KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2024):
Giá trị của hòa bình 

NHẬT QUỲNH 00:04, 19/08/2024

Mỗi trang sử Việt là một bản anh hùng ca bi tráng, ghi dấu những chiến công oai hùng và sự hy sinh bất khuất của dân tộc. Hòa bình, độc lập và tự do ngày nay được đánh đổi bằng nước mắt, xương và máu của bao thế hệ đi trước. Nhìn lại những hy sinh, mất mát to lớn đó để thấy rằng “hòa bình là vô giá”, nhắc nhở thế hệ ngày nay cần phải biết ơn và trân trọng những gì mà ông cha ta đã để lại, ý thức được trách nhiệm và sẵn sàng cống hiến xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh.

Dù trí nhớ suy giảm và bắt đầu lẫn, mỗi khi cầm bức ảnh con trai trên tay, mắt mẹ Thung vẫn đượm buồn, ngấn lệ
Dù trí nhớ suy giảm và bắt đầu lẫn, mỗi khi cầm bức ảnh con trai trên tay, mắt mẹ Thung vẫn đượm buồn, ngấn lệ

• NỖI ĐAU CỦA MẸ 

“… Ba lần tiễn con đi, 
Hai lần khóc thầm lặng lẽ, 
Các anh không về mình mẹ lặng im…”

(Đất nước, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn)

Dù chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ, nhưng hình ảnh người mẹ già mòn mỏi ngóng đợi con về vẫn còn đó. Câu chuyện về Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thung là câu chuyện đau thương nhưng đầy tự hào của biết bao người Mẹ Việt Nam Anh hùng khác.

Mẹ Thung (sinh năm 1936, hiện sống tại TP Đà Lạt) có chồng và con trai đầu đều là liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Mẹ đã dành gần như hơn nửa cuộc đời để đợi chồng, đợi con. Chồng mẹ, liệt sĩ Vũ Đình Xoan, người tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1968. Suốt 12 năm kể từ ngày lấy nhau, mẹ chỉ được đoàn tụ với chồng vỏn vẹn 3 lần, còn lại là những tháng ngày đằng đẵng xa cách. “Ông mất mà không một di ảnh, kỷ vật nào để lại, đến nay gia đình vẫn chưa biết ông nằm ở đâu”, ông Vũ Đình Tuyến, con trai mẹ, nghẹn ngào kể lại.

12 năm sau, nỗi đau đó lại nhân lên một lần nữa, khi người con trai đầu, liệt sĩ Vũ Đình Hải, cũng vĩnh viễn nằm lại chiến trường Campuchia. Mất chồng, mất con, những tháng ngày còn lại với mẹ là nỗi nhớ, nỗi đau dai dẳng... 

Giọng trầm buồn, ông Tuyến kể tiếp: “16 tuổi, anh Hải đã sống xa gia đình, 19 tuổi, anh nối gót bố lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Anh cũng bặt vô âm tín từ đó. Đầu năm 1980, gia đình nhận được thư báo tháng 10/1980 anh ra quân”. Tin con sẽ về, mẹ ngày ngày ngóng đợi, nhưng mãi mà chẳng thấy con đâu. Và rồi, 2 năm sau, mẹ sững sờ khi hay tin con đã hy sinh từ tháng 9/1980. Ngày đoàn tụ, ngày mẹ gặp con, ngày các em gặp anh... giờ chỉ còn là ước nguyện. 

“Mỗi khi nhớ chồng, nhớ con, bà lại lấy di ảnh con ra ngắm. Nhìn mãi, rồi lại khóc. Bà khóc nhiều đến nỗi mờ mắt, nay, một bên mắt của bà không còn nhìn thấy gì nữa”, ông Tuyến nghẹn ngào kể lại. Hai năm trở lại đây, trí nhớ của mẹ suy giảm nhiều và bắt đầu lẫn. Vậy mà, khi cầm bức ảnh con trai trên tay, mắt mẹ vẫn đượm buồn, ngấn lệ. Nỗi đau của mẹ biết khi nào nguôi... 

Những ký ức về một thời sinh tử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại
Những ký ức về một thời sinh tử vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người ở lại

VÌ "NGỌN ĐUỐC HÒA BÌNH, BAO NGƯỜI ĐÃ NGÃ"

Còn với những người lính, dù may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng những vết thương do chiến tranh để lại trong tâm trí và thể xác, vẫn ngày đêm dai dẳng, dày vò như nhắc nhớ về một thời khốc liệt đã qua.

“Nhất là mỗi khi trái nắng, trở trời, vết thương cũ lại càng thêm đau”, như lời thương binh Phạm Văn Nhật (71 tuổi, hiện sống tại Đức Trọng) chia sẻ. Mỗi vết sẹo trên người thương binh hạng 1/4 này, như một mảnh ký ức về những phút giây cận kề cái chết. Là người con của thị xã Duy Tiên, Hà Nam, 17 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Một năm sau, ông được điều động về bổ sung cho C5 đặc công, Tiểu đoàn 810, đóng quân trên địa bàn tỉnh Tuyên Đức (gồm Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương ngày nay). Tháng 12/1973, ông cùng hai tiểu đội đặc công của đơn vị dẫn đội công tác Lạc Dương vào ấp Phước Thành trinh sát và mua lương thực, thì bất ngờ bị địch phục kích.

“Địch gài bom mìn và bắn trực diện, quân ta bị thương vô số. Ba đồng đội hy sinh, bị chúng lôi xác bêu dân, hòng làm nhụt chí quân dân ta. Tôi may mắn thoát chết nhưng bị thương ở tay trái, chân trái, gãy xương bánh chè và hoại tử ruột”, ông kể. Sau 4 năm điều trị, tháng 3/1978, ông dần hồi phục và được đưa về Đoàn An dưỡng thương binh nặng tại Gia Viễn, Ninh Bình. Năm 1985, ông được chuyển về Trại An dưỡng thương binh nặng Phú Hội, thuộc tỉnh Tuyên Đức lúc bấy giờ.

Đoàn viên, thanh niên dâng hương tại các phần mộ liệt sỹ. Ảnh tư liệu
Đoàn viên, thanh niên dâng hương tại các phần mộ liệt sỹ. Ảnh tư liệu

Đến nay, dù những vết thương vẫn còn ngày đêm dày vò thể xác, nhưng ông vẫn luôn tự hào vì "xương máu của mình đã góp phần để có được hòa bình cho Tổ quốc ngày nay và tin rằng thế hệ trẻ sẽ trân trọng giá trị mà hòa bình mang lại, nỗ lực học tập, lao động, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, để những hy sinh ấy không trở nên vô nghĩa”.

“… Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi,
Mấy nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ,
Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã,
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông…”

Những ca từ bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai, như nói lên tất cả những hy sinh, mất mát mà dân tộc ta đã phải trải qua. Chỉ riêng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã có hơn một triệu người lính ngã xuống. Việt Nam, một đất nước nhỏ bé, mà có tới hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, hơn 3.000 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng hơn 9 triệu người có công với cách mạng gồm thương binh, bệnh binh, người bị địch bắt tù đày...

Sự hy sinh, mất mát đó là những gì mà cha ông ta đã phải đánh đổi để có hòa bình, độc lập, tự do. Đây cũng là lời nhắc nhở, như lời bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”, cho thế hệ ngày nay và mai sau phải luôn trân trọng, ghi nhớ:

“Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng,
Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa,
Tôi lắng nghe, tôi lắng nghe, 
Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”.