Năm 2004, Đam Rông được thành lập trên cơ sở gộp 5 xã thuộc diện nghèo khó nhất huyện Lâm Hà: Liêng S’rônh, Đạ R’sal, Phi Liêng, Đạ K’nàng, Rô Men và 3 xã cũng thuộc diện khó khăn nhất của huyện Lạc Dương: Đạ M’rông, Đạ Tông, Đạ Long. Từ xuất phát điểm thấp và khó như vậy nên nhiều người đã ví Đam Rông là sự kết hợp của 2 cái nghèo cũ thành 1 cái nghèo mới, quy mô lớn hơn và khó khăn cũng khó hơn, nghèo chồng nghèo, khó chồng khó.
Bên cạnh phát triển kinh tế, Đam Rông cũng chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân bản địa Tây Nguyên |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai, Đam Rông có diện tích tự nhiên 87.275 ha, dân số 58.706 người. Tính đến thời điểm hiện tại, Đam Rông là địa phương cấp huyện có tên trên bản đồ hành chính muộn nhất so với các huyện, thành phố khác trong tỉnh Lâm Đồng. “Dân số của huyện Đam Rông ở thời điểm mới thành lập (số liệu thống kê năm 2005) là 30.633 người, nay tăng gần gấp 2 lần so với năm 2005 (58.706 người). Tổng diện tích gieo trồng năm 2005 là 8.948 ha, nay tăng hơn 158 lần (gần 23.130 ha). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đam Rông năm 2005 chiếm 73,19% dân số. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 85% dân số”, ông Liêng Hót Ha Hai cho biết.
Nay, Đam Rông đã ra khỏi danh sách “huyện nghèo 30a”. Tỷ lệ hộ nghèo của Đam Rộng hiện chỉ còn 2,77%, giảm 70,42% so với năm 2005. Đó là một “kỳ tích” cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân huyện Đam Rông. Từ chỗ toàn huyện chỉ có 15 công trình thủy lợi, chỉ đáp ứng nguồn nước tưới cho 687 ha diện tích cây trồng, trải qua 20 năm, Đam Rông đã xây dựng được 81 công trình thủy lợi (tăng thêm 66 công trình so với năm 2005) đảm bảo nhu cầu nước tưới cho gần 3.300 ha diện tích cây trồng, (tăng thêm 2.570 ha so với năm 2005). Bên cạnh đó, các công trình giao thông của huyện Đam Rông cũng tăng đáng kể, năm 2005, Đam Rông có trên 327 km đường bộ, nay tăng lên hơn 642 km đường bộ. Trước, hạ tầng thương mại ở Đam Rông gần như không có, chỉ một số tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ tại trung tâm các xã Đạ Tông, Đạ R’sal, Phi Liêng, Đạ K’nàng. Nay, Đam Rông đã có 4 chợ, gồm chợ Đạ Rsal, chợ Đạ Tông, chợ Phi Liêng và chợ Đạ K’nàng, bên cạnh 2.245 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Cơ sở vật chất trường học không ngừng được cải thiện và nâng cao. Năm học 2004 - 2005, Đam Rông có 243 phòng học đến năm học 2023 - 2024 tăng lên 592 phòng học. Cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Đam Rông cũng tăng đáng kể, từ 20 cơ sở lên 37 cơ sở (tăng thêm 17 cơ sở giáo dục) và số lượng học sinh tăng từ 7.663 học sinh (năm học 2004 - 2005) lên 17.341 học sinh (năm học 2023 - 2024), tăng thêm 9.678 học sinh so với năm học 2004 - 2005.
Theo ông Liêng Hót Ha Hai, năm 2005, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Đam Rông chỉ đạt 747 triệu đồng, con số này trong năm 2024 là 83,5 tỷ đồng, đạt 103%, tăng 112 lần so với năm 2005. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện Đam Rông đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng 16,8 lần so với năm 2005. Tổng số đảng viên hiện có của Đam Rông là 1.850 đảng viên, tăng 1.395 đảng viên so với năm 2005, đang sinh hoạt tại 37 tổ chức cơ sở đảng. Mỗi năm, Đảng bộ huyện Đam Rông kết nạp mới khoảng 70 đảng viên.
Thường trực Huyện ủy Đam Rông chia sẻ, nhìn lại chặng đường 20 năm qua, 4 nhiệm kỳ đại hội Đảng, có thể khẳng định rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Đam Rông đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu đưa huyện Đam Rông từ một vùng đất “khó chồng khó”, “nghèo chồng nghèo” từng bước bứt phá đi lên, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và tăng cường, đời sống người dân ngày một nâng cao, cả vật chất lẫn tinh thần.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin