Theo Sở Y tế Lâm Đồng, trong những năm qua, tình hình sốt xuất huyết Dengue (SXHD) trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là giai đoạn 2021-2024. Trong năm 2024, số ca mắc SXHD tại địa bàn tỉnh tăng đột biến, hiện 12/12 huyện, thành phố ghi nhận ca bệnh. Đến ngày 28/7/2024, số ca mắc trong tỉnh là 4.045 ca, có 1 ca tử vong tại TP Bảo Lộc.
Tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh, làm sạch môi trường đảm bảo cơ quan, đơn vị, nhà dân không có vật chứa có lăng quăng (bọ gậy) |
Khả năng bùng phát dịch SXH lớn tại Lâm Đồng là rất cao do biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển muỗi truyền bệnh SXH, chủ yếu liên quan đến sự phát triển của vật trung gian và bệnh là muỗi Aedes. Bên cạnh đó, Lâm Đồng có lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến rất đông, tỷ lệ di cư dân số phức tạp gây áp lực lớn cho ngành Y tế trong công tác giữ vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Nguyên nhân chủ quan là công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống SXH còn chưa chủ động, chưa quyết liệt ở một số đơn vị, đầu tư nguồn lực (tính theo đầu người) còn hạn chế do không có quy định riêng cho công tác phòng, chống SXH. Trong công tác chuyên môn, số lượng cán bộ tại trạm y tế ít, các cán bộ chuyên trách phòng, chống dịch tại các xã, phường, thị trấn phải làm việc kiêm nhiệm. Một số cán bộ chuyên trách mới nên chưa có kinh nghiệm trong công tác điều tra, giám sát, xử lý dịch, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền phòng, chống SXH trên địa bàn chưa được phổ biến sâu rộng, chưa lồng ghép đa dạng hoạt động tuyên truyền trong các hình thức tập trung như hội nghị, hội thảo, giao ban của nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, ý thức tự giác, thường xuyên tham gia vệ sinh môi trường nói chung, diệt muỗi, diệt bọ gậy và phối hợp trong xử lý dịch nói riêng ở một bộ phận Nhân dân còn hạn chế. Thói quen tích trữ nước mưa vào các bể, dụng cụ chứa nước hở nhưng không thả cá hoặc trồng cây cảnh, hòn non bộ chứa nước tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh trưởng.
Trước đây, chu kỳ dịch SXH khoảng 4 - 5 năm, nhưng từ năm 2021 đến nay, số ca mắc SXH tăng lên theo từng năm, điều đó có thể thấy dịch SXH trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp, không theo quy luật. Đặc biệt trong năm 2024, số ca mắc SXH rất cao, số liệu bệnh SXH năm 2024, đến ngày 28/7/2024, có 4.045 ca (tăng 2.112 ca), tập trung tại Bảo Lộc 1.543 ca (tăng 1.430 ca so với cùng kỳ năm 2023); Lâm Hà 515 ca (tăng tăng 378 ca); Đơn Dương 378 ca (tăng 295 ca); Di Linh 698 ca (tăng 108 ca)... Số ca mắc SXH tăng cao trong năm 2024 là một thách thức lớn cho ngành Y tế Lâm Đồng, đặc biệt là trong công tác kiểm soát lăng quăng SXH tại hộ gia đình nhằm duy trì hiệu quả của hoạt động phun hóa chất diệt muỗi SXH. Tổng số ổ dịch trên địa bàn tỉnh có 947 ổ dịch, 100% ổ dịch phát hiện đều được xử lý. Trong đó, 396 ổ dịch được xử lý bằng hình thức phun hóa chất kết hợp diệt lăng quăng chiếm 41,8%; 551 ổ dịch được xử lý bằng hình thức diệt lăng quăng chiếm 58,2%.
Mặc dù, UBND tỉnh đã ra công điện và nhiều văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố phối hợp với ngành Y tế quyết liệt phòng, chống dịch SXH, tuy nhiên hiện tại, việc thực hiện chưa được hệ thống, chưa đạt hiệu quả một phần là do chưa có sự phân công rõ ràng và chưa có sự hỗ trợ kinh phí cho việc thực hiện hoạt động này. Do đó, công tác phòng, chống, kiểm soát dịch SXH của ngành Y tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác diệt lăng quăng, bọ gậy. Vừa qua, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng, chống SXH. Dự báo tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận ở mức cao trong năm 2024 và những năm tiếp theo với các lý do: SXH gia tăng trong bối cảnh chung của tình hình bệnh trên thế giới và Việt Nam. Tình hình dịch bệnh SXH phụ thuộc nhiều vào yếu tố như thời tiết, khí hậu, lượng mưa trong năm. Sự biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Đặc biệt, nền nhiệt độ của tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện thuận lợi cho quần thể muỗi Aedes phát triển. Các hoạt động chống dịch tại các ổ dịch còn nhiều khó khăn, chưa được triệt để, hiệu quả còn thấp, do chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của người dân và cộng đồng thông qua các hoạt động diệt lăng quăng, loại trừ các ổ bọ gậy, ý thức tham gia các hoạt động phòng, chống dịch của một số người dân còn chưa cao. Chưa có định mức chi thuê nhân công phun hóa chất xử lý ổ dịch, các hoạt động hỗ trợ cho chiến dịch diệt lăng quăng tại cộng đồng. Type vi rút lưu hành tại tỉnh chủ yếu là DEN-2 với độc lực cao nên tỷ lệ ca nặng sẽ tăng, cần tiếp tục nâng cao năng lực điều trị, chẩn đoán sớm, hạn chế tử vong do SXHD.
Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. Cụ thể, tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh, làm sạch môi trường tại đơn vị đảm bảo cơ quan không có vật chứa có lăng quăng (bọ gậy). Tăng cường các hoạt động truyền thông, sử dụng nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận thông tin của người dân, tập trung vào các thông tin: Hướng dẫn các triệu chứng nhận biết sớm mắc bệnh để người dân chủ động tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế; khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng, chống muỗi đốt…; thông báo khu vực có dịch, lịch triển khai các hoạt động xử lý dịch để người dân phối hợp triển khai. Rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên tập huấn, cập nhật kiến thức cho các cán bộ tham gia công tác điều trị, tổ chức tốt việc khám bệnh, phân độ, tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, hội chẩn, trao đổi chuyên môn với tuyến trên đối với các trường hợp bệnh nặng vượt quá khả năng hoặc bệnh cần được chuyển tuyến, đảm bảo chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong. Nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán bệnh SXH; đảm bảo đủ giường bệnh, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch và thu dung điều trị bệnh nhân mắc SXH.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng tiếp tục theo dõi giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình, dự báo diễn biến SXH trên địa bàn tỉnh; kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các địa bàn là điểm nóng về SXH và công tác phòng, chống SXH tại các khu vực trồng dâu, nuôi tằm. Thành lập các đoàn kiểm tra giám sát và cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh SXH tại các huyện, thành phố có số lượng người mắc SXH cao. Rà soát lại toàn bộ thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời đề xuất mua sắm các trang thiết bị, thuốc, hóa chất đầy đủ, đảm bảo triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch trong trường hợp số ca bệnh SXH tăng cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin