TÁC PHẨM DỰ THI VIẾT VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI :
Thế hệ nông dân thời đại mới: Xứng đáng là “chủ thể” của nông thôn mới (Bài cuối)

NHẬT QUỲNH 05:56, 12/07/2024

Bài cuối: Con đường phía trước

Trong suốt nhiều năm qua, nông dân Lâm Đồng không những lớn mạnh về mọi mặt mà còn phát huy tốt vai trò chủ thể, trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong Phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM). Lâm Đồng đang tiến về đích NTM trong năm 2025 và đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hành trình này có thể sẽ có nhiều thử thách, song, nông dân trong tỉnh vẫn hướng về phía trước, quyết tâm xây dựng quê hương trở thành những miền đất trù phú, hiền hòa, tươi đẹp, “để nông thôn thật sự là nơi đáng sống, đáng trở về”.

Chất lượng sản phẩm là một trong những điểm mạnh của các đơn vị dẫn đầu
Chất lượng sản phẩm là một trong những điểm mạnh của các đơn vị dẫn đầu

Hơn 14 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, lực lượng nông dân Lâm Đồng đã có những bước tiến vượt bậc. So với năm 2010, năm 2020, mức thu nhập bình quân người dân vùng nông thôn cao gấp ba, giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích cao gấp đôi, số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tăng hơn 10.000 hộ..., chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cũng được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, có thể nhận thấy bức tranh phát triển của lực lượng nông dân trong tỉnh có nét chưa đồng đều giữa các nhóm đối tượng, giữa các địa phương. Nguyên nhân có thể do sự khác nhau về xuất phát điểm, điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội, thổ nhưỡng, khí hậu... Để nông nghiệp Lâm Đồng bứt phá, bên cạnh sự đồng hành của chính quyền, nông dân cần đoàn kết, phát huy sáng tạo và tận dụng hiệu quả nguồn lực, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên ở địa phương.

ĐỂ PHÁT HUY HẾT NGUỒN NỘI LỰC

Theo đó, nhóm dẫn đầu bao gồm các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn, doanh thu cao ở các địa phương như Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương… Điểm mạnh của các đơn vị này chính là quy mô và doanh thu lớn, chất lượng và mức độ đồng đều của sản phẩm vượt trội so với mặt bằng chung và được người tiêu dùng đánh giá cao. Nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các sở, ban, ngành về các thủ tục đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ; các doanh nghiệp ngày càng chủ động, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu. “Đây là việc làm cấp thiết, phù hợp với xu hướng - người tiêu dùng ngày càng chuộng các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thương hiệu uy tín”, ông Huỳnh Trung Quân - Giám đốc Công ty TNHH Phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân, nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh nhóm dẫn đầu với những thành tựu ấn tượng, “phần lớn nông dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa khai thác hết tiềm năng và hạn chế trong tiếp thu khoa học kỹ thuật”, ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết. Vì vậy, “việc tham gia các mô hình liên kết, mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác đóng vai trò trung tâm, là chìa khóa để nông dân cùng nhau lớn mạnh”, như lời anh Nguyễn Đức Huy - Giám đốc HTX Thủy canh Việt, nhận định. Tham gia chuỗi liên kết giúp phát huy thế mạnh của từng doanh nghiệp, tạo sức mạnh cộng hưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro và tạo dựng chuỗi giá trị bền vững.

Đồng thời, “tôi nghĩ, nông dân không những cần chủ động sử dụng máy móc, tự động hóa quy trình sản xuất, áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0... mà còn cần chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức về nông học, sinh học... để đáp ứng nhu cầu của nền nông nghiệp hiện đại”, anh Huy nói thêm.

Trong khi đó, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, địa phương vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, thiếu động lực phấn đấu, chưa khai thác, phát huy hết các nguồn lực trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, mặc dù chính quyền địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ người dân về vốn, con giống, cây trồng, kỹ thuật... nhưng để phát triển kinh tế bền vững, người dân cần nâng cao ý thức tự lực cánh sinh, tích cực tham gia các lớp học nghề, các chương trình hướng dẫn kỹ thuật... để tự tin chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nguồn lực đất đai.

Những nét đẹp văn hóa không chỉ
tô điểm cho NTM mà còn là “nguồn lực”, “nguồn vốn” quan trọng thúc đẩy
địa phương phát triển bền vững
Những nét đẹp văn hóa không chỉ tô điểm cho NTM mà còn là “nguồn lực”, “nguồn vốn” quan trọng thúc đẩy địa phương phát triển bền vững

• ĐỂ NTM THẬT SỰ LÀ NƠI ĐÁNG SỐNG

Song, NTM không chỉ là nơi có hạ tầng đồng bộ, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, kinh tế phát triển, mà còn là nơi có an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Để đạt được mục tiêu này, sự chung tay góp sức của mỗi người dân, đặc biệt là người nông dân, đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Vì vậy, theo Hội Nông dân tỉnh, nông dân cần tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong trong bảo vệ an ninh trật tự địa phương thông qua các mô hình hiệu quả như “Tiếng kẻng an ninh”, “Camera an ninh”... Mặt khác, để gìn giữ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, các Mô hình như “Ngày Chủ nhật vì môi trường”, “Vườn xanh, vườn sạch, vườn không rác”, “Trồng và chăm sóc cây bóng mát đường quê”, “Thu gom rác, bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật”, “Biến rác thành tiền”... cũng cần được nông dân tích cực duy trì và nâng cao hiệu quả.

Không những vậy, nông thôn còn là “nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc”, như lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã từng nói. Do đó, theo ông Đa Cát Vinh, thời gian tới, người nông dân cần tham gia tích cực hơn nữa vào các phong trào thi đua xây dựng gia đình nông dân văn hóa, xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết tương trợ trong cộng đồng, hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần chủ động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa, các làng nghề truyền thống ; đồng thời, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, phòng, chống các tệ nạn xã hội... Nông dân khẳng định được vai trò chủ thể trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước trong cộng đồng. Có như vậy, đời sống văn hóa ở nông thôn mới được nâng cao, bản sắc văn hóa được giữ vững và phát huy. 

Những nét đẹp văn hóa không chỉ tô điểm cho NTM mà còn là “nguồn lực”, “nguồn vốn” quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững. Nét đẹp ấy đang từng ngày len lỏi vào từng gia đình, ngõ xóm, thôn buôn… bồi đắp tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, góp phần đưa NTM tiến đến những thành tựu to lớn hơn. Chặng đường phía trước tuy có thể còn nhiều thử thách, nhưng với sự chung tay của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và người dân, niềm tin về một NTM trù phú, hiền hòa, tươi đẹp ở Nam Tây Nguyên sẽ sớm trở thành hiện thực.