Thấm nhuần truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, "Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, cứ vào những ngày tháng Bảy nghĩa tình hàng năm, những hoạt động thiết thực, ý nghĩa luôn được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong tỉnh tổ chức, với tấm lòng biết ơn sâu sắc lớp lớp cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp thăm, tặng quà gia đình người có công trên địa bàn huyện Đức Trọng |
Chúng tôi ghé thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Thái Thị Tương, cũng là Mẹ VNAH duy nhất hiện còn sống của huyện Đức Trọng, nay đã 94 tuổi, vào một buổi chiều mưa tháng Bảy. Mặc dù tuổi cao, nhưng mẹ vẫn còn rất minh mẫn. Mẹ bảo, mấy hôm nay có rất nhiều đoàn đến thăm, mẹ thấy vui và ấm lòng. Cô Trần Thị Ánh - con dâu của Mẹ Thái Thị Tương, cho biết: “Tôi ở với mẹ từ ngày về làm dâu, đến nay đã 38 năm. Không riêng ngày 27/7, mà năm nào, vào các dịp lễ, tết và cả những ngày bình thường, mẹ và gia đình tôi cũng nhận được sự quan tâm chu đáo của thôn, xã, các cấp chính quyền. Đây thật sự là nguồn động viên to lớn của mẹ và của cả gia đình ”.
Theo ông Võ Khắc Chương - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Trọng, trên địa bàn huyện hiện có hơn 900 người có công (NCC) đang hưởng trợ cấp trực tiếp. Trong tháng Bảy này, từ huyện đến các xã, thị trấn đều đã và đang tổ chức nhiều hoạt động hưởng đến ngày 27/7, như: Tổ chức gặp mặt, tặng quà cho NCC. Riêng huyện tổ chức 5 đoàn do các đồng chí lãnh đạo huyện làm trưởng đoàn thăm, tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu. Cùng với các hoạt động trên, huyện Đức Trọng cũng rất quan tâm đến việc xây mới, hỗ trợ nhà ở cho NCC. Trong năm 2023, huyện đã tổ chức xây mới 1 căn và sửa chữa 4 căn nhà cho NCC, với tổng kinh phí là 155 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, huyện đã miễn giảm tiền sử dụng đất cho 1 hộ NCC và cũng đang đề xuất sửa chữa 2 căn tại Tà Hine và Ninh Loan. “Các hoạt động trên không chỉ được tổ chức trong tháng Bảy, mà huyện luôn quan tâm đến các chế độ, chính sách đối với NCC. Có rất nhiều đơn vị làm tốt công tác này, điển hình như xã Hiệp Thạnh, ngoài các hoạt động chăm lo cho NCC, khoảng 6 năm nay, vào những ngày giỗ của các liệt sĩ trên địa bàn, xã đều cử đoàn đến dâng hương tưởng nhớ. Hiện, xã Liên Hiệp cũng đang triển khai thực hiện”, ông Võ Khắc Chương cho biết thêm.
Thành phố Đà Lạt hiện có 2.344 NCC, trong đó có 1.378 NCC đang hưởng chế độ trực tiếp. Bà Nguyễn Thị Hằng - Chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Lạt, cho biết, nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng về ngày Thương binh - Liệt sĩ đã và đang được tổ chức trên địa bàn. Theo đó, thành phố đang tổ chức 7 đoàn đi thăm, tặng quà 70 gia đình NCC tiêu biểu; tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ; thắp nến tri ân; dâng hương tại Đài tưởng niệm Cam Ly... “Không riêng dịp 27/7, mà trong năm, các hoạt động chăm lo đời sống NCC trên địa bàn luôn được thành phố quan tâm bằng những việc làm thiết thực, như: Hỗ trợ khó khăn đột xuất; thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa thành phố; tiếp tục rà soát gia đình NCC gặp khó khăn về nhà ở để xem xét, hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau...”, bà Nguyễn Thị Hằng cho biết.
Tháng Bảy năm nay, cùng với cả nước, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công... Riêng tỉnh đã tổ chức 8 đoàn do các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn đến thăm hỏi, động viên NCC tiêu biểu trên địa bàn. Cùng với đó, nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác cũng đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức như: Vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, tặng quà, xây dựng nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân; thực hiện tốt việc quản lý đối tượng, chi trả đầy đủ chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng và thân nhân. Mặt khác, tiếp tục rà soát, giải quyết những trường hợp chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ chế độ ưu đãi, đảm bảo tất cả NCC với cách mạng được thụ hưởng các chế độ ưu đãi; thực hiện tốt việc điều dưỡng cho người có công theo quy định...
Đã từ lâu, “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành truyền thống văn hóa, nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Nét đẹp đó càng được tô đậm vào mùa tri ân tháng Bảy, khi cả nước kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Bởi, đây chính là thời điểm mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tập trung thực hiện chính sách Đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Và, không riêng ngày 27/7, nhiều năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã được cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp Nhân dân tổ chức thường xuyên trong năm, với những hoạt động thiết thực như: Tìm kiếm, quy tập, an táng hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu sửa, tôn tạo công trình ghi công anh hùng liệt sĩ; quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho người có công; hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho gia đình chính sách, người có công; hỗ trợ gia đình chính sách, người có công thoát nghèo bền vững… Tất cả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đều hướng tới mục tiêu là làm thế nào để anh linh các anh hùng liệt sĩ được an lạc, siêu thoát; đời sống của gia đình chính sách, người có công phải bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Đồng thời, cũng qua những hoạt động này, đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hun đúc tình yêu đất nước, giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ để nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin