Bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn hơn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Khám sàng lọc bệnh bạch hầu cho trẻ em |
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong (tại Nghệ An). Trong các năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng ghi nhận các ca mắc bệnh bạch hầu rải rác qua các năm: Năm 2018 ghi nhận 1 ca mắc tại huyện Đam Rông; năm 2020 ghi nhận 3 ca mắc tại huyện Đam Rông và huyện Lạc Dương.
Ngày 9/7/2024, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiếp nhận 1 trường hợp người dân đến khai báo y tế tại Phòng khám Đa khoa khu vực Nam Ban (Lâm Hà), khai báo có học cùng trường, cùng Hội đồng thi tốt nghiệp với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại Nghệ An. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh phổ biến lại cho nhân viên y tế về Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên, ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh. Rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu nếu có, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong. Thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh. Phối hợp với các đơn vị dự phòng điều tra giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ, rà soát các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều các vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn, nhất là tại các xã vùng sâu, xùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế và có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tăng cường truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh đảm bảo đủ mũi và đúng lịch. Rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ. Tập huấn lại cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn về “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu” của Bộ Y tế; tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bạch hầu.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn. Phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, rà soát lại tỉ lệ tiêm chủng các vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đề xuất tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho đối với các xã có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh có nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu, thực hiện cách ly, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Hướng dẫn, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn lấy mẫu, cách ly ca nghi ngờ, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bạch hầu; xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của địa phương.
Theo hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu của Bộ Y tế, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố, sức đề kháng của vi khuẩn bạch hầu ở ngoài cơ thể rất cao, chịu được khô lạnh, đặc biệt khi được chất nhày bảo vệ. Trên đồ vải như chăn, màn, quần áo, gối có thể sống được 30 ngày; trên cốc, chén, thìa, bát đũa, đồ chơi có thể sống được vài ngày; trong sữa, nước uống sống 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần. Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp vi khuẩn sẽ bị giết chết sau vài giờ. Nhiệt độ 58 độ C sống được 10 phút và bị giết chết nhanh chóng ở nhiệt độ sôi. Vi khuẩn cũng dễ bị tiêu diệt bởi các hóa chất khử trùng thông thường.
Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%. Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh, trong đó người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm ở cộng đồng, điều này giải thích bệnh bạch hầu có thể đột nhiên xảy ra ở những nơi mà trước đó không thấy có ca bệnh xuất hiện. Thời kỳ lây truyền thường bắt đầu từ khi khởi phát và kéo dài khoảng 2 tuần, đôi khi lên tới 4 tuần. Trong một số trường hợp đã ghi nhận người mang vi khuẩn mạn tính trên 6 tháng. Điều trị kháng sinh đặc hiệu sẽ nhanh chóng tiêu diệt mầm bệnh và chấm dứt sự lây truyền. Bệnh đã có vắc xin và kháng sinh đặc hiệu để phòng và điều trị, tuy nhiên vắc xin giải độc tố bạch hầu chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh nhưng không ngăn ngừa được sự nhiễm vi khuẩn tại chỗ ở hầu họng, do vậy không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắc xin.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi; miễn dịch có được sau mắc bệnh thường bền vững. Sau tiêm vắc xin liều cơ bản miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm nhắc lại.
Ca bệnh nghi ngờ bạch hầu có các triệu chứng: sốt, đau họng, ho, chảy nước mũi và kèm theo giả mạc ở amidal hoặc thành sau họng hoặc mũi với đặc điểm màu trắng ngà hoặc xám, bóng, dai, dính chặt, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Có thể khàn tiếng, khó thở thanh quản; hạch góc hàm sưng to (dấu hiệu cổ bạnh, cổ bò); có vết loét trên da; có biểu hiện tình trạng nhiễm độc toàn thân (mệt mỏi, da xanh tái).
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin