(LĐ online) - Ngày 18/7, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban, dẫn đầu có buổi làm việc với UBND huyện Đức Trọng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo. Ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, đồng chủ trì buổi làm việc.
Chủ trì buổi làm việc |
Hiện nay, khối trường thuộc UBND huyện Đức Trọng gồm có 72 trường bậc mầm non, tiểu học, THCS (63 trường công lập, 9 trường tư thục). Năm 2024, toàn ngành được giao 2.021 biên chế và 78 hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ. Số lượng người làm việc của các trường thuộc UBND huyện hiện nay là 2.278 người (công lập: 2074; tư thục: 204). Toàn ngành hiện có 984 đảng viên (đạt tỉ lệ 44,7%).
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Trong những năm qua, huyện đã kịp thời triển khai, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo như: Luật Giáo dục 2019, Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức 2019, Luật Công đoàn năm 2013, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Bộ luật Lao động năm 2019… Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giáo dục - đào tạo và nhà giáo, tạo điều kiện cho các giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong xã hội.
Thành viên đoàn giám sát phát biểu ý kiến |
Ngành Giáo dục huyện được các cấp quan tâm, tăng cường các nguồn lực đầu tư; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục tại cơ sở; thẩm định và trình cấp có thẩm quyền kiểm tra, công nhận mới kiểm định chất lượng giáo dục và trường chuẩn quốc gia đối với các trường học...
Quang cảnh hội nghị |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà giáo trên địa bàn. Đồng thời, đề xuất một số nội dung liên quan đến sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo; về vai trò, vị thế của nhà giáo; về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; về các vấn đề khác cần quan tâm thể chế hóa trong Luật, như bảo đảm môi trường làm việc an toàn, văn hóa trong nhà trường; về cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của nhà giáo... cần cụ thể hóa vào Luật để có sự thống nhất khi thực hiện...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin