Để Bảo Lộc trở thành đô thị tăng trưởng xanh

MINH ĐẠO 01:00, 18/08/2024

Tính chất đô thị của TP Bảo Lộc, một trung tâm khu vực Nam Tây Nguyên - đã hình thành từ 130 năm trước, khi bác sĩ Alexandre Yersin khám phá ra vùng đất này. Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn tiến bởi quy luật, nhu cầu, sự nỗ lực từ địa phương, nhưng cần nhiều giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thì Bảo Lộc mới thực sự trở thành đô thị tương xứng với tiềm năng và phát triển bền vững. 

Mảng xanh và mặt nước
góp phần “xanh hóa”
đô thị Bảo Lộc. Ảnh: K.P
Mảng xanh và mặt nước góp phần “xanh hóa” đô thị Bảo Lộc. Ảnh: K.P

HƯỚNG ĐẾN ĐÔ THỊ HIỆN ĐẠI, GIÀU BẢN SẮC

Cũng như các đô thị khác, TP Bảo Lộc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tại địa bàn được đô thị hóa. Sự phát triển đô thị hình thành từ những tiềm năng nội tại, đồng thời vươn lên trong hệ sinh thái về quy hoạch chung các vùng phụ cận. Đặc biệt, một trong những yêu cầu quan trọng là đô thị hóa gắn với hình thái kiến trúc đô thị cảnh quan; xác định cấu trúc đô thị phù hợp, đảm bảo quy mô diện tích, tiếp cận các giao thông đối ngoại cấp quốc gia và cấp vùng, phù hợp các xu thế phát triển của thời đại, như tăng trưởng xanh - đô thị bền vững - công nghệ thông minh…

Thế mạnh của Bảo Lộc là sự tích hợp từ các thành quả kinh tế, lợi thế địa lý, đa dạng địa hình của các đô thị vệ tinh và các địa phương trong vùng phụ cận. Mục đích hướng đến của TP Bảo Lộc là xây dựng một đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc; một cấu trúc đô thị bền vững với hệ thống kiến trúc - hạ tầng thông minh; một môi trường sống chất lượng, an lành và sinh thái; một nền kinh tế tăng trưởng xanh, gắn với đặc trưng kinh tế nông nghiệp đô thị của vùng; một thành phố thu hút nhiều nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế công - nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại...

 Bảo Lộc đang hiện thực hóa bản quy hoạch mới nhất, theo Quyết định 1194, ngày 16/6/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng Quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040. Phạm vi ranh giới lập quy hoạch có tổng diện tích tự nhiên hơn 59.800 ha; quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 258.000 người và năm 2040 đạt 320.000 người.

Vào năm 2025, TP Bảo Lộc trở thành đô thị loại II và tiệm cận loại I vào năm 2040, theo xu hướng quy mô tương đương tỉnh lỵ. Là thành phố thông minh; đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng; trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với TP Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của tỉnh và vùng Tây Nguyên... Phát triển không gian TP Bảo Lộc đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo chiến lược tăng trưởng xanh, trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái với các làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan của xứ B’Lao...

CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM “XANH HÓA” ĐÔ THỊ

Hiện, TP Bảo Lộc đang tích cực triển khai các công trình trọng điểm nhằm hiện thực hóa về một đô thị tăng trưởng xanh và bền vững. Đó là Dự án Cấp, thu gom xử lý nước thải, gồm 4 dự án thành phần: (1) Dự án thu gom xử lý nước thải, tổng mức đầu tư khái toán 1.029 tỷ đồng. Các hạng mục chính gồm: xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 4.000 m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống thu gom nước thải gồm tuyến cấp 1, cấp 2 tổng chiều dài tuyến chính khoảng 23,5 km, tuyến ống cấp 3 thu gom từ các hộ gia đình, hộp đấu nối hộ gia đình, chiều dài khoảng 31 km, đấu nối với khoảng 5.000 hộ. (2) Dự án Nhà máy cấp nước Bảo Lộc, đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng có công suất 15.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư dự kiến 153 tỷ đồng. (3) Dự án Nhà máy nước mặt sông Đại Nga, công suất cấp nước giai đoạn 1 là 5.000 m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư là 37,789 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024. (4) Dự án đầu tư hệ thống mạng lưới Đường ống cấp nước, tổng mức đầu tư là 52,533 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vị trí xây dựng nhà máy thuộc một dự án thành phần hiện đang thuộc phạm vi Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 866, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 866). 

Dĩ nhiên không thể dừng lại tiến trình đô thị hóa Bảo Lộc. Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Văn Phương cho biết, trong 6 tháng còn lại của năm 2024, thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư theo định hướng quy hoạch chung được phê duyệt; ưu tiên thu hút các dự án du lịch nghỉ dưỡng, y tế, văn hóa giáo dục, đô thị xanh. Thí điểm tổ chức “Phố đêm” tại khu vực hồ Đồng Nai. Cùng với đó, Bảo Lộc tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định 866 trong tinh thần tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của Quyết định 866 đối với thành phố, tạo điều kiện để thành phố có thêm không gian phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

VƯỚNG QUY HOẠCH KHOÁNG SẢN 

TP Bảo Lộc đang gặp trở ngại lớn trong phát triển đô thị khi đặt trong quy chiếu với Quyết định 866. Tổng diện tích đất trên địa bàn TP Bảo Lộc thuộc phạm vi quy hoạch của Quyết định 866 lên tới hơn 3.783 ha. Đang tồn tại tình thế này nên hiện nhiều dự án khu dân cư, cải tạo nâng cấp đường đô thị, nâng cấp trụ sở cơ quan đã được phê duyệt nhưng không thể triển khai; nhiều trường học, trạm y tế, cơ sở tôn giáo cũng bị ảnh hưởng. Quyết định 866 quy hoạch ngay cả trên nhiều khu dân cư vốn đã hình thành từ 50 - 60 năm trước. 

Tại buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, ngày 23/6, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên thừa nhận tình trạng quy hoạch chồng của Quyết định 866. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các tỉnh cần huy động tổng lực rà soát ngay thực tế các vùng có liên quan đến khai thác khoáng sản và lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7. Vì theo ông Trần Lưu Quang, khi điều chỉnh Quyết định 866 sẽ liên quan đến Luật Khoáng sản, cần làm ngay trước khi Quốc hội thông qua Luật Khoáng sản vào tháng 10/2024. Trước đó, ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 334 phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những giải pháp, nhiệm vụ nêu tại Quyết định 334 này là đến năm 2030, hoàn thành 85% diện tích lập bản đồ địa chất, khoáng sản.