(LĐ online) - Chiều nay, 23/7, đoàn công tác của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh do PGS-TS-BSCKII Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Tham gia đoàn công tác còn có các thành viên của Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.
PGS-TS-BSCKII Nguyễn Vũ Trung -Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc |
Về phía Lâm Đồng có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học - Công nghệ; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; Phòng Y tế và lãnh đạo các đơn vị trong ngành Y tế Lâm Đồng.
• KHÓ KHĂN TRONG PHÒNG CHỐNG SXH Ở VÙNG TRỒNG DÂU NUÔI TẰM
Theo báo cáo của Sở Y tế Lâm Đồng, khó khăn trong công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) tại Lâm Đồng là chưa có giải pháp hiệu quả phòng chống SXH ở vùng trồng dâu nuôi tằm do không thể phun hóa chất diệt muỗi. Toàn tỉnh có 9.706 ha đất trồng dâu nuôi tằm, tập trung chủ yếu ở huyện Lâm Hà 3.620 ha, Đức Trọng là 1.646 ha, Đạ Tẻh 1.522 ha, Bảo Lộc 771 ha, Di Linh 672 ha, Bảo Lâm 569 ha.
BSCKII Nguyễn Đức Thuận -Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng phát biểu cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH |
Khó khăn tồn tại trong công tác phòng chống SXH tại Lâm Đồng là chiến dịch diệt quăng chưa đạt hiệu quả do ý thức của người dân chưa cao, công tác xử lý lăng quăng tại các hộ dân, cộng đồng chưa được đồng bộ, chưa duy trì thường xuyên và triệt để. Một số công trình, bãi đất trống không có người ở xen lẫn trong khu dân cư không được quản lý, thu gom vật chứa, rác thải, cũng là một yếu tố nguy cơ làm lây lan SXH. Tại một số huyện như Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông, Bảo Lâm, TP Bảo Lộc các ổ dịch nằm rãi rác trong khu vực trồng dâu nuôi tằm, không thể xử lý bằng hình thức phun hoá chất diệt muỗi, bên cạnh đó hoạt động diệt lăng quăng chưa thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên do đó hiệu quả xử lý ổ dịch còn chưa cao.
Một số ổ dịch được xử lý bằng hình thức phun hóa chất tuy nhiên tỷ lệ phun chưa đạt 100% số hộ trong vòng bán kính 200m. Hoạt động phun hóa chất diệt muỗi tại một số địa phương gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại khu vực nội thành và các xã, thị trấn vùng ven; người dân đi làm vắng nhà; người dân từ chối phun do vẫn còn lo ngại về việc phun hóa chất.
BSCKII Trịnh Văn Quyết - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng báo cáo tình hình SXH tại Lâm Đồng |
Tình hình sốt xuất huyết tại Lâm Đồng đến ngày 22/7/2024 ghi nhận 3.877 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2.147 ca so với cùng kỳ năm 2023. Số ca mắc Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tập trung chủ yếu tại 6 huyện, thành phố: Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm (chiếm 92,8% số ca bệnh của toàn tỉnh).
Trong đó, TP Bảo Lộc có số ca mắc SXHD cao nhất tỉnh chiếm 38,5% số ca mắc toàn tỉnh; năm 2024 ghi nhận 1.485 ca mắc, tăng 1.374 ca so cùng kỳ 2023.
Số ca mắc/100.000 dân trong 2024 cao gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2023, tăng 1,7 so với trung bình số mắc/100.000 dân giai đoạn 2018-2022. Tại tỉnh Lâm Đồng, số ca mắc SXHD chủ yếu là nhóm tuổi >15 tuổi, cao nhất ở nhóm 30-49 tuổi chiếm 30,8%, số mắc SXHD thấp nhất tại nhóm tuổi <1 tuổi (chiếm 0,5%). Hiện toàn tỉnh ghi nhận 17 ca mắc SXHD nặng tập trung tại nhóm 30 -49 tuổi chiếm 47%, thành phố Bảo Lộc có số ca SXHD nặng cao nhất (6 ca), trong năm 2024 cũng ghi nhận 1 ca tử vong tại TP. Bảo Lộc.
Lãnh đạo TP Bảo Lộc phát biểu về công tác phòng chống SXH tại địa phương có ca mắc cao nhất tỉnh |
• DỰ BÁO TÌNH HÌNH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT TIẾP TỤC Ở MỨC CAO
Số ca mắc SXHD tại tỉnh Lâm Đồng có xu hướng tăng cao qua từng năm (trừ năm 2021 do tình hình dịch COVID-19), năm 2024 có số mắc cao đột biến, 12/12 huyện, thành phố ghi nhận ca bệnh, số ca mắc ở ngưỡng cao ngay từ đầu năm (những tháng mùa khô). Dự báo tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận ở mức cao trong năm 2024 và những năm tiếp theo với các lý do: SXH gia tăng trong bối cảnh chung của tình hình bệnh trên thế giới và Việt Nam. Tình hình dịch bệnh SXH phụ thuộc nhiều vào yếu tố như thời tiết, khí hậu, lượng mưa trong năm. Sự biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Đặc biệt, nền nhiệt độ của tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện thuận lợi cho quần thể muỗi Aedes phát triển.
Chuyên gia của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhận định về tình hình SXH tại Lâm Đồng hiện đang đứng đầu các tỉnh phía Nam về số ca mắc và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới |
Các hoạt động chống dịch tại các ổ dịch còn nhiều khó khăn, chưa được triệt để, hiệu quả còn thấp, do chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của người dân và cộng đồng thông qua các hoạt động diệt lăng quăng, loại trừ các ổ lăng quăng, ý thức tham gia các hoạt động phòng chống dịch của một số người dân còn chưa cao. Chưa có định mức chi thuê nhân công phun hóa chất xử lý ổ dịch, các hoạt động hỗ trợ cho chiến dịch diệt lăng quăng tại cộng đồng. Type vi rút lưu hành tại tỉnh chủ yếu là DEN-2 với độc lực cao nên tỷ lệ ca nặng sẽ tăng, cần tiếp tục nâng cao năng lực điều trị, chẩn đoán sớm, hạn chế tử vong do SXHD.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc |
Tại 11/12 huyện, thành phố có ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết ( trừ huyện Lạc Dương), trong đó tỷ lệ xử lý ổ dịch bằng phun hóa chất cao tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai. Tổng số ổ dịch trên địa bàn tỉnh đến 22/7 có 947 ổ dịch, 100% ổ dịch phát hiện đều được xử lý. Trong đó, 396 ổ dịch được xử lý bằng hình thức phun hóa chất kết hợp diệt lăng quăng chiếm 41,8%; 551 ổ dịch được xử lý bằng hình thức diệt lăng quăng chiếm 58,2%.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết chưa có công trình nghiên cứu về các biện pháp xử lý hóa chất phòng SXH trong vùng trồng dâu nuôi tằm |
Sở Y tế Lâm Đồng kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nghiêm túc, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXH; thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, các vụ, cục, Bộ Y tế trong công tác phòng, chống SXH. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là cán bộ công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống SXH, diệt muỗi và lăng quăng, bọ gậy tại cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và địa bàn nơi cư trú. Thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ...). Giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Chủ động chuyển đổi hình thức xử lý dịch sang quy mô lớn hơn để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch, ngăn chặn sự lây lan bệnh. Có chính sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ tham gia công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các địa phương.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp Phòng Y tế tiếp tục tham mưu UBND huyện, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - chính trị xã hội trên địa bàn quvết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, triển khai hiệu quả các chiến dịch diệt lăng quăng. Xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài trên địa bàn. Thành lập các đội xung kích diệt lăng quăng, phòng chống sốt xuất huyết, phân công rõ vai trò, nhiệm vụ của các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp đối với các hoạt động đáp ứng phòng chống dịch SXH. Đề xuất UBND các xã, phường, thị trấn ký cam kết với tổ dân phố với từng hộ gia đình thực hiện diệt lăng quăng phòng chống SXH tại hộ gia đình và khu dân cư. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị để phục vụ cho hoạt động cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân, xây dựng và triển khai phương án phân tuyến điều trị bệnh nhân, duy trì việc hội chẩn với tuyến trên, chuyển tuyến kịp thời hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do SXH.
• LẤY THỊ TRẤN NAM BAN (LÂM HÀ) LÀM THÍ ĐIỂM ĐỂ TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP CAN THIỆP TOÀN DIỆN PHÒNG CHỐNG SXH
Lãnh đạo Phòng Y tế huyện Lâm Hà phát biểu về công tác phòng chống SXH tại địa phương |
Tại buổi làm việc, chuyên gia của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhận định về tình hình SXH tại Lâm Đồng hiện đang đứng đầu các tỉnh phía Nam về số ca mắc và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tình hình dịch SXH nguy cơ phức tạp, địa phương cần có cam kết mạnh mẽ hơn trong công tác này. Qua kiểm tra giám sát thực tế của đoàn công tác tại Bảo Lộc, Lâm Hà, đoàn đã đánh giá thực trạng khó khăn trong công tác phòng chống SXH tại Lâm Đồng là không có giải pháp tối ưu trong vùng trồng dâu nuôi tằm và chưa có định mức chi cho công tác phòng chống bệnh SXH tại địa phương. Cần năng cao năng lực chẩn đoán bệnh SXH, tùy theo nguồn lực sẵn có cần thiết lập hệ thống chẩn đoán tại chỗ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên xét nghiệm mẫu cho Lâm Đồng.
PGS-TS-BSCKII Nguyễn Vũ Trung -Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cần tăng cường phối hợp với Viện Viện trong công tác phòng chống SXH. Đặc biệt lấy Thị trấn Nam Ban (Lâm Hà) làm thí điểm để triển khai các biện pháp can thiệp toàn diện phòng chống SXH. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh mong muốn việc tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm này cần có sự chỉ đạo của Bộ Y tế nhằm cam kết mạnh mẽ trong phòng chống dịch SXH, để sau này Nam Ban trở thành mô hình nhân rộng trong cả nước. Đây là sự cần thiết có mô hình can thiệp toàn diện, thể hiện sự cam kết rất cao của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh với tỉnh Lâm Đồng trong công tác phòng chống SXH.
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thay mặt lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác |
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thay mặt lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác. Xác định 4 nguyên nhân cơ bản và các giải pháp; tổ chức chủ động các điều kiện phòng chống SXH; tăng cường công tác tập huấn lực lượng tham gia phòng chống dịch, diệt lăng quăng tại cộng đồng. Đặc thù tỉnh Lâm Đồng sản xuất công nghiệp trong vùng đô thị và yếu tố chủ quan là vấn đề vệ sinh môi trường, vùng sản xuất dâu tằm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch SXH. Về định mức chi, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế phối hợp các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh về định mức chi để UBND tỉnh giao Sở Tài chính thực hiện, để không vì lý do thiếu kinh phí trong phòng chống dịch bệnh SXH.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung chống dịch SXH, không lơ là; trong đó, Chủ tịch UBND huyện, thành phố là người chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về công tác này. Nâng cao công tác tuyên truyền, mục tiêu tuyên truyền phòng chống dịch là trên hết, nâng cao ý thức trách nhiệm người dân trong phòng chống SXH. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng tiếp tục nghiên cứu các thuốc sinh học nhằm đảm bảo diệt muỗi vừa đảm bảo an toàn do vùng trồng dâu nuôi tằm vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng bày tỏ mong muốn Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm Lâm Đồng và thống nhất kiến nghị của Viện chọn Nam Ban làm thí điểm mô hình phòng chống SXH.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin