BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ VỀ PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN LẦN THỨ II:
Màu xanh công đoàn với đoàn viên vùng đồng bào DTTS (Bài 1)

DIỆP QUỲNH 05:58, 20/08/2024

Người lao động dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng - một tỉnh cao nguyên. Và, áo xanh công đoàn đã trở thành màu xanh thân thuộc, góp phần tạo nên môi trường làm việc thân thiện, xây dựng mái ấm cho người lao động. Những người con của núi rừng ngày càng  gắn bó với nhà máy, doanh nghiệp, góp phần xây dựng cao nguyên thêm giàu đẹp.

Bài 1: Công đoàn với những mái ấm

Lâm Đồng, mảnh đất Nam Tây Nguyên, với những buôn làng K’Ho, Churu, Mạ đang thay đổi mỗi ngày. Ở nơi ấy, bóng áo xanh công đoàn đang ngày càng đồng hành cùng những người công nhân, góp phần thay đổi cuộc sống.

Công nhân nữ DTTS chiếm số lượng đông đảo
tại Chi nhánh Công ty TNHH May mặc First Team Việt Nam (KCN Lộc Sơn)
Công nhân nữ DTTS chiếm số lượng đông đảo tại Chi nhánh Công ty TNHH May mặc First Team Việt Nam (KCN Lộc Sơn)

CÔNG ĐOÀN VỮNG BƯỚC ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐOÀN VIÊN NGƯỜI DTTS

Chị Nguyễn Huyền Yến Nhi - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Dalat Evergreen rất tự hào khi nhắc tới tổ chức Công đoàn, nơi chị vừa được vinh dự giữ vai trò Chủ tịch. Chị Yến Nhi cho biết, Công ty Evergreen hầu hết là công nhân trẻ với những anh chị em người dân tộc bản địa sống tại địa phương. Chị Yến Nhi thông tin: “Công ty TNHH Evergreen đóng chân trên địa bàn xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, chuyên sản xuất và xuất khẩu hoa cúc sang các thị trường nước ngoài. Công ty thành lập năm 2016, qua quá trình xây dựng, tới năm 2021, CĐCS của doanh nghiệp được thành lập. Thực tế, người lao động của Evergreen hầu hết là những lao động rất trẻ và chúng tôi rất tự hào đã góp phần xây dựng một tập thể mạnh mẽ”.

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Dalat Evergreen cho biết thêm, Công đoàn và Ban Giám đốc Công ty TNHH Evergreen đã cùng ngồi lại, triển khai nội dung liên quan tới đời sống của người lao động trong doanh nghiệp. Từ lương, thưởng, chế độ làm việc, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ thể thao cho người lao động cho tới học bổng khuyến học dành cho con em người lao động trong doanh nghiệp. Vì vậy, Công ty luôn đảm bảo được quân số làm việc, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, Evergreen yên tâm tiếp nhận những đơn hàng xuất khẩu.

Với chị Păng Ting Xuyên - Trưởng nhóm phụ trách Tổ chăm sóc chia sẻ, Công ty TNHH sản xuất Bejo Việt Nam, chị cũng như hầu hết anh chị em công nhân trong Công ty Bejo là người K’Ho ở Lâm Hà, sinh sống tại xã Tân Văn, thị trấn Đinh Văn, nhất là bà con thôn Tân Lin, xã Tân Văn, địa bàn công ty đóng chân, luôn được sự ưu đãi của doanh nghiệp. Từ mức lương, chế độ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, học bổng cho con, công ty luôn chi trả mức cao nhất. Môi trường làm việc trong nhà kính cũng được chuẩn hoá với hệ thống tường nước, hệ thống thông gió cực mạnh khiến nhà kính mát hơn nhiệt độ ngoài trời từ 3-7 độ C.

• NHỮNG DOANH NGHIỆP ĐI ĐẦU TRONG CHĂM SÓC NGƯỜI LAO ĐỘNG

Cũng như Công ty Bejo, Evergreen và nhiều doanh nghiệp khác, rất nhiều doanh nghiệp Lâm Đồng sử dụng đông đảo lực lượng lao động người dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên. Điều đặc biệt, doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo và giữ chân người lao động, người lao động cũng rất gắn bó với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Đa - Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn, doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia nhiều năm cho biết, đóng chân trên địa bàn huyện Đức Trọng, có rất đông người lao động của công ty là  người dân tộc bản địa. Với sự đào tạo của doanh nghiệp, mức lương - thưởng phù hợp, anh chị em rất gắn bó với công việc, với doanh nghiệp. Và doanh nghiệp cũng nhận thấy rất rõ đóng góp của anh chị em trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với Công ty Cổ phần Viên Sơn, từ những ưu thế như: đãi ngộ xứng đáng, đào tạo cũng như bố trí những công việc phù hợp với người lao động đã giúp anh chị em yên tâm cống hiến.

Năm 2022, Lâm Đồng vinh dự có 2 doanh nghiệp được vinh danh Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động cấp Quốc gia. Đó là Công ty TNHH sản xuất Bejo Việt Nam và Chi nhánh Công ty TNHH May mặc First Team Việt Nam. Đây là hai doanh nghiệp có số đông người lao động là người dân tộc ít người, có chế độ đãi ngộ và chính sách rất tốt, gắn bó, đồng hành với người lao động. Năm 2024, Lâm Đồng có 3 doanh nghiệp được vinh danh, trong đó có Bejo tiếp tục giữ vững vị thế.

Ông Hoàng Liên - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng tự hào chia sẻ, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị của Lâm Đồng có người lao động thuộc các dân tộc ít người luôn ý thức rất rõ trách nhiệm xã hội cũng như nhận thức rõ vai trò của người lao động trong đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Hoàng Liên cho biết, với một tỉnh có dân số xấp xỉ 1,3 triệu dân, Lâm Đồng chỉ có trên 72 ngàn công nhân, viên chức, lao động, trong đó trên 3 ngàn là anh chị em các dân tộc bản địa. Tuy con số ít nhưng anh chị em đã đóng vai trò mạnh mẽ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cơ quan, đơn vị. Và tổ chức Công đoàn đã thực sự đồng hành cùng anh chị em, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp vững vàng, với một mái ấm cho người lao động. Ông thông tin, tổ chức Công đoàn đã làm rất hiệu quả nhiệm vụ cầu nối, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, vừa mang lại quyền lợi cho người lao động, vừa giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực ổn định, đảm bảo tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ dừng lại ở đảm bảo việc làm, thu nhập cho một số đông người lao động, các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn có đông người lao động thiểu số đã góp phần xây dựng nông thôn bền vững. Chị Nguyễn Thị Hồng Anh - Bí thư Đảng uỷ xã Tân Văn, huyện Lâm Hà nhận xét: “Bà con thôn Tân Lin, xã Tân Văn cũng như nhiều thôn khác đều có thu nhập ổn định khi làm công nhân tại Bejo Việt Nam. Đời sống của dân Tân Lin ổn định, đời sống khá hẳn lên khi cư dân trở thành những người công nhân trong doanh nghiệp”.    

(CÒN NỮA)