CHÀO MỪNG HỘI THẢO "BÁO CHÍ TUYÊN TRUYỀN THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI XANH":
Kinh nghiệm tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh

HỒNG HẢI - NAM VIÊN 00:43, 16/08/2024

Hơn 20 tham luận, ý kiến gửi tới Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XI năm 2024 đã nêu ra nhiều đề xuất, giải pháp hữu ích trong công tác tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh. Báo Lâm Đồng giới thiệu sơ lược kinh nghiệm tuyên truyền của một số báo về lĩnh vực này.

Nhà báo Uông Thái Biểu
Nhà báo Uông Thái Biểu

Nhà báo Uông Thái Biểu - Phụ trách Báo Nhân dân khu vực Tây Nguyên

BÁO CHÍ GÓP TIẾNG NÓI TÍCH CỰC VÀO TIẾN TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH

Những nghịch lý của quá trình phát triển đòi hỏi chúng ta phải thay đổi xu hướng và chuyển đổi xanh là một trong những cách mà cả nhân loại đều đang hướng tới. Tất nhiên, khi thế giới đã áp dụng điều này từ nhiều năm trước thì Việt Nam chỉ mới bắt đầu tiếp cận. Bởi vậy, những “định dạng”, “mô hình” và cách “kiến tạo” một nền kinh tế phát triển có sự tôn trọng, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên đang được khuyến khích. Trong đó, chúng ta ghi nhận những cơ sở sản xuất góp phần tái tạo môi trường hoặc ít thải khói bụi, xả khí thải carbon ở mức độ cho phép, hạn chế thấp nhất hiệu ứng nhà kính và sử dụng nguồn năng lượng không quá ảnh hưởng đến sự cân bằng của hệ sinh thái… 

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên được thiên nhiên ban tặng một hệ sinh thái tuyệt vời, có rừng, có biển, có tài nguyên mặt đất, mặt biển, dưới lòng đất và đáy đại dương. Nhiều năm qua, chúng ta đã khai thác thiếu khoa học, thiếu tôn trọng và có lúc lãng quên cả sự cân bằng cần có của tự nhiên. Phát triển nóng, đôi lúc bất chấp của nền kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, tạo nên những hệ lụy ở nhiều lĩnh vực và gây hại trực tiếp cho những sản phẩm của chúng ta làm ra. Sản phẩm sẽ mất giá khi sản xuất trong một không gian xâm hại tới thiên nhiên mà các định chế quốc tế đã quy định, mà cà phê canh tác trên đất rừng là một ví dụ. Bởi vậy, một nền kinh tế làm tốt quy trình chuyển đổi xanh sẽ hạn chế phần nào những tiêu cực đó.

Để tuyên truyền cho xu hướng chuyển đổi xanh, báo chí với vai trò của mình sẽ “bắc những nhịp cầu” từ các nhà quản lý, quy hoạch, hoạch định chính sách, khoa học đến với cộng đồng doanh nghiệp và người dân; và theo chiều ngược lại. Từ đó, chúng ta chuyển tải những thông tin rõ ràng cả từ hai phía, ngõ hầu khai mở những nội dung, luận chứng cụ thể của quá trình “chuyển đổi xanh”. Trong quá trình đó, báo chí cũng kịp thời phát hiện, biểu dương những mô hình tốt, những cách làm hay và mang lại hiệu quả. Những năm gần đây, trên các ấn phẩm, các nền tảng Báo Nhân dân cũng thiết kế nhiều tuyến thông tin tuyên truyền theo hướng này và đã được các cấp, các ngành và bạn đọc ghi nhận…  

 

Nhà báo Nguyễn Minh Ðức
Nhà báo Nguyễn Minh Ðức

• Nhà báo Nguyễn Minh Ðức - Tổng Biên tập Báo Hànộimới

BÁO CHÍ CẦN CHỈ RA CON ĐƯỜNG ĐỂ THỰC HIỆN THÀNH CÔNG CHUYỂN ĐỔI XANH

Sau COP 26 năm 2021 với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, quyết tâm thực hiện chuyển đổi xanh được Đảng, Nhà nước ta triển khai thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, cho đến nay, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và ngay cả trong hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước... hiểu, nắm rõ các vấn đề liên quan để triển khai thực hiện chuyển đổi xanh, dám chắc là còn mơ hồ. 

Thế nào là chuyển đổi xanh? Thực hiện chuyển đổi xanh nhằm mục đích gì? Lĩnh vực nào sẽ thực hiện chuyển đổi? Kinh tế xanh có phải tiên phong hay không? Đâu là mô hình, cách làm để chuyển đổi thành công? Nguồn lực ở đâu để thực hiện chuyển đổi? Vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong quá trình này thể hiện như thế nào?...

Hàng loạt vấn đề nêu trên cần được các cơ quan báo chí, nhất là hệ thống báo Đảng của chúng ta quan tâm tuyên truyền. Cái khó đối với các cơ quan báo chí là thông tin nguồn còn hạn chế, các khái niệm, vấn đề, mô hình, cách làm hoàn toàn mới đòi hỏi các nhà báo phải nghiên cứu chuyên sâu nhưng chuyển tải thông tin một cách dễ hiểu. Với nhiệm vụ truyền thông chính sách, sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước và hợp tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp, tôi tin rằng báo chí sẽ làm cho xã hội nhận thức sâu sắc, có quyết tâm cao từ nhiều bên để Việt Nam thực hiện thành công chuyển đổi xanh!

 

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn
Nhà báo Nguyễn Khắc Văn

• Nhà báo Nguyễn Khắc Văn - Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng

GÓP PHẦN NÂNG CAO NHẬN THỨC “XANH” TRONG DOANH NGHIỆP VÀ CỘNG ĐỒNG

Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã định rõ mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. 

Nhận diện vấn đề này từ rất sớm, ngay từ năm 2005, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP)đã xây dựng và triển khai công tác truyền thông “Xanh”. Trong đó, tập trung vào mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức “Xanh” trong doanh nghiệp và cộng đồng. 

Cụ thể, từ năm 2005, Báo SGGP đã thành lập chuyên trang Môi trường - Đô thị xanh. Đến năm 2006, Giải thưởng Doanh nghiệp Xanh được Báo SGGP tổ chức và sau đó được UBND TP Hồ Chí Minh ủng hộ mạnh mẽ, nâng lên thành giải thưởng cấp thành phố. Giải thưởng này cũng nhận được sự quan tâm tích cực từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tiếp đó, đến năm 2010, Chiến dịch Tiêu dùng xanh được Báo SGGP triển khai, góp phần hoàn thiện hoạt động truyền thông “Xanh” của Báo, với 3 trụ cột: Xây dựng Thương hiệu Xanh cho doanh nghiệp; Gia tăng nhận diện Doanh nghiệp xanh cho cộng đồng; Lan toả thông tin sâu rộng trong cộng đồng. 

Đến nay, hoạt động truyền thông Xanh của Báo SGGP được phát triển và mở rộng trên toàn bộ hệ sinh thái SGGP gồm các ấn phẩm báo in và báo online. Sự đa dạng về thể loại và ngôn ngữ của các ấn phẩm Báo SGGP là lợi thế và là thế mạnh để thông tin của báo lan toả sâu rộng đến doanh nghiệp và cộng đồng người dân. Cụ thể hơn, Báo đã thành lập chuyên mục Doanh nghiệp Xanh để xây dựng câu chuyện thương hiệu xanh; làm đầu mối kết nối và phát huy sức mạnh đa kênh truyền thông với các đơn vị truyền thông khác để tăng khả năng phủ sóng thông tin, hiệu ứng về chuyển đổi xanh trong cộng đồng.

Báo SGGP cũng kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp xanh và những doanh nghiệp cần hoàn thiện tiêu chuẩn xanh; ký kết với các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, MM Mega… để xây dựng và triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp xanh, nhằm gia tăng nhận diện người tiêu dùng với sản phẩm của doanh nghiệp xanh, từ đó, ưu tiên tiêu dùng sản phẩm này... 

Có thể nhấn mạnh rằng, hiện nay, mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân là một mảnh ghép xanh trong “tấm hộ chiếu” thông hành xanh. Muốn tấm hộ chiếu xanh trở nên “quyền lực”, cần có sự hợp lực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần để các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững phát triển mạnh mẽ hơn, hướng tới sự thay đổi bền vững hơn trong tương lai.

 

Nhà báo Huỳnh Kiên
Nhà báo Huỳnh Kiên

• Nhà báo Huỳnh Kiên - Tổng Biên tập Báo Gia Lai

TRUYỀN TẢI THÔNG TIN MỘT CÁCH HẤP DẪN, GIÚP BẠN ĐỌC DỄ TIẾP CẬN NHẤT

Những năm qua, Báo Gia Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh đến vai trò và tầm quan trọng của tiến trình chuyển đổi xanh, như tuyên truyền về cơ chế chính sách đột phá để tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo; các lĩnh vực chế biến nông sản áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật thân thiện với môi trường; tuyên truyền sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn chất lượng; công tác bảo vệ rừng; sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; công tác chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường; xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi xanh… 

Báo Gia Lai tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung để tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả hơn các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đồng thời, kết hợp sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau như báo in, báo điện tử, các nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook, youtube…) để lan tỏa thông điệp về chuyển đổi xanh. Đặc biệt, tận dụng sức mạnh của hình ảnh, video, infographics, e-magazine, podcast để truyền tải thông tin một cách hấp dẫn, gợi mở giúp bạn đọc dễ tiếp cận nhất.

Để lan toả, tạo ra một sự kết nối với cộng đồng rộng lớn, thì việc tìm kiếm sự hợp tác với các cơ quan báo chí và phương tiện truyền thông địa phương trong khu vực Tây Nguyên nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền là rất quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, việc tổ chức các chương trình talkshow, gặp gỡ với sự tham gia của các chuyên gia, nhà lãnh đạo và các bên liên quan trong tiến trình chuyển đổi xanh nhằm truyền tải thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích sự giao lưu và tạo ra mạng lưới liên kết giữa các đối tác và cộng đồng cũng sẽ mang lại hiệu quả lớn đối với công tác tuyên truyền…

 

Nhà báo Nguyễn Khánh Minh
Nhà báo Nguyễn Khánh Minh

Nhà báo Nguyễn Khánh Minh  - Tổng Biên tập Báo Phú Yên

GÓP PHẦN NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI DÂN VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Báo Phú Yên đã xây dựng kế hoạch và triển khai tuyên truyền đậm nét, với mục đích nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư về vai trò, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi hành vi và có những hành động thiết thực để đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường.

Báo Phú Yên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường mở chuyên mục “Vì môi trường Phú Yên xanh - sạch - đẹp”; phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường với mục tiêu đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Báo Phú Yên cũng thường xuyên đồng hành với các địa phương truyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp, chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từng bước tăng tỉ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm hạn chế tối đa chất thải thải ra môi trường…

Thời gian qua, Phú Yên phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước triển khai hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên. Ngoài ra, triển khai nhiều bài viết theo Đề án “Phú Yên xanh” mà tỉnh đang triển khai, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực và có sự lan tỏa rộng rãi.

 

Nhà báo Nguyễn Ðức Nam
Nhà báo Nguyễn Ðức Nam

• Nhà báo Nguyễn Ðức Nam - Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng

DÀNH NHIỀU “ĐẤT” TUYÊN TRUYỀN CHUYỂN ĐỔI XANH

Thời gian qua, Báo Đà Nẵng đã dành nhiều thời lượng để tuyên truyền về biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường... Đặc biệt là ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ số để thực hiện các bản tin cập nhật về bão, lũ, ngập lụt, mưa lớn, chống hạn hán và thiếu nước, nhiễm mặn... 

Bên cạnh có nhiều tin, bài viết trên báo in hằng ngày, cuối tuần, báo điện tử (video, inforgraphics, multimedia...) trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, Báo Đà Nẵng cũng dành “đất” để tuyên truyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đặc biệt, có đến 3 chuyên trang tuyên truyền hằng tháng về lĩnh vực bảo vệ môi trường gồm: “Thành phố môi trường”, “Môi trường đô thị”, “Vì thành phố xanh, sạch, đẹp”. Ngoài ra, còn có chuyên mục thông tin “Xây dựng nếp sống văn hóa - đô thị” với nhiều phản ánh về tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường tại các địa bàn dân cư.

Một điểm sáng trên Báo Đà Nẵng là dung lượng khá lớn tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu sử dụng và thải bỏ tài nguyên. Báo Đà Nẵng cũng tuyên truyền đậm nét về các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ kinh phí lẫn kinh nghiệm, kỹ thuật từ các tổ chức, địa phương Nhật Bản như: JICA, Yokohama... để giúp Đà Nẵng phát triển theo mô hình của thành phố môi trường tiêu biểu của Nhật Bản (Yokohama) lẫn trung hòa carbon, giảm phát thải carbon. Các mô hình, chương trình của KOICA, USAID, GEF, UNDP, CCBO, WB, ADB... cũng được tuyên truyền nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh gắn với ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

 

Nhà báo Nguyễn Quang Nhật
Nhà báo Nguyễn Quang Nhật

• Nhà báo Nguyễn Quang Nhật  - Tổng Biên tập Báo Ninh Thuận

TUYÊN TRUYỀN TẠO ĐỒNG THUẬN VỚI CHỦ TRƯƠNG CHUYỂN ĐỔI XANH

Báo Ninh Thuận xác định công tác tuyên truyền về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế, thúc đẩy Ninh Thuận phát triển bền vững. Báo đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nhóm, ngành trụ cột tăng trưởng xanh được tỉnh xác định: Đề án xây dựng, phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; Du lịch; Độ che phủ rừng; Nông nghiệp công nghệ cao gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; Đề án chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp; kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả... 

Để công tác tuyên truyền tăng trưởng xanh đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, Báo Ninh Thuận đã tiên phong trong công tác tuyên truyền, xây dựng và duy trì thường xuyên chuyên mục về tăng trưởng xanh, đồng thời tăng cường số lượng và chất lượng tuyên truyền nội dung về tăng trưởng xanh trên các ấn phẩm báo in và báo điện tử. Công tác tuyên truyền đảm bảo thường xuyên, liên tục, đúng trọng tâm, trọng điểm đến các tầng lớp cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp, từng hộ dân để Nhân dân hiểu và đồng thuận với chủ trương chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. 

Báo Ninh Thuận không chỉ là cầu nối mà còn đóng vai trò chủ đạo, tích cực trong việc tuyên truyền, tích cực quảng bá những mô hình tốt trong sản xuất, kinh doanh bền vững của nền kinh tế và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để cùng thực hiện phát triển bền vững, góp phần xây dựng một tương lai xanh cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

 

Nhà báo Ngô Quang Tự
Nhà báo Ngô Quang Tự

• Nhà báo Ngô Quang Tự - Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa
ĐỔI MỚI HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN, LAN TỎA ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI XANH 

Thúc đẩy chuyển đổi xanh là một trong những nội dung quan trọng mà Ban Biên tập Báo Thanh Hóa định hướng các phòng chuyên môn tăng cường nghiên cứu, tuyên truyền. Về mặt nội dung, cùng với tôn vinh những giải pháp ứng dụng công nghệ mới, các sáng kiến, hiến kế, điển hình, mô hình khởi nghiệp với định hướng chuyển đổi xanh, thân thiện với môi trường, Báo Thanh Hóa cũng dành dung lượng tuyên truyền các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước. 

Đặc biệt, ngoài chú trọng về nội dung, hình thức tuyên truyền là một vấn đề được Báo Thanh Hóa quan tâm, sao cho thông điệp truyền thông không bị nhàm chán và đạt hiệu quả lan tỏa nhanh chóng, tích cực. Cùng với các thể loại báo chí truyền thống, những năm gần đây, Báo Thanh Hóa liên tục đổi mới, đa dạng loại hình, thể loại báo chí khi tuyên truyền nói chung và vấn đề chuyển đổi xanh nói riêng. Ngoài báo in, thì báo điện tử chính là “mũi nhọn” để Báo Thanh Hóa có cơ hội phát huy thế mạnh, tạo sức hấp dẫn khi tuyên truyền chủ đề này. 

Báo Thanh Hóa điện tử tích hợp nhiều thể loại, loại hình báo chí, trong đó chú trọng đầu tư về công nghệ để sản xuất các tác phẩm có hình thức thể hiện đẹp, phong phú, bắt mắt, có hiệu quả tuyên truyền trực quan cao như: tin, bài đa phương tiện, video clip, e-magazine, longform, infographic... Với lĩnh vực tuyên truyền về chuyển đổi xanh, khi một bộ phận độc giả, khán giả còn mơ hồ về thuật ngữ này, việc đầu tư, thể hiện thông điệp bằng các hình thức có tính trực quan này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.