Từ bỏ thuốc lá - cần có quyết tâm và kế hoạch

DIỆU HIỀN 05:58, 12/07/2024

Hiện nay, tại Lâm Đồng chưa tổ chức được cơ sở cai nghiện thuốc lá; hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá chủ yếu được tổ chức lồng ghép tại các cơ sở khám, chữa bệnh, chưa có nhân lực chuyên trách tư vấn nên hiệu quả chưa cao. Từ năm 2013 đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có 82.684 người được tư vấn cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Quầy tạp hóa xây dựng môi trường không khói thuốc lá
tại đường Nguyễn Siêu (TP Đà Lạt)
Quầy tạp hóa xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại đường Nguyễn Siêu (TP Đà Lạt)

Theo điều tra năm 2020, tỷ lệ người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên hiện đang hút thuốc có cố gắng bỏ thuốc trong 12 tháng gần nhất là 66,5%. Tỷ lệ người hút thuốc từ 15 tuổi trở lên đã nỗ lực bỏ thuốc nhận được lời khuyên của cán bộ y tế trong 12 tháng gần nhất là 86,5%; được hỏi về tình trạng hút thuốc là 78,9%; sử dụng dịch vụ y tế để cai nghiện thuốc lá là 49%. 

Từ năm 2013 đến nay, các hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ yếu được thực hiện lồng ghép tư vấn cai nghiện thuốc lá cho người dân trong công tác khám, chữa bệnh tại đơn vị. Hoạt động cai nghiện thuốc lá còn khó khăn về cơ chế, kinh phí thực hiện, hạn chế về nhận thức của người dân về lợi ích của cai nghiện thuốc lá; nhân lực tham gia chủ yếu là cán bộ y tế kiêm nhiệm do đó khó khăn trong theo dõi hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình cai nghiện thuốc lá; chưa có chính sách phụ cấp, tiền công cho nhân viên tư vấn và cán bộ y tế kiêm nhiệm.

KẾ HOẠCH CAI THUỐC LÁ 

Bước đầu tiên cần phải suy nghĩ về việc cai thuốc lá: Liệt kê tất cả các lý do bạn nên bỏ thuốc; đánh dấu những lý do bạn thấy quan trọng nhất đối với mình (chẳng hạn: Tôi không muốn con trai mình hút thuốc, tôi muốn để dành tiền cho con cái học hành, bác sĩ nói bệnh của tôi sẽ nặng hơn nếu tiếp tục hút thuốc...); liệt kê những lợi ích từ việc cai thuốc (hơi thở thơm tho hơn, không còn mùi thuốc lá, vị giác và khứu giác được cải thiện...); lợi ích lâu dài (giảm nguy cơ đột quỵ, ung thư, các bệnh về tim mạch...).

Bước thứ hai là liệt kê các thông tin có thể làm tăng ích lợi của cai thuốc lá; giảm tác hại của hút thuốc lá. Bước thứ ba chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi cai thuốc lá: Tự định ra một ngày bắt đầu cai thuốc lá phù hợp với bản thân; công bố quyết định cai thuốc lá cho mọi người biết; loại bỏ các vật dụng liên quan đến hút thuốc lá (gạt tàn, bật lửa); yêu cầu mọi người hỗ trợ nỗ lực cai thuốc lá của bạn bằng cách không hút thuốc lá trước mặt bạn, không mời bạn hút thuốc lá; đề nghị mọi người cảm thông về sự thay đổi tính tình của bạn (nếu có); có thể cai thuốc lá thử một ngày và ghi lại những khó khăn xuất hiện trong ngày cai thuốc lá. Nếu thử cai thuốc lá trong vài ngày liên tiếp, chắc chắn bạn sẽ nhận định được những khó khăn riêng cho mình là gì. Liệt kê các giải pháp để đối phó các triệu chứng khó chịu khi cai thuốc lá. Chẳng hạn: Thèm hút thuốc lá đột ngột (uống một ly nước mát; đi bộ một vòng; hít thở thật sâu ba lần); thèm thuốc lá khi thấy người khác hút thuốc lá (tránh đi đến những nơi có nhiều người hút thuốc lá; nói trước với bạn bè về chuyện cai thuốc lá; tìm cách lánh khỏi nơi có nhiều người hút thuốc lá); thèm hút thuốc lá khi uống cà phê, sau khi ăn cơm (thay đổi địa điểm, thời gian, bạn bè cùng uống cà phê; uống cà phê nhanh hơn bình thường; sau khi ăn cơm xong đứng lên nhanh đi chải răng)... 

Bước thứ tư thực hiện cai thuốc lá: Ngày đầu tiên cai thuốc lá, mỗi khi có ham muốn hút thuốc, hãy làm ngay một chuyện khác (uống một ly nước mát, đi bộ một vòng, chải răng, hít thở thật sâu... Tránh đi đến những nơi mà bản thân dễ bị cám dỗ hút thuốc lá như quán nhậu, lễ hội...). Đừng lo sợ khi có cảm giác thèm thuốc lá đến mức không thể chịu nổi, cảm giác này sẽ giảm nhanh theo thời gian. Cố gắng không hút thuốc lá dù chỉ một hơi; hãy kiên nhẫn, mỗi ngày qua đi, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.

Một tuần sau cai thuốc lá: Ghi lại các ích lợi do việc cai thuốc lá mang lại trong tuần đầu tiên mà bạn cảm nhận được (cảm thấy tự hào vì đã cai thuốc lá được 1 tuần, hơi thở sâu hơn, dễ thở hơn, mồ hôi đã giảm mùi thuốc lá...). Sắp xếp công việc cho bớt căng thẳng trong giai đoạn này; tránh uống trà và cà phê, trà vào buổi tối, nên đi ngủ đúng giờ; uống thêm vitamin C tối đa 2g mỗi ngày, nhớ uống nhiều nước...

Ba tháng sau cai thuốc lá: Sau khi cai thuốc lá được 3 tháng, các khó chịu do cai thuốc lá đã giảm rất nhiều, đây là lúc bạn cảm nhận ngày càng nhiều hơn những ích lợi của cai thuốc lá (không còn ho vào mỗi buổi sáng nữa, da dẻ đẹp hẳn ra). Nếu bạn tăng 2 - 3 kg, đừng lo lắng, đây là việc cơ thể bạn phục hồi cân nặng bình thường; cần điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện thể lực phù hợp.
Sáu tháng sau cai thuốc lá: Bạn sẽ cảm thấy rất dễ chịu vì đã vượt qua được hầu như mọi khó chịu do cai thuốc lá. Ghi nhớ rằng việc hút lại dù chỉ một hơi sẽ làm bạn dễ nghiện trở lại.

Một năm sau cai thuốc lá: không hút thuốc 1 năm được coi là cai thuốc thành công. Tuy nhiên, thành công này không phải là vĩnh viễn, khả năng tái nghiện lúc nào cũng tồn tại. Vì vậy, hãy luôn ghi nhận lại những ích lợi của việc cai thuốc lá lâu dài mà bản thân bạn muốn gìn giữ. 

• NHỮNG THAY ĐỔI CỦA CƠ THỂ KHI TỪ BỎ HÚT THUỐC LÁ

Ngừng hút thuốc lá trong 20 phút: huyết áp và mạch giảm dần tới mức bình thường; sau 8 giờ lượng oxy trong máu trở về trạng thái bình thường, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim bắt đầu giảm, nhiệt độ ngoài da bắt đầu tăng; sau 24 giờ lượng CO trong máu bắt đầu được đào thải, phổi bắt đầu quá trình tự làm sạch và phản xạ ho tăng để thải đờm. Sau 48 giờ cảm giác ngon miệng và mùi vị bắt đầu được cải thiện. Sau 1 tuần không hút thuốc lá giấc ngủ trở lại bình thường. Sau 2 tuần đến 3 tháng sự lưu thông máu trong cơ thể và chức năng thông khí được cải thiện. Từ 1 đến 9 tháng ngừng hút thuốc lá, các triệu trứng như: ho, tiết dịch nhầy, mệt mỏi, khó thở giảm; nhung mao của tế bào niêm mạc phế quản trở lại hoạt động bình thường, giảm tốc độ suy chức năng thông khí đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Kết quả sau 1 đến 2 năm cai thuốc lá: Nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 20-50%; giảm tỷ lệ bệnh tái phát và tăng tỷ lệ thành công trong điều trị, phẫu thuật mạch vành. Sau 5 năm nguy cơ bị đột quỵ giảm tới mức như người không hút thuốc sau 5-15 năm cai thuốc. Sau 10 năm không hút thuốc lá nguy cơ tử vong do ung thư phổi giảm một nửa so với người tiếp tục hút; các nguy cơ ung thư miệng, họng, thực quản, bàng quang, thận, tuỵ cũng sẽ giảm; tốc độ di căn của ung thư chậm hơn so với người hút.

Lưu ý: Cai thuốc lá gây thèm ăn và ăn nhiều hơn do các vị giác, khứu giác họat động tốt hơn. Người cai thuốc lá thấy ăn ngon miệng hơn. Người cai thuốc lá có thể tăng từ 3 - 4 kg. Lưu ý chế độ ăn đúng mức, tránh ăn nhiều đường, mỡ, kết hợp với tập thể dục đều đặn thì hoàn tòan có thể ngăn ngừa tăng cân. Cai thuốc lá ngay lập tức có thể dẫn đến thiếu nicotine đột ngột làm xuất hiện cảm giác cáu gắt, bứt rứt, mất ngủ. Bạn đừng quá lo lắng, cảm giác này thông thường sẽ xuất hiện trong từ 24 giờ sau khi cai thuốc lá, nặng lên trong 1 tuần đầu tiên và giảm dần trong thời gian 4 - 6 tuần sau cai thuốc lá.