(LĐ online) - Sáng 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.
Đến tham dự và chỉ đạo hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. |
Trước khi bắt đầu hội nghị, toàn thể đại biểu dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người luôn dành những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt với ngành Giáo dục.
Các đại biểu tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi bắt đầu hội nghị |
Năm học 2023 - 2024 đánh dấu 10 năm toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra. Công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và giáo dục THCS và xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi đến trường nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được đầu tư; các địa phương thực hiện rà soát, dồn dịch điểm trường lẻ, sát nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung đầu tư, bảo đảm chất lượng giáo dục; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ; các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ bổ sung 27.826 biên chế cho năm học 2023 - 2024; trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng được 19.474 giáo viên. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng; triển khai lộ trình đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học.
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng", với 12 nhiệm vụ trọng tâm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những kết quả ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua. Đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành giáo dục, chỉ rõ các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính khẳng định: Phải quan tâm giáo dục và đào tạo để tạo động lực, nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững |
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo, các bộ, ngành, địa phương thực hiện 9 nội dung nhiệm vụ trọng tâm: chuẩn bị chu đáo các hệ điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày năm học, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới; tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học; xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp. Chú trọng công tác truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh. Với phương châm lấy học sinh, sinh viên là trung tâm, chủ thể, thầy cô giáo là động lực, nhà trường làm bệ đỡ, gia đình là điểm tựa, xã hội là nền tảng, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng ngành Giáo dục khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói về mục tiêu của ngành trong năm học mới |
Tại Lâm Đồng, năm học 2023-2024 với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, trong điều kiện có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực cao của toàn ngành, năm học 2023-2024 đã đạt được những thành tích nổi trội nhất từ trước tới nay cả về đào tạo mũi nhọn và đại trà.
Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 498/599, tỷ lệ 83,14%, vượt 0.04% so với chỉ tiêu được giao năm 2024 (mặc dù mới qua quý III/2024).
Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở các độ tuổi tăng như sau: mầm non (0- 5 tuổi): 70,08% (tăng 3,75%), nhà trẻ: 26,53% (tăng 2,04%) mẫu giáo: 88,98% (tăng 1,05%; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao, 100% trường có tổ chức bán trú, 100% trẻ được học 2 buổi/ngày, 100% cơ sở GDMN phát triển chương trình GDMN phù hợp với văn hóa, điều kiện địa phương, nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ, 100% trẻ được khám sức khỏe và theo dõi sức khỏe bằng biểu đồ tăng trường (tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: 0,93%, suy dinh dưỡng thể thấp còi: 1,61%).
Công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024: toàn tỉnh Lâm Đồng có 14.993 thí sinh dự thi (thí sinh THPT: 14.277, số thí sinh GDTX: 687, thí sinh tự do: 29); 14.964/14.929 học sinh đậu tốt nghiệp (không bao gồm thí sinh tự do), tỷ lệ 99,77% (học sinh THPT: 99,99%, học sinh GDTX: 96,94%); 49/59 đơn vị trường học có tỷ lệ tốt nghiệp THPT: 100%, 4/9 trung tâm GDNN-GDTX đạt tỷ lệ 100%.
Đặc biệt, Lâm Đồng cũng đã có 1 dự án Khoa học kỹ thuật (2 học sinh) của Trường THPT Phan Đình Phùng (huyện Đam Rông) và 1 học sinh chuyên Tin học của Trường THPT Chuyên Bảo Lộc đạt giải nhất kỳ thi cấp quốc gia được Bộ GD&ĐT lựa chọn đại diện cho Việt Nam tham dự các cuộc thi quốc tế được tổ chức tại Hoa Kỳ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin