Chuyện đi học 'tiền lớp 1" của trẻ vùng sâu

D.QUỲNH - D.NHÃ 00:02, 06/08/2024

Bảo Thuận, xã vùng xa của huyện Di Linh, nơi hầu hết cư dân là người dân tộc ít người Tây Nguyên cư trú. Những ngày này, dù đang kỳ nghỉ hè, nhưng các cô bé, cậu bé nhỏ xíu vẫn đang tới trường mỗi ngày.

Các trò chăm chú trong giờ học bổ sung tiếng Việt của Trường Tiểu học Bảo Thuận - Di Linh
Các trò chăm chú trong giờ học bổ sung tiếng Việt của Trường Tiểu học Bảo Thuận - Di Linh

 

Cô giáo Ka Truyền, giáo viên Trường Tiểu học Bảo Thuận đang nắn nót từng nét chữ cho các con. Cô bảo, trẻ em Bảo Thuận phần lớn vào lớp 1 đều chưa biết nhiều hoặc chưa nói thạo tiếng Việt. Vào lớp, các con phải làm quen với con chữ, với bài học, rất khó để các con theo kịp chương trình. Bởi vậy, năm nào cũng vậy, trước khi khai giảng năm học, đón các con vào lớp 1, nhà trường đều mở lớp dạy tiếng Việt cho các con. Cô Ka Truyền cho biết, giáo viên chọn lọc những bài học phù hợp cho đối tượng học sinh của địa phương, giúp học sinh nghe, hiểu, biết trả lời những câu hỏi của giáo viên. Giáo viên còn trang bị cho các em kỹ năng cầm bút, ổn định nền nếp, lồng ghép làm quen với chữ cái. Cô Ka Truyền chia sẻ: “Nhiều bạn ban đầu vào lớp gần như không nói được nhiều tiếng Việt, còn rụt rè, ngại chơi với cô, với bạn. Nhưng các con tiếp thu rất nhanh, chỉ học hơn một tháng đã mạnh dạn hơn rất nhiều, nói tiếng Việt tốt hơn, biết đoàn kết với lớp, tham gia các trò chơi bằng tiếng Việt rất nhiệt tình”.

Thầy Đặng Hồng Nam - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bảo Thuận cho biết, học sinh dân tộc thiểu số thường sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp hằng ngày. Điều này khiến các em gặp nhiều hạn chế trong giao tiếp và khó khăn khi tiếp thu, lĩnh hội kiến thức trong sách giáo khoa khi bước vào lớp 1. Do đó, dịp hè nhà trường đã tổ chức việc dạy bổ túc tiếng Việt cho các em. Như năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Bảo Thuận đang bổ túc tiếng Việt cho 162 trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho chuẩn bị vào lớp 1. 

Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường kết hợp với UBND xã Bảo Thuận vận động 100% trẻ vào lớp 1 đến trường học tiếng Việt dịp hè. Cán bộ xã cũng tới từng gia đình vận động người lớn đưa - đón trẻ tới lớp học thêm tiếng Việt. Nhằm mang lại hiệu quả học tập, những bài học được các giáo viên soạn dựa theo giáo trình “Kế hoạch bài học chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thầy Nam đánh giá, giáo trình chuẩn bị tiếng Việt khá hiệu quả, đồng thời được nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên áp dụng theo thực tế của từng địa phương. 

Ban Giám hiệu nhà trường chọn những giáo viên người dân tộc ở địa phương hoặc người đã gắn bó lâu năm và có kinh nghiệm trong việc giảng dạy để dạy tiếng Việt cho các trò. Nhờ đó, sau một thời gian giảng dạy, đa số các trò đã có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, nắm bắt kịp thời chương trình giáo dục. Bên cạnh đó nhà trường yêu cầu mỗi giáo viên khi dạy trẻ học tiếng Việt phải linh hoạt trong mọi tình huống, rèn cho trẻ tự tin trong giao tiếp tiếng Việt; tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô và những người xung quanh. Thầy Nam thông tin: “Trẻ 6 tuổi là tuổi còn ham chơi, việc giáo dục các trò phải đảm bảo học vui - vui học. Các trò học tiếng Việt, học cách tương tác cũng như thói quen sinh hoạt tập thể. Đội ngũ giáo viên của trường có nhiều kinh nghiệm nên giáo dục trò rất hiệu quả”. 

Khi trò chuyện với cha mẹ, anh chị của các bé, cô giáo Ka Truyền cũng như các giáo viên cũng đề nghị gia đình tăng cường giao tiếp tiếng Việt, để trẻ quen hơn với việc sử dụng ngôn ngữ phổ thông bên cạnh tiếng mẹ đẻ. Ka Ly, cô bé đang học bổ túc tiếng Việt bẽn lẽn nói, đi học ở lớp, cô bé vui, được chơi với bạn và cũng biết thêm nhiều chữ cái, con số. Sau hơn 1 tháng được các thầy cô bổ túc tiếng Việt, đến nay, các trò chuẩn bị vào lớp 1 của Trường Tiểu học Bảo Thuận đã cơ bản biết đọc, biết viết tiếng Việt, sẵn sàng cho một năm học mới vô cùng quan trọng. 

Triển khai chương trình phổ cập tiếng Việt cho các em học sinh bước vào lớp 1 của Trường Tiểu học Bảo Thuận, bằng những phương pháp, hình thức tổ chức phù hợp với khả năng nhận thức đã tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển ngôn ngữ của trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó hiểu được các từ ngữ tiếng Việt và sử dụng tốt tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày. Và đây cũng là yếu tố góp phần đưa 100% trẻ ra lớp mỗi năm của trường tiểu học vùng sâu huyện Di Linh đi xa hơn trên con đường học tập.