Những chiến công hiển hách của lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng

NHẬT QUỲNH 04:34, 22/08/2024

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, quân và dân Lâm Đồng đã có nhiều đóng góp vào sự thắng lợi chung của đất nước. Trong đó, có nhiều chiến công hiển hách, ghi dấu sự kiên cường, quả cảm và lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân Lâm Đồng.

Ông Đỗ Đình Trường và ông Nguyễn Doãn Thái Hòa cùng ôn lại những ký ức một thời chống FULRO
Ông Đỗ Đình Trường và ông Nguyễn Doãn Thái Hòa cùng ôn lại những ký ức một thời chống FULRO

TÁO BẠO, BẤT NGỜ, CHỚP NHOÁNG 

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dù trang bị thiếu thốn, lực lượng hạn chế, nhưng, quân và dân Lâm Đồng vẫn nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường, có nhiều trận đánh dù nhỏ lẻ nhưng táo bạo, bất ngờ, tấn công chớp nhoáng, gây tổn thất nặng nề, tiêu hao sinh lực và tinh thần chiến đấu của địch. Cao trào là vào tháng 5, tháng 6 năm 1951 khi quân ta liên tục đánh địch trong thị xã Đà Lạt.

Đêm 11/5/1951, đội cảm tử Phan Như Thạch do đồng chí Nguyễn Thanh Liêm chỉ huy, đã táo bạo đột nhập biệt thự Hoa Hồng và tiêu diệt tên Hazz Victor, đầu sỏ mật thám, Phó Thanh tra Pháp ở Nam Đông Dương. Chưa đầy 2 tháng sau, vào sáng 28/6/1951, đồng chí Lê Thành Thái (đội cảm tử Phan Như Thạch) và đồng chí Hoàng Xuân Sinh (cán bộ tình báo nội thị Đà Lạt) tổ chức trận đánh và tiêu diệt 5 tên địch, gây thương vong nhiều tên khác. Dù bị vây hãm, cả hai vẫn quyết không để địch bắt sống và anh dũng hy sinh bằng viên đạn cuối cùng.

Các trận đánh táo bạo này đã làm cho địch giận dữ. Lùng sục, truy sát nhưng không lần ra tung tích, chúng điên cuồng trút giận lên đầu tù nhân bằng cách đem 20 tù chính trị ra xử bắn, gây ra vụ thảm sát đẫm máu tại rừng Cam Ly hơn 70 năm trước. 19 đồng chí đã dũng cảm hi sinh, nữ tử tù Nguyễn Thị Lang may mắn sống sót thần kỳ dù nhận đủ 9 viên đạn xuyên người, gồm viên “ân huệ”, từ chúng. Vụ thảm sát đã dấy lên sự phẫn nộ cao độ của dư luận trong nước và quốc tế, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh chống lại sự tàn bạo của kẻ thù trong  quân và dân ta.

DŨNG SĨ DIỆT MÁY BAY MỸ 

Thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ lập chính phủ bù nhìn Ngô Ðình Diệm ở miền Nam hòng phá hoại hòa bình và thực hiện chính sách thực dân kiểu mới ở nước ta. Đứng trước tình hình đó, cùng với phong trào đấu tranh vũ trang cả nước, các hoạt động vũ trang của quân và dân tỉnh ta cũng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, với nhiều trận đánh, sự kiện gây chấn động, tạo thế chủ động cho quân ta trên chiến trường. 

Theo ông Trần Ngọc Biên - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm, năm 1970, sự kiện đồng chí K’Vét - Chỉ huy tổ du kích thuộc xã đội Lộc Bắc (nay thuộc huyện Bảo Lâm) - bắn rơi máy bay chở tướng địch đã làm chấn động dư luận cả nước lúc bấy giờ. Khoảng 7 giờ 10 phút sáng ngày 7/7, tổ du kích 3 người do đồng chí K’Vét chỉ huy khi đang tuần tra, bảo vệ buôn B’Tạch (nay là Thôn 1, xã Lộc Bắc) thì phát hiện 2 máy bay trực thăng địch, gồm chiếc HU1A chở tên Trung tướng Gióc- giơ- Kisi, Tư lệnh Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ cùng các sĩ quan tuỳ tùng đi thị sát chiến trường. 

Nhân lúc máy bay hạ độ cao, anh siết cò nổ súng, khiến trực thăng loạng choạng, bốc cháy, lao vào chân núi Đăng Trinh (Nao Xiêng) cách trận địa khoảng hơn 150 m. Chiếc còn lại vội bốc lên cao, bay thẳng về phía Biên Hòa. Sau khi kiểm tra xác máy bay địch và thu được toàn bộ súng ngắn, K’Vét cử K’Chàng về báo cáo với cấp trên chuẩn bị lực lượng phòng chúng quay lại phục kích. Kết quả, sau hai ngày kiên cường bám trụ, phục kích, tổ du kích của K’Vét và trung đội du kích xã Lộc Bắc đã bắn rơi 6 máy bay phản lực và trực thăng; diệt 1 trung tướng Mỹ và 7 sĩ quan tham mưu, thu toàn bộ súng ngắn và vũ khí trang bị của chúng. Ta hoàn toàn không thương vong, chỉ thiệt hại 3 ha hoa màu.

CHO TỚI KHI “SẠCH BÓNG QUÂN THÙ”

Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, dù đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, nhưng bọn phản động FULRO, do các thế lực bên ngoài tiếp tay, liên tục kích động quần chúng, tập kích, phá hoại thành quả cách mạng của Nhân dân ta. 

Ông Đỗ Đình Trường (sinh năm 1952), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 840, cho biết, nghe tin tình hình FULRO diễn biến phức tạp, tiểu đoàn đã khẩn trương hành quân về Đầm Ròn, chi viện. Tiểu đoàn gồm 4 đại đội và 2 trung đội. Các Đại đội 1, 3, 4 đóng quân ở thôn Đa Kao, riêng Đại đội 2 đóng quân tại khu vực sông Krông Nô.

Khoảng 3h sáng, ngày 1/9/1975, tiểu đoàn bị lực lượng FULRO bao vây đánh úp. Đại đội 1 phát hiện nổ súng đầu tiên; Đại đội 3 cũng đồng thời phát hiện và nổ súng, đánh lại địch. “Tôi phóng một quả B40, một đồng đội khác cũng phóng 1 quả B41 vào địch, khiến chúng thương vong rất nhiều; giúp Đại đội 1 phá vòng vây; hạ được hơn 60 tên, bắt sống hàng trăm tên và thu được nhiều vũ khí”, ông Nguyễn Doãn Thái Hòa (sinh năm 1954), nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 840 kể lại. 

Thương vong lớn, chúng đáp trả điên cuồng. Tiểu đoàn lập tức điều động Đại đội 2 bơi vượt sông Krông Nô để chi viện, địch bỏ chạy tán loạn. “Thắng lợi này có được là nhờ sự cảnh giác cao độ của quân ta, nhanh chóng chuyển từ thế bị động sang chủ động phản kích, tiêu diệt phần lớn sinh lực địch. Đây được coi là một trong những trận đánh FULRO mở màn điển hình, vang dội khắp vùng Tây Nguyên lúc bấy giờ. Đến năm 1987, vấn đề FULRO cơ bản được giải quyết”, ông Hòa nói. 

Đến nay, dù đất nước đã sạch bóng quân thù, những chiến công này vẫn còn sống mãi trong lòng Nhân dân, là những dấu mốc son, biểu tượng của lòng yêu nước của quân và dân ta. Mỗi chiến công không chỉ là niềm tự hào của thế hệ đi trước mà còn là bài học quý giá, truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau, giữ vững ngọn lửa yêu nước và ý chí xây dựng, bảo vệ quê hương.