(LĐ online) - Sáng 28/8, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số, kỹ năng số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2024.
Quang cảnh buổi khai giảng |
Khóa học bao gồm 1 lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo và 2 lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham mưu về chuyển đổi số.
Lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo được tổ chức nhằm thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số của địa phương; trang bị các công cụ đánh giá về khả năng chuyển đổi số của tổ chức; kỹ năng lãnh đạo, xây dựng, thực thi và quản trị rủi ro trong quá trình chuyển đổi số của đơn vị.
Nội dung của các lớp tập huấn gồm 4 chuyên đề: Xây dựng và thực thi chiến lược chuyển đổi số; tầm quan trọng của lãnh đạo đổi mới và hợp tác trong quá trình chuyển đổi số; bộ công cụ đánh giá về khả năng chuyển đổi số của đơn vị; quản trị rủi ro trong chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu chỉ đạo tại buổi khai giảng |
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai giảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu kép, vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu. Trong hành trình đó, nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, tại các cơ quan nhà nước không chỉ riêng của tỉnh Lâm Đồng, vấn đề phát triển nguồn nhân lực số còn nhiều khó khăn.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 110 cán bộ, công chức, viên chức làm việc chuyên trách và kiêm nhiệm về chuyển đổi số, an toàn thông tin (trong đó, 57 công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyển đổi số, 53 công chức, viên chức làm nhiệm vụ an toàn thông tin); có khoảng 500 nhân lực công nghệ thông tin trình độ đại học trở lên làm việc trong các doanh nghiệp.
Các trường học đã đưa chương trình đào tạo kỹ năng tin học cho học sinh, sinh viên vào chương trình chính nhằm tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số; 100% các trường học từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông đều có các phòng máy tính dành riêng cho việc đào tạo tin học; 6/6 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh có đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Chương trình tập huấn hôm nay do Sở Thông tin Truyền thông phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức, với sự tham gia của 40 học viên là đại diện lãnh đạo của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố; nhằm giúp cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hiểu rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số; từ đó triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh.
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự lớp tập huấn |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cũng đề nghị các giảng viên, báo cáo viên trong quá trình truyền đạt các chuyên đề theo khung chương trình tập huấn, lồng ghép giữa nội dung lý thuyết, gắn với các nội dung thực tiễn, các chuyên đề gắn với các nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng, giới thiệu các cách làm hay, mô hình, giải pháp đã được triển khai thành công hoặc bước đầu thành công trong thực tế, để các học viên tiếp thu và có thể triển khai có hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối với các học viên cần nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các nội dung chuyên đề, tích cực trao đổi, thảo luận về những vấn đề mới, khó khăn, phức tạp, liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình với các giảng viên và giữa các học viên với nhau. Phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu theo sự gợi mở, hướng dẫn của giảng viên, nghiên cứu tài liệu, liên hệ, tìm cách vận dụng vào công việc thực tế của cơ quan, đơn vị mình.
Sau lớp tập huấn có những hành động cụ thể, quyết liệt hơn để tham mưu, chỉ đạo và tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số tại Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin