Ðam Rông: Chuyển đổi số để phát triển toàn diện

THÂN THU HIỀN 01:19, 09/08/2024

Là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống, huyện Đam Rông đã và đang triển khai, thực hiện đồng bộ công tác chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Bước đầu, địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, được người dân đồng tình, hưởng ứng tích cực.

Đoàn viên, thanh niên đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn bà con cài đặt các ứng dụng
Đoàn viên, thanh niên đến từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn bà con cài đặt các ứng dụng

TẬP TRUNG MỌI NGUỒN LỰC

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, thời gian qua, huyện Đam Rông đã thành lập 8 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 148 thành viên. Đối với tổ công nghệ số cộng đồng thôn, 53/53 thôn đã thành lập tổng số 412 thành viên nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp.

Tại Thôn 2 (xã Rô Men), nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn của tổ công nghệ số cộng đồng của thôn, đến nay, bà Long Dưng H Yông đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh để vào mạng internet cập nhật tin tức và ứng dụng nhiều nội dung trong chuyển đổi số. “Từ khi có điện thoại thông minh kết nối internet, tôi được các bạn thanh niên trong thôn hướng dẫn thực hiện các thao tác ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại”, bà H Yông chia sẻ.

Bà Phan Thị Cẩm - Bí thư Đảng ủy xã Rô Men cho biết: "Để bà con bắt nhịp chuyển đổi số, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền các lợi ích của việc chuyển đổi số đến với người dân thông qua nhiều hình thức như họp thôn, thông qua hệ thống loa truyền thanh và tổ công nghệ số cộng đồng... Qua đó, các thành viên trong tổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, trực tiếp hướng dẫn từng người dân theo cách “cầm tay chỉ dẫn” hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh".

Để việc chuyển đổi số được thực hiện tốt, huyện Đam Rông đã chuẩn bị và thực hiện tốt về mọi mặt; trong đó chú trọng nâng cao nguồn nhân lực cho chiến lược này thông qua công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Bởi huyện xác định nguồn nhân lực chính là nền tảng để thực hiện chiến lược chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất, nhanh nhất.

Ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đam Rông cho biết: Trên những cơ sở đó, huyện sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin tại địa phương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chuyển đổi số, nhất là tập trung tuyên truyền người dân giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các hoạt động mua bán, trao đổi, sản xuất...

• KHỞI SẮC QUA TỪNG CON SỐ

Minh chứng cụ thể, huyện Đam Rông phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Tính từ đầu năm đến ngày 30/6, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên địa bàn huyện là 9.221 hồ sơ; trong đó hồ sơ nộp theo hình thức dịch vụ công trực tuyến là 9.053 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,17%. Trong đó hồ sơ tiếp nhận trực tuyến một phần là 7.079 hồ sơ, hồ sơ trực tuyến toàn trình là 1.974 hồ sơ.

Trong thực hiện kinh tế số, huyện làm tốt công tác tuyên truyền người dân tham gia sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh đưa các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện lên sàn thương mại điện tử như: Trang thông tin điện tử nongsandalatlamdong.vn và postmart.vn. Hiện nay, đã có 18 sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử nongsandalatlamdong.vn và sàn thương mại điện tử postmart.vn.

Đối với xã hội số, 6 tháng đầu năm, tổng số nhân khẩu đã được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử là 59.283, đạt 98,8%; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện được công tác tra cứu thông tin khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân. Ngoài ra, kênh Đam Rông trực tuyến được tích hợp vào Trung tâm Điều hành thông minh IOC của huyện, kênh fanpage của UBND huyện, trang thông tin điện tử của huyện, các xã đã hoạt động hiệu quả giúp người dân có nhiều môi trường tương tác với chính quyền các cấp.

Xác định chuyển đổi số là một trong các nhiệm vụ quan trọng, huyện Đam Rông đã xây dựng kế hoạch, lên danh mục các nội dung cụ thể trong kế hoạch chuyển đổi số ở từng giai đoạn, từng năm. Mặc dù là huyện vùng sâu, vùng xa, dân cư phân bổ rải rác và có trên 65% người dân là đồng bào DTTS, nhưng huyện Đam Rông đã đạt được kết quả khởi sắc trong chuyển đổi số.

Minh chứng vừa qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố kết quả đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tỉnh Lâm Đồng năm 2023. Qua đó chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2023 của huyện Đam Rông đạt 719,43 điểm, xếp thứ 3 chỉ sau TP Đà Lạt và huyện Đạ Tẻh. Trong đó chỉ tiêu hoạt động kinh tế số là chỉ tiêu có sự chênh lệch điểm số cao nhất giữa các đơn vị có điểm số cao nhất và thấp nhất có khoảng chênh lệch điểm số rất cao. Cụ thể, huyện Đam Rông đạt số điểm cao nhất với 53,02 điểm, sau đó là huyện Lạc Dương, Lâm Hà.

Để chuyển đổi số trong thời gian tới đạt kết quả cao, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đam Rông khẳng định: "Ngoài khắc phục những khó khăn đã đặt ra trong thời gian qua, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trong người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào DTTS; tiếp tục rà soát, đầu tư cơ sở vật chất nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến. Đề xuất UBND tỉnh, Chính phủ quan tâm có biện pháp hỗ trợ cho người dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện các phương tiện, thiết bị thông minh để giúp người dân có phương tiện, thiết bị sử dụng các nền tảng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác chuyển đổi số tại địa phương…".