Cựu chiến binh đẩy mạnh chuyển đổi số

HƯƠNG LY 05:59, 20/08/2024

Trong những năm gần đây, cán bộ, hội viên cựu chiến binh tỉnh đã áp dụng và thực hiện quyết liệt chuyển đổi số theo chức năng, nhiệm vụ; qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.

Hội CCB các cấp trong toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số
Hội CCB các cấp trong toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ của toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó có trách nhiệm của Hội Cựu chiến binh (CCB), chính vì vậy, các cấp hội trong toàn tỉnh đã luôn bày tỏ sự đồng thuận và xác định ý chí quyết tâm, trách nhiệm cao trong việc tích cực tham gia công cuộc chuyển đổi số tại địa phương.

Ông Nguyễn Thành Đô - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đức Trọng khẳng định, nhờ vào việc tập trung áp dụng các lợi thế của công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo tại cơ sở mà đông đảo cán bộ, hội viên, người dân đã nắm được thông tin nhanh chóng. Từ đó, luôn hưởng ứng và tích cực tham gia các sự kiện quan trọng của dân tộc và đất nước, 100% tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Lâm Hà Nguyễn Ngọc Phi, Hội CCB huyện đã chủ động tuyên truyền, giáo dục cán bộ hội viên tập trung ứng dụng công nghệ thông tin để vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, hiến pháp, pháp luật Nhà nước; nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Hội CCB huyện chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra giúp đỡ các tổ chức cơ sở hội triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số; nhờ đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho từng cán bộ, hội viên trong việc tham gia chuyển đổi số”, ông Phi nói.

Theo Hội CCB tỉnh Lâm Đồng, Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định: “Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội...”. Vì vậy, thời gian qua, CCB trong toàn tỉnh đã luôn tích cực tham gia và công cuộc chuyển đổi số, góp phần xây dựng tổ chức vững mạnh và đóng góp vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Cụ thể, Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội CCB tỉnh phối hợp các cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi số; cụ thể hóa các văn bản của cấp trên và địa phương về chuyển đổi số bằng nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn cho các cấp Hội thực hiện, phù hợp với tình hình tổ chức biên chế, năng lực đội ngũ cán bộ, sát với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đưa vấn đề chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, một chỉ tiêu thi đua, để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ và bình xét khen thưởng hằng năm.

Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số luôn chú trọng khâu tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên CCB và Nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Cùng với đó, quan tâm công tác bồi dưỡng tập huấn năng lực chuyên môn toàn diện, lồng ghép với các kiến thức chuyên sâu về khai thác ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin để phục vụ chuyển đổi số sát với chức trách, nhiệm vụ.

Đặc biệt, công cuộc chuyển đổi số được triển khai thực hiện ngay trong từng cơ quan Hội, trên cả 3 nội dung (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số): toàn bộ hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành... đều được kết nối, chuyển phát, thu nhận qua mạng của địa phương và mạng nội bộ từ tỉnh Hội đến cơ sở.

Trong đó, trang thông tin điện tử (Website) của Hội CCB tỉnh được thành lập tháng 2/2021 là tiếng nói chung của Hội, hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, hàng tháng có hơn 500 lượt truy cập. Nhóm zalo Câu lạc bộ Doanh nhân CCB, CCB làm kinh tế tỉnh với hơn 100 hội viên tham gia.

Thông qua các kênh này đã kịp thời phản ánh những hoạt động của Hội, gương sáng trên các lĩnh vực; nhất là những mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động và giải quyết các chính sách đối với CCB... góp phần động viên cổ vũ CCB tham gia công tác Hội nói chung và chương trình xây dựng NTM nói riêng tại địa phương.

Bên cạnh đó, Hội CCB tỉnh thường xuyên quan tâm, khai thác có hiệu quả ứng dụng của chuyển đổi số trong việc trao đổi thông tin, phối hợp ký kết hoạt động với các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện các phong trào, các cuộc vận động; điều đó vừa đáp ứng về thời gian, không bị chi phối nhiều về không gian, quy mô tổ chức... tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả các mặt công tác...

Ngoài ra, các tổ chức cơ sở hội cũng đã phân công cán bộ, hội viên có kiến thức và kinh nghiệm trong khai thác ứng dụng công nghệ thông tin tham gia các tổ công tác liên ngành về chuyển đổi số ở địa phương; vừa làm công tác tuyên truyền, vừa trực tiếp giúp hội viên và Nhân dân cài đặt các ứng dụng, cách thức khai thác những phần mềm phục vụ chuyển đổi số trên điện thoại thông minh, máy tính, laptop... giúp CCB và Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả.