dựng NTM.

Góp phần vào những đổi thay này, không thể không nhắc đến vai trò tiên phong của ông Nguyễn Vũ Minh Tâm (64 tuổi) - “cánh chim đầu đàn” trong các phong trào hoạt động ở địa phương. Ký ức về những ngày tháng gian khó khi “sốt rét, cái đói luôn thường trực, đường sá cách trở, đi lại khó khăn” đã thôi thúc ông hiến hơn 1.000 m2 đất để xây hội trường thôn và 2.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Không chỉ vậy, ông Tâm còn nhiệt tình tham gia đóng góp tiền của, ngày công và tích cực vận động người dân tham gia xây dựng NTM. 

Ở địa phương, ông còn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế. Nhờ lao động cần cù, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, ông Tâm nhiều năm liền được vinh danh “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh”. Đặc biệt, hiểu rõ khó khăn của bà con, ông còn tích cực hỗ trợ giống, kỹ thuật và nguồn vốn cho các hộ nông dân nghèo, cận nghèo với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, ông cũng vận động thành lập quỹ học bổng để động viên, khuyến khích con cháu trong dòng họ nỗ lực phấn đấu học tập tốt. 

Từ những đóng góp của mình, ông đã được chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp khen thưởng và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích đóng góp trong Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2009 - 2019. 

Có thể nói, ông Nguyễn Vũ Minh Tâm dù là một điển hình nhưng không cá biệt trong xây dựng NTM ở Lâm Đồng. Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, trong 10 năm qua (2013 - 2023), nông dân đã hiến hơn 77 ha đất; đóng góp hơn 369 tỷ đồng, hơn 226.000 ngày công lao động để sửa chữa làm mới hơn 2.000 km đường giao thông nông thôn, nạo vét hơn 1.500 km kênh mương, làm 377 cầu cống… Nhờ vậy mà kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và việc sản xuất, kinh doanh của người dân.

"Kết quả này có được là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp nông dân hiểu rõ mục tiêu của chương trình "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ"; nông dân là chủ thể, là hạt nhân trong xây dựng NTM”, ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, nhận định. 

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Lâm Đồng - cho biết: “Trong suốt 14 năm xây dựng NTM ở tỉnh, nông dân luôn đóng vai trò quan trọng và ngày càng phát huy vai trò chủ thể của mình. Tuy nhiên, để vai trò này được phát huy một cách tối đa và bền vững, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính quyền các cấp và các tổ chức, ban, ngành, bao gồm việc cung cấp thông tin, kỹ thuật, tài chính và chính sách hỗ trợ phù hợp. Trong đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”. 

• NÔNG DÂN LÀ NGƯỜI THỤ HƯỞNG CHÍNH NHỮNG TIỆN ÍCH NTM MANG LẠI

Đứng trên con đường bê tông trải dài, ngắm nhìn những mái nhà ngói san sát và cánh đồng dâu tằm xanh ngát, niềm tự hào dâng trào trong lòng ông Tâm. Ước mơ về một Đạ Pal trù phú, ấm no đã trở thành hiện thực... Khi được hỏi về về những lợi ích mà Chương trình NTM mang lại, ông chia sẻ: “Tôi chỉ là một người nông dân bình thường, làm những việc bình thường, không vì mục đích nào khác ngoài mong muốn cuộc sống của bà con Đạ Pal được đổi mới. Nay, nhìn Đạ Pal khởi sắc với kinh tế phát triển, đường sá khang trang, con em được học hành đầy đủ, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc”.

Không chỉ riêng Đạ Pal, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng đã thực sự mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân Lâm Đồng. Đặc biệt, việc nâng cấp các công trình thủy lợi không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu nước sản xuất mà còn góp phần hạn chế tình trạng xói mòn đất, thất thoát nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Tính đến 9/2023, toàn tỉnh có 440 công trình thủy lợi, gồm 223 hồ chứa, 4 liên hồ chứa, 91 đập dâng, 19 trạm bơm, hơn 1.200 km kênh mương... giúp đảm bảo lượng nước tưới tiêu và nâng cao năng suất cây trồng. 

Mặt khác, hơn 90% tuyến đường huyện, xã và giao thông nông thôn được cứng hóa góp phần giúp người dân đi lại thuận tiện, giảm thời gian và chi phí vận chuyển nông sản. Việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cùng với những hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn, liên kết tiêu thụ… đã giúp nền kinh tế nông thôn ngày càng khởi sắc. Trong giai đoạn 2010 - 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh đạt mức tăng trưởng hàng năm bình quân 6,5% (so với mức 2,95% của cả nước). Năm 2020, giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 169 triệu đồng/ha/năm - gấp đôi so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 37 triệu đồng/năm - gấp ba so với năm 2010...

Ngoài ra, Chương trình xây dựng NTM cũng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, y tế ở vùng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 230 trường mầm non, 440 trường phổ thông đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của người dân. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt hơn 90%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp hơn 15%. Tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt hơn 56%; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt hơn 85%...

Đồng thời, các hoạt động văn hóa, thể thao và sinh hoạt cộng đồng được tổ chức thường xuyên, góp phần giúp gắn kết cộng đồng và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Trong đó, địa phương luôn chú trọng nâng cao chất lượng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa”; hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đầu tư trang bị dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao nhằm tăng cường sức khỏe cho người dân. Đến hết năm 2023, 100% xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn văn hóa NTM; hơn 99% thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa. Đời sống văn hóa ở nông thôn ngày càng được nâng cao, góp phần tạo dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh cho người dân. 

Vì vậy, “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Nhờ chương trình, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần”, ông Phạm Tiến Hưng khẳng định.    

CÒN NỮA