Thế hệ nông dân thời đại mới: Xứng đáng là “chủ thể” của nông thôn mới (Bài 3)

NHẬT QUỲNH 06:21, 10/07/2024

Bài 3: Những hình mẫu nông dân thời đại mới

Xác định nông nghiệp vừa là lợi thế, vừa là ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn, Lâm Đồng đã có nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị cao và bền vững. Trong đó, việc xây dựng lực lượng nông dân tiên tiến, trình độ, sáng tạo, trách nhiệm được xem là một trong những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hướng đi này của tỉnh ta hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, để đáp ứng các đòi hỏi của thời đại mới, nước ta cần: “Chú trọng xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, có ý chí, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội…”.

Tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, anh Nguyễn Đức Huy đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho HTX Thủy canh Việt, với chất lượng sản phẩm vượt trội
Tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, anh Nguyễn Đức Huy đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho HTX Thủy canh Việt, với chất lượng sản phẩm vượt trội

KHI NÔNG DÂN LÀ TRI THỨC TRẺ

Nông dân thời đại mới không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ “cày cuốc, gieo trồng” truyền thống mà còn là những nhà khoa học, kỹ sư ứng dụng tri thức, đổi mới sáng tạo, đưa nông nghiệp phát triển bền vững. Họ là những người tiên phong đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, góp phần đưa ngành Nông nghiệp quê hương phát triển bền vững.

Anh Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1984), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy canh Việt, là một điển hình tiêu biểu cho thế hệ trẻ nông dân thời đại mới. Sau khi lấy tấm bằng Kỹ sư Công nghệ sinh học Trường Đại học Đà Lạt và Thạc sĩ Sinh lý thực vật của Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, anh về làm việc tại Phòng Kinh tế TP Đà Lạt. Song, vì quá thu hút bởi các mô hình kinh tế nông nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, năm 2015, anh quyết định xin thôi việc và thuyết phục thêm 5 tri thức trẻ khác để cùng nhau “đi làm nông dân”.

Để tạo dựng lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị cây trồng, các tri thức trẻ thống nhất thiết kế trang trại theo lối thủy canh và tự động hóa. Theo đó, nhóm đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để phát triển hệ thống cảm biến, điều khiển tưới tự động dựa trên nền tảng IoT (Internet vạn vật). Theo anh Huy, hệ thống có thể tự động thu thập các dữ liệu về môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lượng mưa... và các dữ liệu về sinh học cây trồng như đường kính thân cây, diện tích lá... rồi xác định lượng phân bón, chế độ tưới tiêu phù hợp. Ngoài ra, hệ thống này cũng có thể cảnh báo khả năng xuất hiện nấm bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Toàn bộ quá trình này được điều khiển từ xa thông qua điện thoại thông minh. "Nhờ vậy việc theo dõi, chăm sóc cây trồng được đơn giản hóa; năng suất cao gấp đôi so với hình thức canh tác truyền thống”, anh Huy cho biết. 

Có thể nói, đây là điểm khác biệt, là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của HTX, nhưng anh và cộng sự vẫn sẵn sàng chia sẻ. HTX đã hỗ trợ cho nhiều nông dân ở Huế, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên... cũng như hướng dẫn cho nhiều sinh viên từ các đại học lớn (Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, Nông nghiệp, Tôn Đức Thắng, Nha Trang...) phương thức canh tác hiệu quả. Ngoài ra, năm qua, anh còn mở thêm lớp chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp thu hút nhiều bạn trẻ đến tham dự, bởi anh quan niệm rằng “để giúp thanh niên, nông dân tự tin khởi nghiệp, tự tin áp dụng khoa học, công nghệ, trước hết cần giúp họ trang bị kiến thức, kỹ năng”.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã đạt được Giải thưởng Lương Định Của năm 2018, được vinh danh là “Nhà khoa học của nông dân” năm 2022. Năm 2018, anh và HTX Thủy canh Việt được Tập đoàn Bain & Company (một trong những đơn vị tư vấn quản lý hàng đầu thế giới) vinh danh tiên phong trong việc tích hợp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Hữu Trí và vợ (ngoài cùng bên trái) trao tiền hỗ trợ xây nhà
cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Ông Nguyễn Hữu Trí và vợ (ngoài cùng bên trái) trao tiền hỗ trợ xây nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn

LUÔN HƯỚNG TỚI NHỮNG GIÁ TRỊ CAO ĐẸP

Không chỉ kinh doanh giỏi, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho cộng đồng, nông dân thời đại mới còn là những người có tấm lòng nhân ái, luôn sẵn sàng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Trí (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) là một tấm gương như thế. Năm 2023, ông là một trong những nông dân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong sản xuất, kinh doanh giỏi, trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, tham gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội địa phương.

Suốt nhiều năm qua, ông và vợ, bà Nguyễn Thị Thu Nga, đã miệt mài tham gia hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ bà con nông dân nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ông tâm niệm: “Dù là doanh nhân, công nhân hay nông dân, ai cũng có trách nhiệm chung tay góp sức cho cộng đồng”. 

Bên cạnh đóng góp tiền bạc và công sức cho các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng đường, xử lý rác thải, vợ chồng ông còn hỗ trợ xây dựng hàng chục căn nhà Mái ấm nông dân cho các hộ khó khăn về nhà ở trong nhiều năm qua. Thông qua tổ chức Hội Nông dân tỉnh, ông bà đã trao tặng từ 50 đến 60 triệu đồng cho mỗi căn nhà, đồng hành cùng các hộ nông dân nghèo vượt qua khó khăn. “Xuất thân từ nông dân nghèo, tôi thấu hiểu những gian khổ mà họ phải trải qua. Nhìn thấy những giúp đỡ nhỏ bé của mình có thể san sẻ phần nào khó khăn, mang lại niềm vui cho họ, bản thân tôi cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc”, ông chia sẻ. 

Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khẳng định: “Nông dân tỉnh ta luôn có tinh thần tương thân tương ái, tích cực trong công tác thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, các hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2018 - 2023, hội viên nông dân đã quyên góp được hơn 33,5 tỷ đồng, hơn 61.000 công lao động, hơn 13.800 con giống, hơn 1 triệu cây giống, 10 tấn lương thực giúp đỡ cho hơn 3.400 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn đầu tư phát triển sản xuất”. 

Điều này cho thấy những nông dân vừa giỏi sản xuất, kinh doanh, vừa giàu lòng nhân ái như ông Nguyễn Hữu Trí không phải là hiếm. Tiêu biểu có thể kể đến ông Nguyễn Văn Đoàn (Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017), Giám đốc HTX Nam Sơn (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) đã ủng hộ bà con vùng tâm dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh hơn 300 tấn rau, củ, quả (trị giá hơn 2 tỷ đồng) và 50 triệu đồng để ủng hộ Quỹ tiêm phòng vắc xin phòng, chống COVID-19; ông Nguyễn Thái Sơn (xã Triệu Hải, Đạ Tẻh; Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023), người đã ủng hộ hơn 100 triệu đồng để làm đường, xây dựng hội trường thôn; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật tận tình cho hơn 460 nông dân khác... Ngoài ra, có thể kể tới ông Mai Văn Khẩn (HTX Nông nghiệp Tân Tiến), một điển hình về nông dân không những sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn tích cực tham gia Phong trào xây dựng Nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc... Những năm qua, ông và HTX của mình đã đóp góp nhiều tỷ đồng để ủng hộ huyện đảo Trường Sa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ cho con em khuyết tật... 

Những người nông dân này không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng mà còn là tấm gương sáng cho cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn phát triển và văn minh. Họ hội tụ đầy đủ các phẩm chất cao quý về bản lĩnh, trình độ, trí tuệ và đạo đức - xứng đáng là hình mẫu cho một thế hệ nông dân thời đại mới.     

CÒN NỮA