Chương trình Âm vang cao nguyên của Đoàn Lâm Đồng ghi dấu ấn đẹp tại Quảng Ngãi

QUỲNH UYỂN 15:42, 04/08/2024

(LĐ online) - Là một trong 3 hoạt động chính của Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại Quảng Ngãi, Cuộc thi dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc và trình diễn trang phục truyền thống đã diễn ra đậm đà bản sắc.

Các nghệ nhân biểu diễn cống hiến

Giữa gần 120 tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc cùng gần 300 bộ trang phục truyền thống các dân tộc anh em, đoàn nghệ nhân dân tộc K’Ho Lâm Đồng đã mang đến Hội thi chương trình nghệ thuật chủ đề “Âm vang cao nguyên” với 5 tiết mục được dàn dựng công phu, biểu diễn cống hiến.

Có thể kể các tiết mục: Prơ Cing (Lời chiêng – Karajan Dick phát triển dân ca K’Ho, tốp ca nam nữ trình bày); Tir lơi (Lời tỏ tình – Dân ca K’Ho, nghệ nhân Ka Dih trình bày và tốp hoạt cảnh phụ họa); Cing Yo (Đấu chiêng đôi – Dân nhạc K’Ho, nghệ nhân ưu tú K’Bes, K’Ken, K’Binh hợp tấu); Đêh kô (Nhắn gửi yêu thương – Dân ca K’Ho, Rơ Ông K’Gem đơn ca); Liên khúc Pép tur jun – Linh leo (Đi săn – Dân ca K’Ho, K’Thế đơn ca và tốp múa xoang phụ họa) và trình diễn 8 bộ trang phục truyền thống của nam, nữ K’Ho.

Tiết mục Lời tỏ tình

Các làn điệu dân ca đồng dao, hát giao duyên, hát kể với lời ca mộc mạc, nguyên gốc của đồng bào K’Ho được sưu tầm, tôn trọng nguyên bản, biểu diễn theo đúng không gian sinh hoạt văn hóa của nó.

Người K’Ho theo hôn nhân mẫu hệ, phụ nữ có quyền chủ động trong tình yêu. Với lối hát kể mộc mạc, nghệ nhân Ka Dih đã bày tỏ lời yêu (Tir lơi) với chàng trai mình thích bằng lời hát luyến láy thiết tha:

"Anh hỡi, hôm qua anh có ngủ được không

Cái bụng em đã ưng anh lắm rồi

Em mong anh gần bên em, nơi nhà sàn nhỏ bé này

Em thương anh như con cá có đôi, như hai con nai đang gặm cỏ

Nương của em bên thác, rẫy của anh bên đôi

Cái bụng em và bụng anh có đôi

Anh mãi mãi là của em…”.

Tiết mục Lời chiêng

Tiết mục Prơ Cing (Lời chiêng) gây ấn tượng bởi tinh thần biểu diễn của 4 nghệ nhân trẻ, tiếng chiêng vang vọng hòa vào lời hát, nhịp điệu, thúc giục các chàng trai, cô gái của núi rừng Lang Biang luôn say mê với điệu múa lời ca.

Tiếng chiêng gắn bó với họ từ lúc chào đời bằng lễ thổi tai, tiếng chiêng theo họ lớn lên qua từng mùa rẫy, từng mùa lễ hội gắn với vòng đời cây lúa, tiếng chiêng đưa tiễn họ khi trở về với đất mẹ…

Tiết mục đấu chiêng đôi Cing Yo của nghệ nhân ưu tú K'Bes và K'Ken

Hòa tấu nhạc cụ dân gian Tây Nguyên là sự mô phỏng giai âm của thiên nhiên, tiếng suối, tiếng mưa, tiếng gió, tiếng nước, tiếng chim gọi bầy, tiếng muông thú gọi bạn…

Những âm thanh của trống da trâu, tre, nứa hòa điệu cùng cồng chiêng, khi thánh thót, lúc trầm hùng như tiếng của lòng người kết nối với đấng siêu nhiên, thần linh.

Không phải là bộ chiêng 6 truyền thống mang 6 thang âm thanh do 6 người hòa tấu, Cing Yo là cuộc “đấu chiêng” tay đôi của 2 nghệ nhân.

Cing Yo thực chất là một cuộc chơi đầy ngẫu hứng sáng tạo của hai nghệ nhân nắm vững âm luật. Trong cuộc chơi đó, người nọ dùng tiếng chiêng để “chọc ngang” người kia. Họ thi nhau đánh chiêng để cho người kia mất phương hướng về âm điệu, trở nên loạn nhịp không thể đánh được, không thể làm chiêng cất lời, mà đành chịu thua.

Phần thưởng cho người chiến thắng là những ánh mắt ngọt ngào thán phục của các thiếu nữ và cả cộng đồng.

Hai nghệ nhân ưu tú K’Bes và K’Ken đã trình diễn cuộc đấu chiêng đôi Cing Yo đầy hấp dẫn tại hội thi.

Tiết mục Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Nhắn gửi yêu thương – Dân ca K’Ho do nghệ nhân Rơ Ông K’Gem trình bày đã xuất sắc được chọn công diễn vào lễ bế mạc Hội thi. Với giai điệu thiết tha, đằm thắm, bài hát là tiếng lòng của người đang yêu nhắn gửi lời người mình yêu thương.

“Đàn chim bay về đâu

Vỗ cánh nghiêng mặt trời

Tình anh như ngọn núi

Mãi mãi một màu xanh

Tình em như con suối

Mát lành lời thủy chung”.

Tiết mục đi săn

Trong không gian cổ tích, nguyên sơ, những chàng trai cô gái K’Ho luôn chăm chỉ với việc nương rẫy, săn bắt hái lượm.

Những khúc yalyao, tầm pớt cũng cất lên từ đó. Nghệ nhân K’Thế đã trình bày liên khúc Pép tur jun – Linh leo (Đi săn) cùng vũ điệu xoang của các thiếu nữ đầy sống động, cuốn hút.

Trang phục đời thường của nam, nữ KHo

Bên cạnh đó, 8 bộ trang phục truyền thống của các chàng trai, cô gái K’Ho được trình diễn đã phô diễn vẻ đẹp trong kiểu dáng, hoa văn, đường nét của người K’Ho.

Để có những bộ trang phục truyền thống là sự sáng tạo qua nhiều thế hệ, trong đó nghề dệt thổ cẩm của người K’Ho có từ lâu đời với khung dệt đơn giản chỉ là thanh tre gỗ.

Trang phục của thiếu nữ KHo

Chất liệu thổ cẩm lấy chủ yếu từ thiên nhiên sẵn có như sợi bông, vỏ cây, rễ củ. Màu nền trong trang phục K’Ho là màu đen hoặc chàm được trang trí hoa văn, họa tiết hình học sắc sảo, độc đáo mà không cầu kỳ.

Trong đó, tấm choàng (ùi) của người phụ nữ K’Ho được sử dụng phổ biến bởi tính đa năng, phù hợp với phong tục tập quán, cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt trong điều khí hậu khắc nghiệt của núi rừng.

Tấm ùi đi kèm trang phục truyền thống của phụ nữ KHo với nhiều công dụng

Là dân tộc sinh sống lâu đời trên vùng đất Nam Tây Nguyên, đồng bào K'Ho luôn tự hào về truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc.

Tham dự Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Việt Nam lần này là cơ hội để các nghệ nhân giới thiệu bản sắc văn hoá riêng có của vùng đất Lâm Đồng.

Đây cũng là dịp để các nghệ nhân giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa truyền thống.

Trình diễn trang phục truyền thống gắn với dụng cụ lao động sản xuất sống động

Tại Hội thi, Chương trình “Âm vang cao nguyên” của đoàn Lâm Đồng để lại ấn tượng như một bông hoa đẹp trong vườn hoa muôn sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.