Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” do Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện nhằm chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái vì con người trong cộng đồng.
Các tình nguyện viên trao phiếu đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người cho Hội CTĐ Lâm Đồng |
Theo Bộ Y tế, ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ 20. Mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều. Trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng trong nước đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc đó chính là nhờ ba nhân tố chủ yếu: Chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế; đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.
Ghép tạng là cứu cánh cuối cùng để dành lại sự sống cho những bệnh nhân mà không có lựa chọn nào khác. Thực tế tại Việt Nam và trên thế giới hiện có nhiều người đang khắc khoải sống hàng giờ, hàng ngày chờ được ghép tạng để giành lại sự sống. Nhu cầu ghép tạng trên thế giới và của Việt Nam là rất lớn và ngày càng tăng. Trên thế giới hàng năm có 59 triệu người chết do nhiều nguyên nhân, nhu cầu cần có ít nhất là 1 triệu người hiến tạng/năm, riêng năm 2023 có 39.357 người hiến tạng (đạt 3,9%) và có 164.840 người bệnh được ghép tạng. Ở nước ta có số người đăng ký hiến tạng và số người hiến tạng sau chết vào loại thấp nhất thế giới, với tỷ lệ 0,1 người/1 triệu dân. Cho đi là còn mãi - Gia đình của người hiến tạng vẫn nghe thấy tiếng tim đập đầy yêu thương, lan tỏa năng lượng từ bi của người thân đã qua đời trên cơ thể và sự sống hồi sinh của người được ghép tạng. Người hiến tạng đã làm nghĩa cử cao đẹp nhất sau khi từ giã cõi đời là cứu sống người khác.
Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi” có ý nghĩa nhân văn, sâu sắc nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Ghép mô, tạng được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là một trong những phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Việc cấy ghép tế bào, mô hoặc cơ quan của con người cứu được nhiều mạng sống và phục hồi các chức năng thiết yếu mà không có giải pháp thay thế nào có hiệu quả tương đương. Hằng năm, trên thế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng; số lượng người bệnh chỉ định ghép mô, tạng ngày càng gia tăng qua các năm.
Tại Việt Nam, qua 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào tháng 6/1992 đến nay, ngành Y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, các công nghệ, kỹ thuật ghép tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển trên thế giới. Hiện nay, trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công; ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy. Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, Việt Nam là nước Đông Nam Á duy nhất có số lượng ghép tạng mỗi năm cao.
Hưởng ứng chương trình nhân ái này, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức phát động chương trình hiến mô, tạng để mang lại cơ hội sống cho người bệnh. Ông Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Vận động người dân đăng ký và hiến mô, tạng là một trong 7 nhiệm vụ của Hội CTĐ Việt Nam nói chung và Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Hội CTĐ tỉnh xác định đây là trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội trong năm 2024. Hiện nay, tại các bệnh viện có hàng ngàn, hàng vạn người bệnh đang mòn mỏi mong được kéo dài sự sống và nhìn thấy ánh sáng; để tiếp tục có nguồn mô, tạng, kịp thời cứu sống hàng ngàn người bệnh đang mong chờ được ghép mô, tạng; chỉ có một cách duy nhất đó là vận động người dân không may bị chết - chết não tình nguyện hiến mô, tạng. Hội CTĐ Lâm Đồng phát động tới toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên CTĐ và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh cùng chung tay với Hội CTĐ đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về ý nghĩa cao đẹp của hành động hiến mô, tạng; để mỗi người trong cộng đồng nhận thức sâu sắc hơn, đi tới hành động cùng nhau đăng ký và quyết định hiến tặng mô, tạng khi không may qua đời (hoặc chết não); nếu làm được như thế sẽ mang lại cơ hội sống cho rất nhiều người bệnh.
Điều đặc biệt và cao đẹp hơn cả của hành động hiến mô, tạng là sẽ lan tỏa tính nhân đạo, nhân văn, tình thương yêu con người và gửi tới mọi người trong xã hội các giá trị nhân đạo như: Khi khỏe mạnh thì thi đua học tập, công tác, lao động, xây dựng gia đình, quê hương, và chia sẻ yêu thương với người khó khăn, hiến tặng máu cho người bệnh; lúc không may qua đời thì trao tặng cái quý nhất còn lại của mình, góp phần mang lại ánh sáng cho người mù và nối dài sự sống cho nhiều người bệnh. Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tiếp nhận người đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người để cùng ngành Y tế hồi sinh sự sống cho nhiều người bệnh.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, tình nguyện viên Hội CTĐ Phường 10 (Đà Lạt) đã tự nguyện hưởng ứng đăng ký hiến mô, tạng trong buổi lễ phát động hiến mô, tạng kêu gọi mọi người dân cùng hưởng ứng đăng ký hiến mô, tạng - là hành động cao quý nhất - dù có chết đi cũng vẫn còn có ích cho người, cho đời. Vấn đề hiến mô, hiến tạng, hiến xác nhân đạo cho y học đã nhận được nhiều sự chú ý, quan tâm, ủng hộ của người dân cả nước. Đối với người hiến mô, tạng trong trường hợp lý tưởng, một người hiến tạng có thể cứu được 8-10 người bệnh mang ý nghĩa nhân văn “Cái chết phục vụ sự sống”. Và ngay từ khi quyết định, người tình nguyện cũng phải sống lành mạnh hơn, giữ cho thân thể luôn mạnh khỏe để tốt hơn cho người tiếp nhận. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để ngày càng có nhiều người tham gia đăng ký hiến mô - hiến tạng - hiến xác.
Ngay trong buổi lễ phát động đã có hơn 15 người đăng ký hiến mô, tạng trực tiếp và một số tình nguyện viên mang tờ đăng ký hiến mô, tạng về để tiếp tục suy nghĩ về quyết định này. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội CTĐ tỉnh đã vận động người dân tham gia chương trình đăng ký hiến mô, hiến xác, kết quả đã có 13 người đã đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin