Tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của tín dụng chính sách...

LÊ HOA (thực hiện) 06:23, 16/07/2024

Chỉ thị số 40 ban hành ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội đã xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS là hoạt động thường xuyên của các cấp ủy Đảng, thúc đẩy huy động các nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phục vụ các Chương trình TDCS, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội...

Trung tâm xã Đồng Nai Thượng
Trung tâm xã Đồng Nai Thượng

Đến nay, Chỉ thị số 40 được triển khai vừa tròn 10 năm, Báo Lâm Đồng xin ghi lại những đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S về việc triển khai Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

PV: Xin đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết việc triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S

• Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S: Ngay sau khi Chỉ thị 40 của Ban Bí thư được ban hành, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 4777, ngày 23/1/2015 chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 2470 và nhiều văn bản khác nhằm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH), tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 40 có hiệu quả… 

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của tập thể lãnh đạo, cán bộ đảng viên đối với việc thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40. Từ việc nêu cao tinh thần trách nhiệm và nhận thức trong triển khai TDCS, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc... nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. 

Trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, tổng nguồn lực huy động để thực hiện TDCS trên địa bàn tỉnh đạt 3.819 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH là 624 tỷ đồng, gấp 11,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40 (năm 2014 là 52,6 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh 354.273 triệu đồng, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện, thành phố 260.233 triệu đồng, nguồn vốn Ủy ban MTTQ Việt Nam 9.439 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm đạt 33,1%. 

Nguồn vốn ngân sách địa phương đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của những đối tượng đặc thù của địa phương. Bên cạnh đó, địa phương đã cấp 1.380 m2 đất, hỗ trợ 990 triệu đồng để xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đi lại phục vụ cho hoạt động tín dụng chính sách… 

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, NHCSXH phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức CTXH tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, tạo được nguồn lực tài chính quan trọng bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách, kịp thời cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, lan tỏa tinh thần, ý thức của các tầng lớp Nhân dân trong việc chung tay thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững; đóng góp quan trọng vào việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với 17 chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, có tổng dư nợ đến 30/6/2024 đạt 5.976 tỷ đồng, với trên 101 ngàn hộ còn dư nợ; trong đó, dư nợ của địa phương là trên 613 tỷ đồng. Nguồn vốn các chương trình TDCS trong 10 năm qua đã giúp cho 23.778 hộ thoát nghèo, tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho 40.143 lao động; tạo điều kiện cho trên 12.209 lượt học sinh - sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; giúp cho 314 lao động đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 206.230 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn góp phần cải tạo môi trường sống; xây dựng 1.839 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Có thể khẳng định, TDCS do NHCSXH thực hiện đã đáp ứng khá toàn diện các nhu cầu của hộ nghèo, các đối tượng chính sách và yếu thế trên địa bàn tỉnh. Kết quả giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua có đóng góp rất quan trọng của TDCS. Chính điều đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 từ 6,67% xuống còn 0,9% cuối năm 2021, giai đoạn 2022-2025 từ 2,87% xuống còn 1,09% vào cuối năm 2023; giúp 109/111 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 41 xã nông thôn mới nâng cao, 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; giúp một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến nhận thức, tập quán làm ăn, xóa bỏ tự ti mặc cảm, vươn lên tự thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng…

Các tổ chức CTXH cũng đồng hành cùng NHCSXH trong chuyển đổi số và áp dụng công nghệ trong hoạt động TDCS
Các tổ chức CTXH cũng đồng hành cùng NHCSXH trong chuyển đổi số và áp dụng công nghệ trong hoạt động TDCS

• PV: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, xin đồng chí cho biết, cần có những giải pháp gì?

• Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S: UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trọng tâm là những nội dung sau: 

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động TDCS là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch và hoạt động thường xuyên của mình, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của TDCS.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho TDCS, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội đối với TDCS. Phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, các chương trình chuyển giao công nghệ, các dự án đổi mới sáng tạo, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, định hướng thị trường với việc triển khai tín dụng chính sách.

Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của BĐD HĐQT NHCSXH, của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp để phát huy lợi thế là huy động được lực lượng xã hội lớn cùng NHCSXH thực hiện tốt các chương trình TDCS; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở đối với hoạt động TDCS.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về TDCS, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân biết để thực hiện và giám sát…

• PV: Xin cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh!

Sơ kết hoạt động TDCS ở xã Đạ K’Nàng
Sơ kết hoạt động TDCS ở xã Đạ K’Nàng

Xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông) thực hiện đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; và đang phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ về đích nông thôn mới nâng cao… Các nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có nguồn vốn của NHCSXH đã hỗ trợ cho vay vốn cho các đối tượng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh sinh viên... đầu tư kinh doanh, thâm canh phát triển sản xuất. Đến nay, toàn xã có 1.323 hộ được vay vốn TDCS, tổng dư nợ NHCSXH đạt trên 91 tỷ đồng (6 tháng đầu năm tăng 1 tỷ đồng), với 12 món vay.

Bà Bùi Thị Quyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ K’Nàng, tâm sự: Chúng tôi rất vui vì nguồn vốn TDCS đã góp phần giúp hội viên của mình có nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình để có thu nhập ổn định và tốt hơn. Hội Phụ nữ xã Đạ K’Nàng có Tổ hợp tác vay vốn của 36 thành viên trồng dâu, nuôi tằm, với dư nợ 2.930 triệu đồng. Các tổ viên hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm nguồn giống, đầu ra, kỹ thuật và kinh nghiệm trồng dâu - nuôi tằm… Cách đây khoảng 10 năm, diện tích trồng dâu nuôi tằm của xã rất ít, chỉ có mấy chục hecta trồng dâu, nhưng hiện tại đã có 126 ha/140 hộ; riêng tổ hợp tác, mỗi hội viên có từ 3 sào đến 1 ha dâu…