Cho đến đầu tháng 8 này, các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số (DTTS) vào lớp 1 đã kết thúc và Trường Tiểu học Tà Nung - Đà Lạt đang tất bật chuẩn bị cho năm học mới.
Một lớp học tăng cường tiếng Việt trong hè của Trường Tiểu học Tà Nung- Đà Lạt |
• VỪA DẠY VỪA DỖ
Nhỏ nhắn trong chiếc áo thun trắng ngắn tay và chiếc quần màu đỏ còn mới, trông Ya Hào có vẻ bẽn lẽn trong lớp học với chiếc bảng con tập viết trước mặt và chiếc cặp sách vở để sau lưng ghế ngồi.
Năm nay 6 tuổi, là con thứ tư trong gia đình 5 đứa con, Ya Hào trong tháng 9 này đã đến tuổi vào lớp 1. Mặc dù nhà Y Hào khá gần với Trường Tiểu học Tà Nung nhưng những ngày đầu, bà M’bon Ka Thu, 35 tuổi - mẹ của Ya Hào vẫn đưa con trai đến trường. Buổi trưa khi tan lớp, cậu bé được anh trai là Ya Hoàng, cũng là học sinh lớp 2 của trường đến đón em mình về.
Ya Hào là 1 trong tổng số 86 học sinh người DTTS đến tuổi vào lớp 1 trong năm học 2024-2025 tại Tà Nung - một xã vùng ven Đà Lạt với dân cư chủ yếu là người DTTS sinh sống. Ya Hào cùng các bạn trong lớp được nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà vận động để các em đến lớp tăng cường tiếng Việt chuẩn bị cho năm học mới. Số học sinh này được nhà trường phân thành 4 lớp hè. Lớp học mọi năm thường được bắt đầu từ đầu tháng 7 hằng năm, nhưng năm nay bắt đầu sớm hơn, từ giữa tháng 6 và vừa kết thúc trong đầu tháng 8 vừa qua.
Theo thầy giáo Đậu Xuân Đức - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Nung, trong mùa hè rồi, nhà trường được cấp nguồn ngân sách 40 triệu đồng để tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh người DTTS trong xã. Lớp học diễn ra trong các ngày từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày 1 buổi sáng. Bên cạnh các học sinh năm nay chuẩn bị vào lớp 1, lớp còn có 6 học sinh năm rồi ở lại lớp cũng đi học lại.
“Thông thường mọi năm các lớp tăng cường tiếng Việt trong hè này chừng 1 tháng, nhưng năm nay lớp dài hơn, học sinh học 1 tháng rưỡi cho các em vững vàng” - thầy Đức cho biết.
Theo cô giáo Phạm Thị Phương Dung, giáo viên phụ trách dạy hè, Tổ trưởng Khối 1 và cũng là người có kinh nghiệm 15 năm dạy tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS của trường, những lớp học tăng cường tiếng Việt trong hè như thế cực kỳ quan trọng.
“Hầu hết các em đều chưa nói được tiếng Kinh vì ở nhà sinh hoạt gia đình chỉ nói tiếng dân tộc của mình. Cũng có một số gia đình có điều kiện đưa các cháu đến các lớp mẫu giáo trong xã nhưng cũng có nhiều gia đình cho các em ở nhà, nhiều gia đình đi làm rẫy xa mang các em vào trong rẫy, khi đến tuổi đi học mới về làng đưa đến lớp” - cô Dung cho biết.
“Khi đến lớp, các em không biết nói, không nghe được tiếng Kinh, chưa cầm bút được, phải mất một thời gian khá lâu, tốn nhiều công sức các em này mới bắt kịp nhịp chung của lớp” - cô Dung nói.
Chính vì vậy, những lớp học tăng cường tiếng Việt trong hè là dịp để các em quen dần bảng chữ cái, tập cầm bút, tập đếm số, làm quen với bạn bè, trường lớp để vào năm học mới các em không bỡ ngỡ.
“Đi dạy những lớp trong hè này và ở lớp 1 phải cực kỳ kiên nhẫn. Các em người DTTS hầu hết ngoan, hiền, nhưng chưa quen với việc đến trường hằng ngày. Nhiệm vụ của mình là phải làm cho các em yêu thích lớp học, tạo ra một lớp học vui, mình cần phải nhẹ nhàng, phải vừa dạy vừa dỗ” - cô Dung tươi cười.
• NÂNG CHẤT LƯỢNG HỌC SINH DTTS
Trong năm học 2023-2024 vừa qua, Trường Tiểu học Tà Nung có tổng cộng 655 học sinh trong 16 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó có 409 học sinh DTTS, chiếm tỷ lệ 62,4% học sinh toàn trường. Năm học mới 2024-2025 này, theo thầy Đức, dự kiến lượng học sinh của trường tăng lên gần 700 em, trong đó tỷ lệ học sinh người DTTS trên 62% như năm học trước.
Điểm khó nhất của ngôi trường tiểu học trong vùng DTTS này là công tác duy trì sĩ số. Nhưng theo thầy Đức, nhiều năm nay, Trường Tiểu học Tà Nung đã làm tốt công tác này thông qua nhiều biện pháp chống học sinh bỏ học, như đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo không khí lớp học vui tươi cho học sinh; nhà trường quan tâm học sinh, tìm cách giúp đỡ các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn tạo điều kiện cho các em đến lớp. Nhà trường gần đây cũng tổ chức các cuộc họp phụ huynh trong năm học để giữ liên lạc với gia đình, kịp thời có biện pháp đưa các em trở lại lớp khi vắng học không có lý do.
Trong rất nhiều năm nay, trường cũng luôn duy trì và tổ chức tốt các lớp tăng cường tiếng Việt cho học sinh vào lớp 1 trong hè. Trong năm học, nếu các em yếu tiếng Việt thì các giáo viên phụ trách lớp tiếp tục tìm cách hỗ trợ.
Điều đáng mừng, theo thầy Đức, chất lượng học sinh của Trường Tiểu học Tà Nung trong đó có học sinh DTTS những năm gần đây đã từng bước được nâng lên, số lượng học sinh hoàn thành tốt chương trình học hằng năm tăng đều, năm sau cao hơn năm trước. Năm học 2023-2024 vừa qua, trường có học sinh đoạt 30 giải các cấp, trong đó có 1 giải cấp quốc gia, 3 giải cấp tỉnh, 26 giải cấp thành phố.
Và cũng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh học 2 buổi có thể ở lại trường trong buổi trưa, phụ huynh nhà xa không phải đưa đón đi lại bất tiện, gần đây, Trường Tiểu học Tà Nung đã bắt đầu tổ chức bán trú, tổ chức ăn trưa và ở lại trưa cho học sinh. Trong năm nay, Ban Giám hiệu của trường đã vận động được 350 triệu đồng từ nhiều nguồn tài trợ để xây dựng 1 bếp ăn rộng 160 m2 (gồm 1 phòng ăn và 1 bếp ăn) trong khuôn viên trường. Công trình này đến nay cơ bản đã hoàn tất và sẽ đưa vào sử dụng trong đầu năm học 2024-2025.
Nằm trong một khuôn viên 1,2 ha, Trường Tiểu học Tà Nung đang từng bước được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang. Trong năm học vừa qua, trường được đầu tư 1,9 tỷ đồng để lát gạch lại toàn bộ mặt sân rất rộng. Ban Giám hiệu trong dịp này cũng mong các cấp TP Đà Lạt xem xét để xây lại dãy 14 phòng học của trường do xây từ lâu, nay đã xuống cấp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin