Cần tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đồng chí PHẠM THỊ PHÚC - ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY 01:35, 14/08/2024

Để Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thật sự là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, là cầu nối giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền với Nhân dân, thời gian qua, các cấp ủy Đảng luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát huy vị trí, vai trò và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Đoàn lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị
tham gia hoạt động dân vận tập trung tại vùng đồng bào DTTS
Đoàn lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị tham gia hoạt động dân vận tập trung tại vùng đồng bào DTTS

Cấp ủy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong tỉnh luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của MTTQ trong điều kiện hiện nay. Điều đó được thể hiện bằng những chủ trương, giải pháp của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động của Mặt trận trên tất cả các mặt như: chỉ đạo về nội dung, phương thức hoạt động; về công tác tổ chức - cán bộ; về lãnh đạo sự phối hợp hoạt động của Mặt trận trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở.

Các cấp uỷ Đảng luôn tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho Mặt trận hoạt động. Phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của Mặt trận trong việc kiện toàn tổ chức và đổi mới hoạt động của mình.

Ban Thường vụ cấp ủy luôn cho ý kiến chỉ đạo về những định hướng công tác lớn cho từng thời kỳ; về chương trình, nội dung hoạt động hàng năm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH); xây dựng quy định về sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng với Mặt trận. Chỉ đạo đảng đoàn Mặt trận xây dựng quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa các cơ quan chính quyền với Mặt trận, các tổ chức CTXH trong việc tổ chức triển khai các chủ trương lớn của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; về công tác dân vận ở địa phương; về công tác giám sát và phản biện xã hội; cho ý kiến về công tác cán bộ của Mặt trận và đoàn thể CTXH, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ của các tổ chức này; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho Mặt trận và các đoàn thể CTXH hoạt động; định kỳ hằng quý giao ban để nghe Mặt trận và các đoàn thể CTXH báo cáo kết quả hoạt động và các kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước.

Đồng thời chú trọng lãnh đạo phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể CTXH trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Các cấp chính quyền thực hiện tốt việc tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với Nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của Nhân dân; giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu kiện, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật.

Cùng đó là việc tập trung thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Các cấp uỷ Đảng thực hiện nghiêm túc việc giao ban định kỳ với Dân vận, Mặt trận và các tổ chức CTXH. Coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm rõ vị trí và mối quan hệ giữa Đảng và MTTQ Việt Nam với tư cách Đảng vừa là thành viên của MTTQ Việt Nam, đồng thời lãnh đạo MTTQ Việt Nam. Quy định cụ thể nhiệm vụ của người đại diện tổ chức Đảng trong MTTQ Việt Nam các cấp; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam trong việc tham mưu cho cấp ủy cùng cấp về công tác dân vận.

Cấp ủy luôn quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Mặt trận theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng. Thường xuyên làm tốt công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận.

Cấp ủy Đảng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, chỉ đạo các tổ chức đó cụ thể hóa để  thực hiện. Trên cơ sở đó, tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy một cách khoa học, gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả. Xây dựng quy chế làm việc và thực hiện nghiêm chỉnh quy chế đã được xây dựng.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng định rõ tiêu chuẩn, điều kiện cần có của người cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể. Đảng lựa chọn những cán bộ ưu tú của Đảng, có uy tín, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội sang làm công tác Mặt trận, đoàn thể. Cán bộ Mặt trận và các đoàn thể phải thực sự là người được Nhân dân tin yêu bởi năng lực và phẩm chất, bởi tác phong và lối sống mẫu mực. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ Mặt trận và đoàn thể. Đổi mới mạnh mẽ các khâu của công tác cán bộ: đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ, bảo đảm chọn và sử dụng đúng cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu MTTQ Việt Nam, các đoàn thể CTXH. Khắc phục căn bản tình trạng đưa cán bộ không có năng lực, phẩm chất, khó bố trí nơi khác để về cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức CTXH.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác Mặt trận của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị; lãnh đạo chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức CTXH để bảo đảm vị thế, tính độc lập trong thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và đại diện thật sự cho quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy trí tuệ của Nhân dân trong việc ban hành quyết sách.

Các tổ chức Đảng, đội ngũ đảng viên hoạt động trong Mặt trận và các đoàn thể CTXH là lực lượng chủ yếu có vai trò đặc biệt quan trọng, trực tiếp lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các đoàn thể CTXH thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đội ngũ đảng viên có chất lượng, phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu trong mọi hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CTXH.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, đường lối đại đoàn kết của Đảng; tăng cường phối hợp, chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện kết quả giám sát đã được Mặt trận và các tổ chức CTXH kiến nghị sau giám sát.

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, đường lối đại đoàn kết của Đảng, trước hết cần tập trung vào các giải pháp để toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội hiểu rõ về vai trò, vị trí của việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó MTTQ Việt Nam đóng vai trò nòng cốt. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MTTQ Việt Nam là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.