(LĐ online) - Để chủ động, tập trung triển khai các phương án, giải pháp phòng ngừa sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa năm 2024, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu Ban Quản lý bảo trì đường bộ, nhà thầu thi công, nhà thầu tư vấn giám sát công trình xây dựng đường Vành đai TP Đà Lạt khẩn trương triển khai các nhiệm vụ và trách nhiệm về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Thi công trên tuyến đường vành đai TP Đà Lạt |
Yêu cầu này được đưa ra sau khi lãnh đạo Sở GTVT tổ chức đi thực tế kiểm tra tiến độ xây dựng đường vành đai TP Đà Lạt.
Theo đánh giá của Sở GTVT, qua kiểm tra, công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng ở tuyến đường này hiện vẫn còn tồn tại tình trạng công nhân tham gia xây dựng chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định (như: mũ chống chấn thương, dây an toàn chống ngã cao…); đây là công trình có địa hình đồi núi, độ dốc lớn, nhiều khu vực kết cấu địa chất không ổn định dễ gây nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng đến an toàn lao động; đặc biệt trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài như hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số trường hợp thương vong do sạt trượt đất.
Vì lẽ đó, Sở GTVT Lâm Đồng yêu cầu đơn vị thi công tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, quản lý công trường xây dựng theo đúng quy định; lập và trình Ban Quản ý bảo trì đường bộ chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định; thường xuyên rà soát kế hoạch tổng hợp về an toàn, biện pháp đảm bảo an toàn và đề xuất điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế thi công xây dựng.
Thiết bị, máy móc thi công đưa vào công trình phải được kiểm định kỹ thuật, đủ điều kiện sử dụng theo quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tuyệt đối không để xảy ra các sự cố về máy móc trong quá trình thi công gây ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người lao động.
Thi công lắp đặt đường ống thoát nước trên tuyến đường Vành đai TP Đà Lạt |
Triển khai biện pháp thi công theo đúng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt; kịp thời phát hiện các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động do biện pháp thi công, do sự thay đổi của địa chất, thủy văn thực tế tại thời điểm thi công (như khả năng xảy ra sạt đất, lũ quét,…) thì phải ngừng thi công và báo cáo các đơn vị liên quan xử lý.
Có biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất an toàn lao động cao trong quá trình thi công; tuyệt đối không được chủ quan và không để xảy ra tai nạn lao động, ảnh hưởng đến tính mạng của người lao động trong công trình và người dân.
Tập trung nhân công, vật liệu đẩy nhanh tiến độ thi công ngay trên các đoạn tuyến đã có mặt bằng; đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông (bố trí biển báo, đèn cảnh báo ban đêm, công nhân đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công).
Sở GTVT cũng yêu cầu đơn vị tư vấn giám sát phối hợp với nhà thầu thi công triển khai các nội dung này để đảm bảo an toàn; trường hợp triển khai không đảm bảo đầy đủ phải kịp thời có báo cáo đánh giá và đề xuất chủ đầu tư biện pháp xử lý theo quy định.
Giám sát tổ chức thi công theo đúng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt; kịp thời phát hiện và đề xuất giải pháp xử lý khi phát hiện các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và mất an toàn giao thông.
Yêu cầu Ban Quản lý bảo trì đường bộ xem xét, chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động của nhà thầu thi công; chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh và đảm bảo các đơn vị thực hiện đầy đủ nhiệm vụ công việc liên quan.
Thường xuyên kiểm tra điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn tại công trình; đặc biệt vào thời điểm mưa lớn kéo dài để kịp thời phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố công trình như: sạt, trượt mái taluy nền đường; mái đào của các hạng mục tường chắn, cống hộp,… lũ quét tại các thượng, hạ lưu cống,… và đề xuất biện pháp tổ chức thi công phù hợp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin