(LĐ online) - Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y trực tiếp vào kiểm tra, làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng và sở, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo và Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa đã triển khai hàng loạt giải pháp; trong đó có Ban hành phác đồ điều trị bò bị bệnh tiêu chảy (theo hướng dẫn Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học trực tiếp xuống kiểm tra tại các hộ dân có bò bị tiêu chảy |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thống nhất hỗ trợ vật tư để điều trị bò bị bệnh trong thời gian tới (trong đó, có Công ty cổ phần kinh doanh thuốc thú y Trung ương Navetco).
Cục Thú y cũng cho biết hiện đang tiếp tục xác định nguyên nhân gây bệnh, phối hợp với UBND tỉnh thống nhất báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi công bố nguyên nhân gây bệnh.
UBND tỉnh đã ban hành Văn bản khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa, Ban Chỉ đạo đã đã họp, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên theo và triển khai các nhiệm vụ theo nội dung chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy ngày 09/8/2024.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ hỗ trợ thiết bị, vật tư thú y cho người dân có bò bị bệnh để điều trị (hiện nay, Công ty Vinamilk và Công ty Navetco đã vận chuyển vật tư đến hỗ trợ tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng); đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 20.000 lít hóa chất khử trùng, tiêu độc; yêu cầu các huyện, thành phố cử cán bộ thú y đến hỗ trợ huyện Đơn Dương điều trị bò bị bệnh, bố trí nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện điều trị bò bị bệnh.
Tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo Cục Thú y hỗ trợ, sớm xác định nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp chữa trị, phòng ngừa hiệu quả. Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có bò bị chết do bệnh tiêu chảy để chủ hộ chăn nuôi sớm ổn định sản xuất, cuộc sống; đồng thời tiếp tục đề nghị doanh nghiệp liên quan hỗ trợ địa phương các loại vật tư, phương tiện để hỗ trợ điều trị bệnh.
Theo cơ quan chức năng, tính từ 16 giờ ngày 9/8/2024 đến 16 giờ ngày 10/8/2024, phát sinh thêm 578 con bò bị nhiễm bệnh (tăng 364 con so với phát sinh trong ngày 9/8/2024). Luỹ kế đến 16 giờ ngày 10/8/2024, có 4.495 con bò bị nhiễm bệnh; 193 con bị chết, tăng 21 con bò bị chết so với thời điểm 16 giờ ngày 9/8/2024 (huyện Đơn Dương 144 con, tăng 13 con so với thời điểm 16 giờ ngày 9/8/2024; huyện Đức Trọng 49 con, tăng 8 con so với thời điểm 16 giờ ngày 09/8/2024).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin