KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY BÁO LÂM ĐỒNG PHÁT HÀNH SỐ ĐẦU TIÊN (19/8/1977 - 19/8/2024):
Hành quân giữa trùng dương biển, đảo

VĂN VIỆT 04:57, 17/08/2024

Những ngày đầu năm 2024, phóng viên cùng Đoàn Công tác Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân xuất phát từ quần đảo Phú Quốc rẽ sóng ra giữa trùng dương theo chuyến hải trình dài ngày cập bến các điểm đảo tiền tiêu vùng Tây Nam của Tổ quốc. Tác nghiệp giữa bao la biển trời càng thêm yêu, thêm quý tuyệt tác thiên nhiên đẹp như gấm hoa, đẹp vô cùng của nước Việt.

Tác giả trên chuyến hải trình tác nghiệp trên vùng biển, đảo Tây Nam
Tác giả trên chuyến hải trình tác nghiệp trên vùng biển, đảo Tây Nam

Đoàn phóng viên chúng tôi hơn 50 người được bố trí xuống tàu đầu tiên và lên tàu trước tiên để được tác nghiệp thuận lợi nhất. Nhờ vậy chúng tôi được chiêm ngưỡng vùng trời vùng biển hòa quyện với nhau trong không gian thẳm sâu, bất tận. Gần một tuần băng băng vượt khơi xa, chúng tôi hành quân lên tàu từ 21 giờ đến 22 giờ, cập bến trở lại quần đảo Phú Quốc khoảng 17 giờ. Trong đó thời gian phần lớn tàu chạy trên biển đang vào lập xuân 2024, thời tiết thuận hòa, nên chỉ nghiêng nghiêng những con sóng nhỏ trên suốt hải trình. Thi thoảng một vài đợt sóng tung bọt lên cao, con tàu dập dềnh đi về phía trước, cảm giác chúng tôi xôn xao mong đến giờ cập cầu cảng lên từng quần đảo.  

Tác giả (bên trái) với Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân trên hải trình thăm biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc
Tác giả (bên trái) với Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân trên hải trình thăm biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc

Hải trình đường tàu đầu tiên từ quần đảo Phú Quốc, chúng tôi xuống tàu từ 21 giờ rồi chạy xuyên đêm trên biển, ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ trên tàu đến 6 giờ 30 phút sáng ngày hôm sau cập bến đảo Thổ Chu. Mới hay, đảo Thổ Chu cách đảo Phú Quốc khoảng hơn 100 km về phía Tây Nam, cách đất liền hơn 220 km về phía Đông; điểm cao nhất so với mực nước biển 164 m, là đảo lớn nhất trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu. Trong số này, Hòn Nhạn có diện tích 2.000 m2, điểm cao nhất 40 m so với mặt nước biển, chính là điểm A1 trên đường cơ sở của Việt Nam. Chúng tôi gặp Phó Chủ tịch UBND xã đảo Thổ Châu Nguyễn Thanh Nhiệm được biết, đảo Thổ Chu thuộc xã Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, năm 1993 từ 17 hộ dân đầu tiên, đến nay có hơn 500 hộ dân với gần 1.900 nhân khẩu. Người dân trên đảo Thổ Chu sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch. Bên cạnh cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã Thổ Châu, trên đảo Thổ Chu có nhiều lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như: Trạm Ra đa 610 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Trạm Hải đăng thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Đài Khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, Trung đoàn 152, Quân khu 9, Đồn Biên phòng Thổ Châu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Lữ đoàn 25 CB, Quân Khu 9; Trạm Cảnh sát biển thuộc Vùng Cảnh sát biển 4.

Tác giả (bên phải) với Giám đốc Hợp tác xã Cá Bớp Hòn Chuối 
và đồng nghiệp
Tác giả (bên phải) với Giám đốc Hợp tác xã Cá Bớp Hòn Chuối và đồng nghiệp

“Theo lịch âm hàng năm người dân đảo Thổ Chu từ tháng 5 đến tháng 8 theo gió mùa Tây Nam chuyển sang định cư khu vực Bãi Dong. Từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau theo gió mùa Đông Bắc, người dân chuyển sang định cư Bãi Ngự. Ngành nghề chủ yếu của người dân khi chuyển bãi trên đảo là: sản xuất, kinh doanh phục vụ đánh bắt hải sản xung quanh đảo, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt; hậu cần nghề cá; sơ chế mực, cá cơm khô …”, Phó Chủ tịch xã Thổ Châu Nguyễn Thanh Nhiệm thông tin. 

Xa nhất là chặng đường biển, đảo Thổ Chu - Hòn Khoai - Hòn Chuối lần lượt tàu chạy đi ngày hôm trước và đến ngày hôm sau từ 14 giờ đến 6 giờ 30 và từ 15 giờ đến 7 giờ 30. Hòn Khoai là một đảo có điều kiện tự nhiên rất phong phú và vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Nơi đây một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc. Đảo Hòn Khoai mở ra bức tranh phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, đa dạng, diện tích khoảng 4 km2, điểm cao nhất so với mực nước biển 318 m. Tọa lạc ở phía Đông Nam mũi Cà Mau, đảo Hòn Khoai thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách đất liền khoảng 14 km. Thượng úy Hoàng Kim Thới - Chính trị viên Trạm Ra đa 595 Hòn Khoai khẳng định: “Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Trạm Ra đa 595 luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống Vùng 5 Hải quân, Trung đoàn Ra đa 551, luôn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quan sát phát hiện, nắm chắc tình hình vùng biển, không phận thấp trong phạm vi được phân công, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”.

Phong cảnh biển, đảo Nam Du
Phong cảnh biển, đảo Nam Du

Sau đảo Hòn Khoai, tàu chúng tôi phải neo lại xa xa để chuyển sang chiếc tàu nhỏ vượt lên những con sóng trắng xóa để đến đảo Hòn Chuối. Người đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là ông Lê Văn Phương, 65 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã Cá Bớp Hòn Chuối. Ông Phương đưa tay chỉ ra phía biển nói: “Trong năm vừa qua, toàn đảo Hòn Chuối với 10 hộ dân nuôi cá bớp, cá mú, mỗi hộ nuôi 2 - 3 lồng bè, thu về lợi nhuận mỗi bè khoảng 15 triệu đồng. So sánh cùng kỳ năm trước chỉ bằng 50%, dù vậy bà con luôn giữ nghề nuôi cá lồng bè trên biển, đảm bảo chất lượng thu hoạch, tin tưởng tăng thu nhập vượt trội trong những năm tới…”.

Đường hành quân của phóng viên chúng tôi theo kế hoạch đã hoàn thành thời điểm lập xuân 2024 với hải trình đảo Phú Quốc - đảo Thổ Chu - đảo Hòn Khoai - đảo Hòn Chuối - đảo Nam Du - đảo Hòn Đốc - đảo Phú Quốc tổng cộng khoảng 340 hải lý, tương đương khoảng 630 km. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Trưởng Đoàn Công tác luôn tạo mọi điều kiện hiệu quả nhất cho phóng viên chúng tôi tác nghiệp. Chuẩn Đô đốc nhấn mạnh: “Vùng biển Tây Nam của Tổ quốc diện tích khoảng 150.000 km2 (Kiên Giang 63.000 km2, Cà Mau 87.000 km2). Trên mặt biển có hơn 150 đảo, trong đó có 46 đảo có cư dân sinh sống thuộc 5 quần đảo, An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu. Chiều dài bờ biển khoảng 450 km, tính từ cửa sông Gành Hào, Bạc Liêu tới Hà Tiên, Kiên Giang. Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành cùng lịch sử dân tộc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã lập nhiều chiến công và thành tích xuất sắc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Chiến đấu anh dũng, giúp bạn tận tình, đoàn kết hiệp đồng, làm chủ vùng biển...”.